Theo thỏa thuận này, RSN sẽ cung cấp cho Hải quân Việt Nam tàu cứu hộ và hỗ trợ tàu ngầm (SSRV) MV Swift Rescue và các nguồn lực khác để giúp đỡ trong trường hợp xảy ra sự cố tàu ngầm Kilo 636.
Vậy, MV Swift Rescue có thiết kế như thế nào, hoạt động cứu hộ tàu ngầm ra sao và khả năng của nó đến đâu? Chúng ta cùng tìm hiểu về con tàu được coi là "thần hộ mệnh" của các thủy thủ tàu ngầm Kilo 636 tương lai của Hải quân Việt Nam này.
MV Swift Rescue là một tàu cứu hộ và hỗ trợ tàu ngầm (SSRV) đang hoạt động trong Hải quân Singapore. Con tàu được đóng tại ST Marine, một công ty con thuộc Tập đoàn Công nghệ Kỹ thuật Singapore (ST Engineering).
Được trang bị khả năng cứu hộ và giải thoát tàu ngầm, MV Swift Rescue có khả năng thực hiện các hoạt động cứu hộ trong điều kiện sóng biển cấp 5, nó được hạ thủy bởi Hải quân Singapore (RSN) trong tháng 11/2008.
Thiết kế và phát triển của MV Swift Rescue
MV Swift Rescue là tàu cứu hộ và hỗ trợ, giải thoát tàu ngầm được ST Marine xây dựng theo một hợp đồng của RSN. Trong đó, ST Marine liên doanh cùng với một công ty khác là James Fisher Defence (JFD) để công ty này phụ trách việc xây dựng tàu Tìm kiếm và Cứu hộ sâu (DSAR 6).
DSAR 6 được JFD xây dựng dựa trên nền tảng phương tiện cứu hộ tàu ngầm thuộc lớp DSAR 500. Khi hoạt động, tàu MV Swift Rescue sẽ vận chuyển tàu cứu hộ và giải cứu tàu ngầm DSAR6 tới vị trí tàu ngầm gặp nạn để thực hiện nhiệm vụ.
MV Swift Rescue có chiều dài 85m, rộng 18,3m, chiều cao 7,5m và mớn nước 4,3m. Con tàu có trọng tải toàn phần 4.290 tấn và có thể mang theo một kíp thủy thủ 27 người để thực hiện các hoạt động cứu hộ và giải thoát nhân viên tàu ngầm.
MV Swift Rescue được trang bị với một phương tiện cứu hộ tàu ngầm DSAR 6, một buồng chuyển đổi áp suất (TUP), một hệ thống phóng và khôi phục (LARS), một hệ thống theo dõi và định vị tích hợp, một phương tiện điều khiển từ xa (ROV) và một bãi đáp cho máy bay trực thăng.
Thiết bị trên boong và các hệ thống trên tàu Swift Rescue của Singapore
Tàu cứu hộ và giải thoát tàu ngầm DSAR 6 SRV hoạt động nhờ kíp điều khiển 2 người và có thể chứa tối đa 17 thủy thủ. DSAR 6 được phóng và khôi phục bởi một hệ thống phóng và khôi phục ở đuôi tàu MV Swift Rescue trong điều kiện sóng biển đến cấp 5.
DSAR 6 có chiều dài 9,6m và có khả năng lặn tới độ sâu 500m để cứu hộ các thủy thủ bên trong tàu ngầm gặp nạn.
Buồng chuyển đổi áp suất (TUP) được lắp đặt trong Swift Rescue có thể chứa tối đa 40 thủy thủ. Nó cung cấp các hệ thống điều trị y tế tại chỗ và cho phép chuyển những thủy thủ được cứu hộ từ DSAR 6 về MV Swift Rescue một cách nhanh nhất.
Hệ thống phương tiện điều khiển từ xa trên khoang tàu MV Swift Rescue sẽ trợ giúp cho kíp thủy thủ trên DSAR 6 tìm kiếm và quan sát chính xác vị trí tàu ngầm gặp nạn (DISSUB) và dọn bỏ những mảnh vỡ xung quanh đó. MV Swift Rescue được gắn một cần cẩu nâng có tải trọng 3 tấn và biên chế 50 người (cả thủy thủ và nhân viên), xung quanh là các xuồng cứu hộ tốc độ cao.
Bãi đáp trực thăng trên trên tàu MV Swift Rescue có thể hỗ trợ cho một trực thăng 12 tấn hoạt động để vận chuyển những thủy thủ được cứu hộ vào đất liền để có được những điều kiện chăm sóc tốt hơn. Nó cũng có một hệ thống định vị động DP-2.
Các hệ thống dưới nước và trên khoang tàu đều được giám sát và theo dõi bằng một hệ thống theo dõi và định vị tích hợp. Các cơ sở hậu cần ăn ngủ trên tàu đủ khả năng đảm bảo cho 85 người, bao gồm cả một bệnh viện nhỏ với 18 giường đơn và một giường chung.
Tàu hỗ trợ và cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue được trang bị 2 động cơ diesel MAN công suất 2.040kW, 3 máy phát điện sử dụng nhiên liệu diesel Caterpillar công suất 1.360kW, 2 chân vịt CPP Kort và một phát điện dự phòng công suất 95kW.
MV Swift Rescue có thể hành trình với tốc độ cực đại 12 hải lý/giờ, thời gian hoạt động liên tục trên biển 28 ngày.
Nhìn chung, MV Swift Rescue là một tàu hỗ trợ và cứu hộ tàu ngầm rất hiện đại, trang bị các công nghệ cứu hộ tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Tất cả các tính năng, hệ thống, khả năng hoạt động của con tàu đều được đánh giá cao và rất phù hợp với yêu cầu của Hải quân Việt Nam.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!