Với uy lực mạnh mẽ và khả năng bảo vệ cao, trong chiến tranh ngày nay, xe tăng trên chiến trường vẫn hoàn toàn mất khả năng tự vệ trước những vũ khí chống tăng của các lực lượng săn tăng. Kể cả vỏ thép dày nhiều lớp, kể cả lớp giáp phản ứng nổ chủ động cũng không có khả năng bảo vệ xe và kíp xe trước đạn phóng lựu chống tăng hoặc tổ hợp tên lửa chống tăng cơ động.
Nhớ lại những tổn thất mà lực lượng xe tăng Nga phải chịu trong cuộc tấn công vào Grozny đêm 1/1/1995, các chuyên gia quân sự khẳng định, nếu tăng, thiết giáp tiến vào thủ phủ của Chechnya được chi viện và yểm trợ bởi xe hỏa lực đi cùng BMPT (có tên gọi không chính thức là Terminator – kẻ hủy diệt) thì sự tổn thất về tăng, thiết giáp đã không quá nặng nề như vậy.
Trên chiến trường của Chechnya, các xe tăng hiện đại T-80, T-90 phải chiến đấu trong vòng vây lửa của những chiến binh hồi giáo được trang bị súng phóng lựu chống tăng RPG-7 và bị xạ kích từ nhiều hướng khác nhau trong khu dân cư, dù đã được bảo vệ bằng tất cả các trang thiết bị hiện đại nhất, xe tăng vẫn bị bắn cháy, bắn hỏng bởi hàng loạt đạn chống tăng xạ kích trong tầm gần, có xe tăng đã phải chịu tới 18 quả đạn chống tăng trước khí bị bắn hỏng hoàn toàn.
Trên các chiến trường khác trong vùng Trung Đông, các xe tăng hiện đại của khối quân sự NATO và Israel cũng chịu các tình huống tương tự khi tác chiến trong địa hình khu dân cư và thành phố.
Tư duy chiến thuật thể hiện ở một điều quan trọng: xe tăng trên chiến trường cần được chi viện và yểm trợ hỏa lực, đặc biệt khi tiến hành chiến đấu trong điều kiện phức tạp (khu dân cư, rừng nhiệt đới, địa hình đồi núi, đồng ruộng và đầm lầy), đó cũng là điều kiện tác chiến hiện này của chiến trường.
Các chuyên gia quân sự nghiên cứu thực tế chiến đấu bằng thực nghiệm và tổng kết kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, một trong những trang thiết bị có khả năng tiêu diệt cao nhất lực lượng săn tăng đối phương và các mục tiêu có vỏ giáp hạng nhẹ là tổ hợp pháo phòng không tự hành "Shilka".
Hiệu quả tác chiến của Tổ hợp hỏa lực phòng không tốc độ cao Shilka được các cán bộ và chiến sĩ quân đội Xô Viết đánh giá rất cao trong chiến trường Afghanistan. Trong điều kiện chiến trường, các chuyên viên kỹ thuật đã đưa ra giải pháp “Afganixtan” nâng cấp Shilka. Từ xe Shilka tháo toàn bộ hệ thống radar, từ đó tăng cường được cơ số đạn từ 2000 lên đến 4000 viên, đồng thời lắp đặt thêm hệ thống nhìn đêm.
Các đoàn công-voa quân sự, được Shilka hộ tống và yểm trợ hỏa lực, thường ít khi bị tấn công không chỉ trong đường núi, mà ngay cả trong khu vực dân cư. Shilka là mối đe dọa nguy hiểm cho các chiến binh Hồi giáo, ẩn nấp sau những bức tường trình bằng đất.
Đầu nổ của đạn phát nổ khi chạm vào tường đất, phá tung tường và tiêu diệt luôn cả chiến binh. Trên chiến trường Chechnya, Shilka cũng được ứng dụng tương tự - với hỏa lực tự động cực mạnh quét sạch các khu nhà bị lực lượng ly khai chiếm đóng, đặc biệt là tầng trệt và các tầng thấp, nơi các phần tử ly khai có thể khai hỏa súng phóng lựu chống tăng.
Tuy nhiên, tổ hợp pháo phòng không tự hành Shilka cũng có điểm yếu cơ bản, đó là vỏ giáp bảo vệ quá mỏng trước hỏa lực của đối phương, các loại đạn đại liên hạng nặng, đạn xuyên giáp đều có thể xuyên thủng giáp của Shilka, đo đó, ý tưởng sử dụng Shilka là xe hỏa lực đi cùng với tăng đã tan thành mây khói.
Trên đỉnh cao chỉ có …xe tăng
Yêu cầu quan trọng được đặt ra với quan điểm của một xe thiết giáp mới – đó là vũ khí có hỏa lực rất mạnh đi kèm với góc tà dương lớn của pháo tự động, giáp bảo vệ thân xe phải chống được các loại vũ khí săn tăng của bộ binh trong các trận đánh gần tương tự như xe tăng chủ lực.
