Type-69 (hay còn được gọi với cái tên WZ-121) là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực của Trung Quốc phát triển từ Type-59. Dây chuyền sản xuất 2 loại xe tăng này kéo dài từ năm 1958 đến tận năm 1985 với khoảng 9.500 chiếc được xuất xưởng. Cả Type-59 và Type-69 đều thừa hưởng cơ sở thiết kế dựa trên xe tăng huyền thoại của Liên Xô là T-54A vốn được giới thiệu từ năm 1946 và phiên bản T-55 nâng cấp sau đó.
Mặc dù đã được nâng cấp hỏa lực, khả năng tác chiến ban đêm và khả năng cơ động thì Type-69 vẫn mang đậm dáng dấp của xe tăng những năm 1960. Các ưu điểm của Type-69 về sau được tích hợp như là sự nâng cấp xe tăng Type-59 trong chương trình Type-59-II.
Xe tăng Type-69
Type-69 chính thức ra mắt năm 1982 và hiện vẫn đang được sử dụng trên thế giới, nó đã tham gia các cuộc chiến như chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988), chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất (1990 - 1991), chiến tranh vùng vịnh lần thứ hai năm 2003 và hiện nay Type-69 vẫn còn trong biên chế nhiều nước như Albania, Bangladesh, Trung Quốc, Iran, Iraq, Myanmar, Pakistan, Thái Lan, Sri Lanka, Zimbabwe, Sudan…
Để cải tiến thiết kế của xe tăng Type-59, từ năm 1963 những yêu cầu về mặt chiến thuật và kỹ thuật đã được đặt ra. Đến năm 1964 thiết kế đã được hoàn thành và năm 1965 việc sản xuất các mẫu thử nghiệm chính thức bắt đầu. Tuy nhiên công việc đã bị gián đoạn vì lúc này ở Trung Quốc xảy ra cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, do vậy đến tận năm 1970 mẫu thử nghiệm đầu tiên mới ra đời. Thiết kế của chiếc xe tăng mới chính thức hoàn thiện vào năm 1974 và được đặt tên là Type-69.
Xe tăng Type-69 của quân đội Iraq
Type-69 có thiết bị đo xa laser đặt ngay trên pháo chính, 1 đèn hồng ngoại ở nắp cửa trưởng xe, 1 đèn hồng ngoại ở bên phải pháo chính và 2 đèn hồng ngoại chuyên để lái ở phía đầu xe. Hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm kính nhìn đêm của pháo thủ, kính tiềm vọng quan sát ngày/đêm và kính ngắm bắn kiểu 1969 cho pháo thủ. Thiết bị đo xa laser có tầm từ 300m đến 5.000m với sai số khoảng 10m, tốc độ đo được 7 lần/phút.
Kính nhìn đêm của pháo thủ thuộc loại kính hồng ngoại chủ động với khả năng phóng đại 7 lần, có thể quan sát mục tiêu tối đa 800m. Tất cả thiết bị đó nhằm hỗ trợ cho khả năng khai hỏa chính xác của khẩu pháo chính cỡ 100mm với 44 viên đạn mang theo; cùng với đó là 1 khẩu đại liên 12,7mm trên nắp cửa ra vào của nạp đạn viên, 1 khẩu súng máy đồng trục cỡ 7,62mm và 1 khẩu 7,62mm khác ở vị trí lái xe.
Xe tăng Type-69 của Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh
Type-69 có khối lượng 36,7 tấn với chiều dài 8,85m; cao 2,8m và rộng 3,3m. Cũng giống như T-54, Type-69 có kíp lái 4 người gồm trưởng xe, lái xe và 2 pháo thủ. Giáp Type-69 chỗ dày nhất là tháp pháo đạt 203mm. Để đảm bảo khả năng cơ động cho xe, Trung Quốc sử dụng động cơ diesel mới là Type 12150L-7BW V-12 công suất 580 mã lực, giúp chiếc xe tăng đạt tốc độ tối đa 50 km/h và tầm hoạt động tối đa 440 km.
Type-69 bao gồm 3 phiên bản chính là Type-69 sử dụng pháo nòng trơn 100mm, các phiên bản Type-69-I và Type-69-II sử dụng pháo nòng xoắn 100mm, trong đó Type-69-II chủ yếu dành cho xuất khẩu. Một phiên bản hiện đại hơn nữa là Type-69-III hay còn gọi là Type-79 bắt đầu sản xuất năm 1984 trang bị pháo L7 105mm nổi tiếng của Anh, sử dụng động cơ mới công suất lên tới 730 mã lực cũng như lắp giáp phản ứng nổ (ERA) cùng một số cải tiến khác.
Type-69-II của quân đội Iraq hiện nay
Các quốc gia mua Type-69 về cơ bản đều sử dụng mẫu Type-69-II với giáp hông, giáp lồng trên tháp pháo và hệ thống phóng đạn khói. Trong đó quân đội Thái sử dụng Type-69-II với súng máy M2 12,7mm thay cho súng máy DShK nguyên bản, còn quân đội Iraq sử dụng mẫu Type-69-QM, Type-69-QM1 và Type-69-QM2.
Type-69-QM là phiên bản sử dụng pháo 100mm nòng trơn, giáp trước được tăng cường và tùy chỉnh để gắn giáp phản ứng nổ (ERA), Type-69-QM1 sử dụng pháo 105mm L7 cùng máy đo xa laser, Type-69-QM2 sử dụng pháo 125mm nòng trơn giống các mẫu tăng T-72 Liên Xô mà Iraq cũng có trong trang bị.
Type-69-III với pháo 105mm L7 của Anh
Có tất cả khoảng 4.500 chiếc xe tăng loại Type-69/79 đã được sản xuất để xuất khẩu, đây chính là mẫu xe tăng đắt hàng nhất của Trung Quốc trong lịch sử.
Tuy là xe tăng bán chạy nhất của Trung Quốc nhưng chất lượng của những chiếc Type-69 luôn bị quốc gia sử dụng không ngớt phàn nàn. Thái Lan hồi năm 2010 đã phải quăng 25 chiếc Type-69-II mới sử dụng được 17 năm xuống biển để tạo các rặng san hô nhân tạo. Phó Cục trưởng Cục Pháo binh và Trung tâm dịch vụ kỹ thuật của Quân đội Thái Lan, đại tá Mungkorn Wankrua cho biết "Xe tăng Trung Quốc không tốt như xe tăng châu Âu", đây quả là một sự quảng cáo tốt cho vũ khí Trung Quốc.
Xe tăng Type-69-II bị Thái Lan loại bỏ không thương tiếc dù mới sử dụng chưa lâu
Ngoài ra trong chiến tranh Iran - Iraq hồi thập niên 1980, Iran đã mua gần 1.000 xe tăng của Trung Quốc và con số này ở bên phía Iraq là hơn 2.000 chiếc Type-59/Type-69. Tuy nhiên, phần lớn số vũ khí khổng lồ do Trung Quốc sản xuất đều không được bên nào tung ra tiền tuyến. Trong các trận đánh sống còn, Iran và Iraq hầu như chỉ sử dụng vũ khí của phương Tây và Nga.
Xe tăng Type-69 được Iran và Iraq mua về chủ yếu để... chôn xuống đất
Xe tăng Type-69 của Bangladesh
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA