Khi lính dù bảo vệ bầu trời

My Lăng |

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất do Mỹ tiến hành, một số đơn vị của lữ đoàn dù 305 đã sáng tạo phương thức đánh máy bay địch bằng... bóng phòng không và khinh khí cầu gắn mìn định hướng.

Lữ đoàn dù 305 - Khúc tráng ca lặng lẽ - Kỳ 4: Tôi luyện trên trời xanh

Đại tá Dương Tuấn Kiệt - người chỉ huy lính dù đi lập các bãi bóng phòng không - Ảnh: My Lăng

Những bãi bóng phòng không

“Khi Mỹ đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc, để tránh radar của ta phát hiện, máy bay địch chuyển qua bay đêm và bay ở độ cao thấp, có lúc cách mặt nước sông Hồng chỉ hơn 50 m!

Vào gần Hà Nội, chúng bất ngờ ngóc đầu dậy nâng độ cao, thả bom. Radar của ta không phát hiện được, đến khi địch vào gần mới biết. Khi đó thì các loại pháo của mình không làm gì được”, đại tá Dương Tuấn Kiệt cho biết.

Khi đó ông Kiệt là đội trưởng đội khinh khí cầu. Người đội trưởng trẻ măng chợt nhớ lại bộ phim giới thiệu về lịch sử khinh khí cầu của Liên Xô.

“Người Nga đã dùng khinh khí cầu chống máy bay bay thấp của phát xít Đức để không quân và pháo cao xạ tiêu diệt.

Trong cuộc họp của Bộ tư lệnh Quân chủng phòng không không quân, tôi nói về sáng kiến này của Liên Xô và gợi ý: mình có áp dụng được không? Phó tư lệnh khen ý này, gọi tôi lên gặp riêng.

Nhưng giờ mình lấy đâu ra khinh khí cầu? Hỏi Liên Xô thì họ nói đất nước họ đã hòa bình nên loại phòng không trong thời chiến không còn.

Tôi nhớ lúc đó Bộ Công nghiệp nhẹ đã sản xuất được nilông để làm áo mưa loại dày, giữ được độ kín nên đề xuất làm bóng phòng không. Mình nông dân, biết lõm bõm vậy thôi”, đại tá Kiệt nhớ lại.

“Sau năm 1963, Bộ Quốc phòng điều một số cán bộ kỹ thuật dù về quân chủng không quân để phát triển thêm một số trung đoàn và sư đoàn bay chiến đấu. Trước tình hình chiến tranh có nhiều thay đổi và yêu cầu mới của cách mạng miền Nam, ngày 24-3-1967 Đại tướng Võ Nguyên Giáp - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - ký quyết định chuyển nhiệm vụ và chấn chỉnh lữ đoàn dù 305 để tổ chức thành Bộ tư lệnh Đặc công. Đại tá Nguyễn Chí Điềm - lữ đoàn trưởng lữ đoàn dù 305 - trở thành tư lệnh Bộ tư lệnh Đặc công. Nhiều cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu rất dũng cảm và hi sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968”, đại tá Dương Tuấn Kiệt kể lại.

Bộ Công nghiệp nhẹ được giao nhiệm vụ sản xuất gấp hàng loạt loại bóng đặc biệt này. Quả lớn nhất có đường kính hơn một sải, có khả năng kéo được 4 kg trên không.

“Chúng tôi phải tính toán thế nào để dây thép có thể kéo lên được đến độ cao 400 m. Lúc đầu kéo thử, bóng chỉ lên là là.

Sau mình nghĩ ra dùng sợi cước của ngư dân đường kính lớn hơn sợi cước thường. Đoạn dưới làm bằng cước để dây nhẹ bớt.

Đoạn trên từ vài trăm mét trở lên làm toàn dây thép. Máy bay chạm vào, dứt khoát là rơi chứ không thoát đâu được”, ông Kiệt cho hay.

Ông Kiệt và chính trị viên đội khinh khí cầu Vũ Cung cùng phụ trách kỹ thuật và hai xe bơm khí.

Từ khi có ý tưởng, chỉ trong ba tháng, trận địa đã được triển khai tại những nơi máy bay Mỹ hay bay thấp như cửa sông, cửa biển hoặc chặn ngay từ những hướng đánh vào như Hải Phòng, Uông Bí (Quảng Ninh)...

“Chúng tôi thả mấy chục bãi bóng, từ Nam Định, Vũ Thư (Thái Bình), Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương... Hai xe điều chế khí hydro lôi đi hết bãi này đến bãi kia để bơm khí vào bóng, thả.

Bóng phòng không mình màu xanh da trời để địch không phát hiện. Bãi ít nhất cũng 200 - 300 quả. Bãi rộng nhất ở Thái Bình tới 500 - 700 quả!

Dân không biết có chuyện chi mà lạ thế. Chúng tôi nhờ dân quân giúp thả cùng. Dân quân toàn con gái. Mỗi trục thả dây có hai cô phụ trách. Con trai đi chiến trường hết rồi. Vất vả lắm” - đại tá Kiệt nhớ lại.

