Ấn Độ đang theo đuổi vũ khí năng lượng cao
Nguyệt san “Chính sách ngoại giao” (Foreign Policy) của Mỹ đã đăng tải bài viết của ông MONIKA CHANSORIA - chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh lục quân Ấn Độ về chủ đề “Vũ khí năng lượng định hướng: Kẻ thay đổi chiến lược của Ấn Độ”.
Bai viết trên tờ nguyệt san ra 2 tháng 1 kỳ này cho rằng, môi trường chiến lược của các quốc gia khu vực Nam Á đang thay đổi, một mặt là duy trì trạng thái ổn định của sự uy hiếp, mặt khác là thông qua việc nhập khẩu hệ thống vũ khí chiến lược mới để đổi mới và hiện đại hóa công nghệ.
Các chuyên gia quân sự Ấn Độ thường khuyến cáo, để thích ứng với chiến tranh phi tiếp xúc, cần phải đưa ra sự thay đổi mang tính thực chất, duy trì mức độ răn đe nhỏ nhất, nhưng đáng tin cậy, nâng cao khả năng đối phó với các thủ đoạn uy hiếp, đồng thời nâng cao khả năng tấn công của mình.
Tuy hiện nay, Ấn Độ đã rất chú trọng đến yếu tố rất quan trọng trong chiến tranh là công nghệ, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, sử dụng công nghệ như thế nào còn quan trọng hơn chính bản thân công nghệ đó.
Bài viết của ông MONIKA CHANSORIA cho rằng, một quan chức của trung tâm khoa học kỹ thuật laser thuộc tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết, hiện Ấn Độ đang tiến hành nghiên cứu một loạt vũ khí năng lượng định hướng, nhằm nâng cao khả năng đánh chặn tên lửa.
Vị quan chức của DRDO tiết lộ, vũ khí laser phóng ra chùm tia với công suất 25 KW, có thể đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối trong phạm 7 km. Tốc độ laser có thể làm cho nhiệt độ của tên lửa nâng lên 400 độ F (khoảng 204 độ C), làm cho tên lửa bị nổ tung.
Hiện nay, loại vũ khí này chiếm vị trí hàng đầu trong gia tộc vũ khí năng lượng định hướng. Tốc độ vũ khí chùm tia laser bằng tốc độ ánh sáng, yếu tố này khiến nó có tốc độ hạ sát mục tiêu nhanh chưa tnừg có, độ chính xác cũng vượt trội các loại vũ khí khác.
Là một tổ chức quan trọng của bộ quốc phòng Ấn Độ, DRDO tuy đã thành công trong một số chương trình kỹ thuật đầy táo bạo, nhưng vẫn cần phải nói rằng, kế hoạch nghiên cứu vũ khí laser năng lượng cao này của Ấn Độ vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu.
New Dehli vẫn đang gặp phải trở ngại trong nghiên cứu vũ khí năng lượng định hướng. Trước mắt đó là về mặt tài chính không đảm bảo. Sau khi khắc phục được khó khăn này, thử thách lớn nhất có thể là làm chủ được công nghệ ngắm chuẩn và bám bắt mục tiêu.
Được biết, hiện nay, hệ thống vũ khí năng lượng định hướng của Ấn Độ đang ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Theo như tiến độ hiện nay, sớm nhất cũng phải vào năm 2025 thì những loại vũ khí này mới chính thức đưa vào trang bị và thử nghiệm ở môi trường thực chiến.
Khái lược về vũ khí năng lượng định hướng
Hệ thống vũ khí tương lai có thể thay đổi chiến tranh là vũ khí năng lượng định hướng. Vũ khí năng lượng định hướng (Directed Energy Weapon-DEW) là một trong những loại vũ khí sử dụng các nguyên lý vật lý mới. Quá trình hoạt động phá hủy, tiêu diệt mục tiêu của DEW dựa vào nguồn năng lượng công suất lớn, được khuếch đại và bức xạ có hướng dưới dạng chùm (hạt hoặc tia) hẹp.
DEW bao gồm các loại: Vũ khí chùm tia, vũ khí chùm hạt và vũ khí vi ba.
Ở dạng chùm tia, DEW sử dụng năng lượng của chùm tia bức xạ laser để tiêu diệt sinh lực và phương tiện kỹ thuật. Đối với con người, vũ khí laser gây bỏng da, hỏng mắt; đối với phương tiện kỹ thuật sẽ gây cháy, tan chảy, hóa hơi và nát thành bụi, cũng có thể gây hư hại bởi xung điện từ và bức xạ i-on hóa sinh ra do bị plasma hóa khi các vật liệu kim loại bị bốc hơi.
Các dạng DEW chùm tia đang được nghiên cứu phát triển gồm: Tia Rơnghen (Röntgen - tia X), tia gamma (tia γ), tia điện tử tự do (Free Electron Laser - FEL), laser khí, laser dải quang học (tia hồng ngoại và tử ngoại).
DEW dạng chùm tia được sử dụng làm vũ khí phòng thủ chống tên lửa, chống vũ khí vũ trụ, vệ tinh quân sự; hiện đang được nghiên cứu làm vũ khí tấn công trên bộ, trên biển và trên mặt đất.
DEW dạng chùm hạt được sử dụng trong khoảng không vũ trụ và đã được dự định triển khai trong chương trình SDI của Mỹ.
DEW dạng vi ba là loại vũ khí siêu dẫn phá hủy và sát thương mục tiêu bằng năng lượng chùm sóng vi ba. Cấu tạo của hệ thống gồm: Máy tạo sóng vi ba, ăng-ten định hướng khuếch đại sóng vi ba chụm và mạnh, các thiết bị phụ trợ khác.
Chùm sóng vi ba sinh ra do máy tạo sóng vi ba công suất lớn, phát đi từ anten định hướng. Năng lượng hội tụ trong chùm sóng hẹp, có thể phát nhiều lần với cường độ tập trung rất cao và truyền dẫn với tốc độ siêu cao nên có thể tấn công mục tiêu ở cự ly rất lớn.
DEW dạng vi ba được sử dụng để tấn công máy bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, vệ tinh, hệ thống C3I (chỉ huy, điều khiển, thông tin và tình báo), radar, khí tài quang điện tử. Đây là loại vũ khí được Liên Xô (trước đây) và Mỹ nghiên cứu thử nghiệm từ năm 1970, dự định triển khai trong chương trình SDI.
Có thể nói, vũ khí năng lượng định hướng là đỉnh cao của sáng tạo công nghệ vũ khí, nó đủ để đối phó với mọi thách thức phi đối xứng, bao gồm cả máy bay không người lái và máy bay hạng nhẹ. Vũ khí này có thể phá hủy mục tiêu thông qua việc phóng hoặc thay đổi năng lượng mức độ lớn.
Do giá thành rẻ, sử dụng lâu dài, độ chính xác cao, tầm bắn xa hơn các vũ khí thông thường khác, nên vũ khí năng lượng định hướng đã vượt qua cả vũ khí đẩy tự động (có động cơ đẩy), bao gồm cả các loại tên lửa, trở thành loại vũ khí đang được mọi quốc gia theo đuổi.