Skjold là lớp tàu tên lửa cao tốc có độ bộc lộ radar nhỏ, kích thước bé và được trang bị các loại vũ khí mạnh mẽ. Skjold thực chất là một đệm khí hạm catamaran (hai thân) có khả năng cơ động cực cao.
Chiến hạm đầu tiên trong lớp tàu này, Skjold (số hiệu P960) được hạ thủy vào tháng 4 năm 1999. Sau khi kiểm tra, chính phủ Na Uy đã quyết định xây dựng thêm năm tàu lớp Skjold trong tháng 6 năm 2002.
Hợp đồng đã được hoàn thành trong tháng 7 năm 2003. Các tàu được xây dựng tại nhà máy đóng tàu Umoe Mandal.
Những tàu tên lửa lớp Skjold này được đặt tên là: Storm (P961), Skudd (P962), Steil (P963), Glimt (P964), Gnist (P965).
Chúng đã được hạ thủy vào tháng 11 năm 2006 và bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 01 năm 2008.
Trong tháng 9 năm 2002, Hải quân Mỹ “mượn” một chiếc Skjold để tiến hành nghiên cứu và sử dụng. Con tàu đã tham gia vào hàng loạt các cuộc thử nghiệm của Bộ Tư lệnh chế tạo tàu và trang bị Hải quân (NAVSEA) và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân của Hải quân Mỹ.
Đây là kết quả của một thỏa thuận song phương giữa Hải quân hai nước, trong đó Skjold được Hải quân Mỹ xem là cơ sở cho việc xây dựng các tàu Tàu chiến đấu ven biển (LCS - Littoral combat ship) của nước này.
Trong tháng 9 năm 2003, Skjold được tạm thời đưa ra khỏi dịch vụ và trả lại cho nhà máy đóng đóng tàu Mandal để nâng cấp hệ thống động cơ đẩy của nó. Sau đó, con tàu bắt đầu thử nghiệm trên biển trong tháng 11 năm 2006.
Vào giữa 2008, con tàu đầu tiên thuộc lớp Skjold được chuyển đến Mỹ để thực hiện hàng loạt các cuộc thử nghiệm và phục vụ cho nghiên cứu của Hải quân Mỹ.
Skjold được thiết kế để tác chiến ở vùng ven biển, đặc biệt là ở địa hình với các đảo và vịnh hẹp của Na Uy. Điều này cho phép tàu có thể quan sát và tấn công mục tiêu ở cự ly gần mà không bị đối phương phát hiện.
Với mướn mước chỉ từ 0,9 đến 2,3 m, con tàu có thể hoạt động ở vùng nước rất nông so với tàu chiến khác.
Tàu sử dụng kiến trúc của các tàu catamaran đệm khí, và là một biến thể cải tiến của tàu sử dụng công nghệ hiệu ứng bề mặt.
Thiết kế này dựa trên tàu Oksoy của Na Uy được đưa vào phục vụ trong năm 1994.
Với thiết kế như vậy, con tàu có mướn nước thấp và có khả năng chống sốc tốt cũng như làm giảm đáng kể tác động của sóng so với các loại tàu được thiết kế theo cách thông thường.
Hệ thống thủy lực của con tàu kết hợp với hệ thống truyền động cho phép nó kiểm soát và điều chỉnh áp lực trong các đệm không khí cũng như các van xả và hệ thống thông gió, đảm bảo cho con tàu hoạt động một cách ổn định.
Sự kết hợp của hai thân tàu với đệm không khí cho phép con tàu có khả năng cơ động cực cao.
Với mướn nước thấp chỉ 0,9 m ở lớp đệm khí, con tàu có thể “miễn dịch” với các tác động của bom mìn trên biển.
Thân tàu được làm bằng vật liệu composite. Sợi carbon đã được sử dụng làm dầm, cột và các cấu trúc hỗ trợ yêu cầu độ bền kéo cao, chẳng hạn như cấu trúc hỗ trợ cho súng, pháo, các thiết bị quang-điện và radar.
Vật liệu hấp thụ radar đã được sử dụng trong các kết cấu chịu lực và bề mặt rộng lớn của con tàu. Giải pháp này làm giảm đáng kể trọng lượng của con tàu so với các tàu chiến thông thường.
Tàu được lắp đặt hệ thống điều khiển Senit 2000.
Về hệ thống vũ khí, các chiến hạm lớp Skjold được trang bị 8 tên lửa chống tàu Kongsberg NSM, được thiết kế đặc biệt cho tàu lớp Skjold và tàu khu trục nhỏ Nansen. Tên lửa NSM trang bị hệ thống định vị GPS và có tầm bắn lên tới 150 km. Tên lửa NSM được bắt đầu sản xuất hàng loạt vào tháng 6 năm 2007.
Hai bệ phóng tên lửa phòng không được bố trí trên boong tàu sử dụng tên lửa với đầu dẫn hướng hồng ngoại MBDA Mistral. Tên lửa trang bị đầu đạn 3kg và có tầm bắn 4 km.
Chiến hạm lớp Skjold được trang bị pháo 76-mm Oto Melara Super Rapid với tốc độ bắn 120 viên/phút và tầm bắn lên đến 16 km.
Tàu trang bị hệ thống radar Ceros Saab 200 và hệ thống điều khiển hỏa lực quang-điện để điều khiển các tên lửa và pháo trên tàu.
Hệ thống Ceros bao gồm nhìn thấy radar, camera giám sát, màn hình nhiệt, hệ thống truyền hình và máy đo khoảng cách dùng laser.
Tập đoàn DKNS Thales của Pháp đã nhận được hợp đồng cung cấp radar MRR-3D-NG, radar đa năng và hệ thống IFF.
Hệ thống radar mạng pha MRR-3D-NG có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 140 km, và ở chế độ 3D nó có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 180 km. Trong chế độ tự động, nó có thể phát hiện và theo dõi bất kỳ mục tiêu nào trong vòng bán kính 60 km.
Chiến hạm lớp Skjold cơ bản sử dụng các động cơ thủy lực. Các máy bơm thủy lực có thể di chuyển một cách độc lập với nhau cho phép tàu có thể di chuyển sang hai bên một cách dễ dàng.
Hệ thống động cơ CODAG (kết hợp giữa động cơ diesel và tua bin khí) sử dụng trên tàu bao gồm hai động cơ tuabin khí Rolls-Royce Allison 571KF, công suất 6.000 kW mỗi động cơ và hai động cơ phụ MTU 6R 183 TE52 công suất 275kW mỗi động cơ, cho phép con tàu đạt tốc độ tối đa hơn 100 km /h (55 hải lý).
Phần phía sau các chiến hạm Skjold được trang bị bốn động cơ đẩy tua bin khí Pratt Whitney - hai ST18M công suất 4.000 kW và hai ST 40M công suất 2000 kW, sử dụng 2 động cơ phụt nước Kamewa.