Tổ hợp phòng không lục quân S-300V / SA-12 sử dụng 2 loại tên lửa đánh chặn là Novator 9M82 / SA-12B Giant và 9M83 / SA-12A Gladiator, 2 loại tên lửa này có ngoại hình khá giống nhau nhưng khác biệt nhiều về kích thước cũng như công nghệ bên trong.
Tên lửa 9M83 Gladiator kích thước nhỏ hơn được dùng để tiêu diệt các mục tiêu hàng không ở mọi độ cao, trong đó có cả tên lửa hành trình và các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Tên lửa 9M82 Giant to lớn hơn chuyên dùng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa không đối đất siêu âm, đôi khi là các máy bay gây nhiễu ở tầm xa.
So sánh 2 loại tên lửa của tổ hợp S-300V
Cả 2 loại tên lửa trên đều có động cơ nhiên liệu rắn 2 tầng, hệ thống dẫn đường và điều khiển cũng như nhiều thành phần bên trong tên lửa rất giống nhau. Khác biệt bề ngoài dễ thấy nhất là khoang động cơ tên lửa cũng như cánh lái của 9M82 Giant lớn hơn.
Tên lửa 9M82 với ống phóng kiêm container bảo quản 9Ya238
Giống như dòng S-300P, tên lửa của S-300V cũng sử dụng nguyên tắc "phóng lạnh”, sau khi đạn được “đẩy” ra ngoài ống phóng 9Ya238 / 9Ya240 (9M82 / 9M83), tên lửa sẽ có thiết bị chuyên dụng giúp nó hướng về phía mục tiêu dự định trước khi tầng đầu tiên của động cơ chính kích hoạt.
Đầu dò bán chủ động dải sóng X của tên lửa có thể “khóa” mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng 0,05 m2 ở khoảng cách 30 km, đó là sau khi tên lửa đã được các hệ thống radar dẫn đến sát mục tiêu.
Đầu nổ “thông minh” nặng 150 kg có khả năng kiểm soát hướng mảnh văng để tạo hiệu quả tốt nhất, dĩ nhiên tên lửa cũng có cơ chế tự hủy.
Xác suất tiêu diệt mục tiêu của 9M83 Gladiator đời cũ là khoảng 50 - 65% đối với tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 70 - 90% đối với máy bay, còn 9M82 Giant là 40 - 60% đối với tên lửa đạn đạo tầm trung, 50 - 70% đối với tên lửa hành trình phóng từ máy bay kiểu AGM-69.
Hai loại tên lửa này chỉ đủ sức công kích các mục tiêu có độ cơ động khoảng 7 - 8 G trong khi loại mới hơn 9M82M và 9M83M được cho là lên tới 30 G.
Theo thông tin ban đầu, tầm bắn của tên lửa 9M82M là 200 km đối với các mục tiêu hàng không, nhưng theo giới thiệu mới nhất của nhà sản xuất thì tầm bắn của 9M82M lên tới 250 km với tốc độ không ít hơn 4,5 km/s.
Tên lửa 9M82M của tổ hợp S-300VM trên xe phóng 9A84M
Nếu xét về tầm bắn hiệu quả đối với các mục tiêu hàng không, tên lửa 9M82M và 9M83M của tổ hợp S-300VM thua kém một chút so với tên lửa 40N6 của hệ thống S-400.
Còn lại thì tên lửa 9M82M ngang ngửa với tên lửa 48N6E3 của hệ thống S-400, tốt hơn tên lửa 48N6E2 của S-300PMU2 Favorit và các thế hệ tên lửa 48N6 của các tổ hợp S-300.
Về khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, 9M82M cũng ngang với 48N6E3 và vượt trội hoàn toàn 48N6E2.
Tên lửa 9M82M rời bệ phóng
Tuy vậy, ngoài tầm bắn thì còn có một yếu tố rất quan trọng đó là tên lửa 2 tầng của S-300VM có tốc độ bay nhanh hơn tên lửa của S-300PMU2. Lợi thế của việc này là tên lửa S-300VM sẽ bay đến mục tiêu nhanh hơn, đồng thời động năng tiếp cận mục tiêu cao hơn so với dòng tên lửa 1 tầng 48N6.
Tốc độ trung bình của tên lửa 9M82 cũng đã bằng 85 - 90% tốc độ tối đa của tên lửa 48N6E2/E3. Thời gian bay đến mục tiêu ngắn và động năng tiếp cận cao cũng giúp tên lửa của S-300V/VM thêm nguy hiểm khi máy bay đối phương sẽ có rất ít thời gian để thực hiện các biện pháp phòng vệ hay né tránh.
Khai hỏa tên lửa 9M82M của tổ hợp phòng không lục quân S-300VM