Bóng tạo thành lưới phòng không vây trên trời, bảo vệ phía tây và phía đông nam miền Bắc. Tháng 1-1967, bộ đội dù đã lập công khi một máy bay địch rơi trực tiếp ở Bát Tràng.

Ông Kiệt kể: “Nó cắt ngang qua phần dây thép, kéo dây đi một đoạn dài đứt mất một nửa. Phi công Mỹ không kịp nhảy dù”.

“Sau mình còn đánh bằng khinh khí cầu gắn mìn định hướng”, ông Kiệt cho biết.

Đó là ý tưởng của cán bộ kỹ thuật dù Bùi Duy Trinh. Trong kho còn mấy quả khinh khí cầu lớn để huấn luyện dù (loại 1.000 m3) do Liên Xô tặng.

Nhưng muốn tạo thành lưới phòng không phải là loại quả nhỏ hơn với số lượng lớn. Nhiệm vụ này được giao cho Viện Khoa học kỹ thuật quân sự VN.

Còn những cán bộ, chiến sĩ trong đội công binh dù thì gấp rút nghiên cứu chế tạo mìn phù hợp để khi kích nổ ở độ cao 1.000 m trên không, mảnh vỡ của mìn còn văng cao lên trên không thêm 700 m.

Đại tá Đàm Trọng - Ảnh: My Lăng

Gian khổ ngày xưa không tính được

“Cứ chỗ nào nó bay thấp, không quân không bắn được là điều mình đến - ông Đàm Trọng (Hà Nội) kể - Hồi đó tôi phụ trách một đại đội đi đánh luồn.

Đại đội tôi đi rất nhiều nơi, thả suốt từ ngày 21-9-1966 đến 1-10-1966 tại Ba Vì, Hà Tây, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Sơn Tây xuống dọc Ninh Bình rồi đến biển Nam Hà (Nam Định ngày nay), Thủy Nguyên (Hải Phòng) về Uông Bí (Quảng Ninh).

Ở Uông Bí nó bay luồn từ ngoài biển vào để mình không bắn được. Còn ở Thủy Nguyên thì mình bố trí đón lõng máy bay nó đi dọc theo sông.

6h sáng anh em đã bố trí xong bãi thả khinh khí cầu. Mỗi đại đội phụ trách 50 - 60 quả, cứ 200 - 300 m có một quả, thả xen kẽ theo hướng địch hay đi.

Gian khổ ngày xưa không tính được. Đi thả vất vả lắm. Đại đội phải gánh guồng bóng, dây, mìn, khinh khí cầu, hệ thống quay tời... đi bộ từ tỉnh này qua tỉnh nọ.

Có đồng chí trên vai nặng 60 kg nhưng vẫn phải đến địa điểm đúng thời gian quy định. Ăn cơm, nằm ngủ cũng ngoài trời. Một quả có 3 - 4 người canh gác tại chỗ. Có cái tời để thả lên, kéo xuống và bơm thêm khí.

Nguy hiểm nhất là ở Quảng Ninh. Vùng này nhiều khoáng sản, sấm sét nhiều, khinh khí cầu hay tự nổ.

Khi gió mùa đông bắc về, lúc mưa gió anh em kéo xuống thì sét cũng từ trên không theo đường dây dẫn điện xuống, luồng điện đi vào lớn quá, bộ đội bị điện giật ngã hết”.

Những trang ghi chép của đại tá Đàm Trọng về những tháng ngày đi thả khinh khí cầu chống máy bay Mỹ - Ảnh: My Lăng chụp lại

“Rất nhiều tốp máy bay của địch khi phát hiện khinh khí cầu là quay đầu lại, nếu liều lĩnh chui vô là chết ngay. Còn nếu nâng tầm bay cao lên thì gặp tên lửa và pháo cao xạ của ta”, ông Trọng cười.

Bằng cách này, chúng ta đã đánh rơi ba chiếc máy bay địch: một chiếc chuồn dọc sông Hồng, một chiếc ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) năm 1966, một chiếc ở Ninh Bình (1967).

Người cựu chiến binh hào hứng kể về chiếc máy bay AD-6 bị rơi ngay cửa sông Đáy (Ninh Bình) do chính đại đội ông phụ trách: “Đúng 10h10 ngày 6-2-1967 chúng tôi nghe tiếng động cơ rít gầm đến gần.

Hôm đó mây mù che khuất tầm nhìn nhưng nghe tiếng chiếc máy bay rít ngay trên đầu. Đúng dây bố trí khinh khí cầu. Chúng tôi thấy một quả cầu lửa nổ tung trên trời. Máy bay đã vướng dây, bị chập mạch điện.

Sợi dây cước loại 3 ly (có lực kéo khoảng 204 kg) và đường dây điện bố trí quả mìn ngả về hướng tây. Thân cánh máy bay kéo xước một đường dài trên dây bố trí.

Tôi về huyện Yên Khánh báo cáo tỉnh đội và lữ đoàn dù 305. 10h ngày 8-2-1967, tỉnh đội thông báo đại đội 15, lữ đoàn dù 305 đã góp phần cùng Ninh Bình hạ một máy bay AD6 tại cửa sông Đáy. Đây là chiếc thứ 1.680 của cả nước và là chiếc thứ 57 của Ninh Bình”, ông Trọng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại