Sức mạnh mới của "Đại bàng bất khả chiến bại"
F-15E là một trong những chiến đấu cơ lừng danh trên thế giới, tiêm kích này đã chứng minh hiệu suất cao trong các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu trong hơn 2 thập kỷ qua.
Tuy nhiên F-15E đã trải qua hơn 26 năm sử dụng, sự xuống cấp là điều khó tránh khỏi, nhưng nhu cầu đối với tiêm kích này trong Không quân Mỹ cũng như trên toàn thế giới vẫn còn rất cao.
Năm 2009, tập đoàn Boeing đã quyết định phát triển gói nâng cấp tiên tiến cho F-15E được chỉ định là F-15SE Silent Eagle. Mẫu thử nghiệm thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2010. Theo thông tin từ nhà sản xuất, đơn giá cho mỗi chiếc F-15SE khoảng 100 triệu USD.
Tập đoàn Boeing phát triển F-15SE như một giải pháp dự phòng trong trường hợp tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 tiếp tục chậm trễ và vượt chi phí.
Nhưng tương lai của chiến đấu cơ này vẫn chưa thực sự rõ ràng, Không quân Mỹ dường như muốn nâng cấp một số tính năng của F-15E chứ không phải toàn bộ.
Mặc dù vậy, một số khách hàng trên thế giới đã bày tỏ sự quan tâm đến chiếc tiêm kích tiên tiến này. Israel từng đề nghị mua F-15SE nhưng vẫn chưa được Washington đồng ý. Các khách hàng tiềm năng khác gồm có Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia.
F-15SE hội tụ nhiều công nghệ điện tử hàng không tiên tiến nhất hiện nay
Đối thủ đáng gờm của Su-35
Nhà sản xuất đã kết hợp hoàn hảo giữa đặc tính không chiến ưu việt vốn có của F-15 với những nâng cấp về hệ thống điện tử, tàng hình nhằm tạo ra một chiến đấu cơ đầy sức mạnh.
Toàn bộ máy bay được phủ một lớp sơn đặc biệt có khả năng hấp thụ sóng điện từ, giúp nó lẩn trốn các hệ thống radar trinh sát.
Người ta thiết kế thêm 4 khoang vũ khí ở 2 bên cánh nhằm phát huy tối đa tính năng tàng hình. Bên cạnh đó, tiêm kích này còn có 4 giá treo bên ngoài dưới cánh, tương tự phiên bản gốc.
F-15SE vẫn duy trì tải trọng vũ khí tương đương F-15E trong khi có thêm tính năng tàng hình.
Cảm biến chính của F-15SE là radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) AN/APG-82. Radar mới cung cấp khả năng nhận thức tình huống cao hơn, bộ vi xử lý có thể theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc cả trên không lẫn dưới mặt đất.
Hiệu suất làm việc của radar mới tăng khoảng 20 lần so với radar quét cơ khí kiểu cũ.
Trong khi đó, cảm biến chính của Su-35 là radar quét mạng pha điện tử thụ động N035 Irbis. Radar này có lợi thế về phạm vi tìm kiếm mục tiêu tới 400 km. Tuy nhiên, độ chính xác trong phát hiện mục tiêu của radar thụ động kém so với radar chủ động.
Cảm biến phụ trợ của F-15SE gồm: Hệ thống nhắm mục tiêu gắn ngoài LANTIRN hoặc AN/AAQ-33 Sniper XR. Những hệ thống này cho phép nhắm mục tiêu mặt đất với độ chính xác cao.
Bên cạnh đó, F-15SE còn có trợ thủ đắc lực khác là pod radar khẩu độ tổng hợp gắn ngoài AN/ASQ-236 cho phép lập bản đồ mặt đất với độ phân giải rất cao. Đây là một lợi thế lớn của F-15SE so với Su-35.
Khả năng nhắm mục tiêu mặt đất của Su-35 là sự kết hợp giữa radar Irbis và hệ thống quang điện tử OLS-35.
Ngoài ra, F-15SE còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử kỹ thuật số, cảm biến cảnh báo radar, tên lửa tiên tiến. Hệ thống điện tử luôn là lợi thế của các tiêm kích Mỹ nói chung so với chiến đấu cơ của Nga và Su-35 không phải là một ngoại lệ.
F-15SE được trang bị 2 động phản lực Pratt & Whitney F100-229, công suất 129 kN mỗi chiếc, tốc độ tối đa Mach 2,5 (2.650 km/h). F-15 từng được tạp chí History In Orbit vinh danh là một trong những chiến đấu cơ nhanh nhất lịch sử.
Ở khía cạnh tốc độ, F-15SE và Su-35 tương đương nhau, tuy nhiên Su-35 có lợi thế ở động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3D, giúp nó cơ động hơn trong các tình huống không chiến tầm gần.
Đánh giá một cách tổng thể, F-15SE là đối thủ nặng ký của Su-35. Tuy vậy, đơn giá 100 triệu USD khiến cơ hội thành công của tiêm kích này ở khía cạnh thương mại tương đối thấp.
Trong khi đó, việc Mỹ đang tập trung toàn bộ nguồn lực cho chương trình F-35 càng làm cho cơ hội thành công của F-15SE trở nên nhỏ hơn.