Xe thiết giáp kiểu mới này phải tham chiến được trong đội hình các đơn vị tăng, thiết giáp binh chủng hợp thành với mục đích tiêu diệt mọi vũ khí, phương tiện gây nguy hiểm cho xe tăng.
Dự án thiết kế, chế tạo xe hỏa lực đi cùng xe tăng được bắt đầu vào giữa những năm 1980-x trong trung tâm thiết kế của nhà máy chế tạo máy kéo Chelyabinsk (ChTZ). Trung tâm đã thiết kế được một số phương án xe thiết giáp hỏa lực đi cùng, được mang tên là BMPT hoặc là tăng - núi.
Phương án thứ nhất là thân xe và tháp pháo của xe tăng T-72, được lắp hai pháo tự động 30mm 2A72 và tên lửa không điều khiển – sáu ống phóng cho mỗi bên sườn tháp pháo.
Hai phương án khác là lắp đặt hệ thống hỏa lực trên thân xe và hệ thống chuyển động đã được nâng cấp với sự thay đổi góc của mũi thân xe. Theo kinh nghiệm chế tạo tăng, thiết giáp đã quyết định thiết kế sàn thân xe là những khoang bọc thép kín, trong đó có hệ thống súng phóng lựu được ổn định và điều khiển từ xa cỡ nòng 40 mm với dây băng cấp đạn và hệ thống nạp đạn tự động. Trong các khoang kín đó bố trí các thùng dầu, đồng thời là những trang thiết bị phụ trợ như hệ thống quạt thông gió, các bình điện ắc quy. Tất cả nhưng bố trí đó làm tăng khả năng bảo vệ thiết giáp từ phía sườn xe.
Vũ khí cho các xe dự án là 2 pháo 30mm tự động 2A72, hai súng máy song song 7,62 mm khả năng ngắm bắn mục tiêu không phụ thuộc. Ngoài ra còn có tổ hợp tên lửa chống tăng. Phía sau tháp pháo được bố trí hai khẩu súng đại liên 12,7mm HSVT. Trên xe thứ hai lắp module vũ khí của BMP-3, bảo gồm cả pháo 100 mm và 30 mm gắn vào cùng một hệ thống điều khiển và súng máy song song 7,62 mm PKT. Nhưng rất tiếc, sau các xe thiết giáp BMPT chế tạo thử, quá trình nghiên cứu chế tạo bị dừng lại. Cùng với việc dừng thiết kế, nhà máy CheTZ khi ngừng đã dừng cả quá trình nghiên cứu dự án BMPT.
Thời điểm của thiết giáp anh hùng
Sự quan tâm đặc biệt của các nhà quân sự đối với BMPT ở nước Nga bắt đầu từ chiến sự trên lãnh thổ nước cộng hòa Chechnya. Sự phát triển tiếp theo của xe thiết giáp được tiếp tục tại Trung tâm thử nghiệm của Tập đoàn nhà máy chế tạo máy Uran. (UКBТМ).
Lần đầu tiên, hệ thống mô phỏng chuyển động của BMPT được giới thiệu tại cuộc triển lãm truyền thống vũ khí trang bị tại Nizhny Tagil mùa hè năm 2000. Trên một tháp pháo có chiều cao thấp, xe thiết giáp mới được lắp hai pháo tự động 30 mm 2A42, gắn song song với súng máy 7,62mm và 4 ống phóng tên lửa chống tăng "Cornet".
Trên nắp của trưởng xe được gắn súng máy 7,62 mm với hệ thống điều khiển bắn từ xa gián tiếp. Hai khẩu súng phóng lựu 30mm AG-17 điều khiển bắn tầm xa gián tiếp được bố trí tương tự như trong xe thiết giáp mẫu đã giới thiệu Chelyabinsk, trong các khoang giáp thép kín ở mũi xe. Kíp xe bao gồm có trưởng xe, pháo thủ, hai xạ thủ súng máy bên sườn xe và lái xe – kỹ thuật.
Vào năm 2002, các chuyên gia từ Tập đoàn chế tạo xe máy Uran và tập đoàn chế tạo máy Nizhnetagil đã giới thiệu mẫu xe cuối cùng đã được sử dụng đến hiện này BMPT. Không chờ đợi cho đến khi các cơ quan chức năng đặt tên, các nhà phát triển vũ khí đã đặt tên cho xe là “Terminator” thể hiện đúng sức mạnh hỏa lực và vị thế của xe thiết giáp trên chiến trường.
BMPT có được hỏa lực rất mạnh đồng thời có được khả năng bảo vệ rất cao, theo một số thông số kỹ chiến thuật còn cao hơn cả xe tăng, như những xe đồng nhiệm, BMPT có nhiệm vụ hàng đầu là tiêu diệt các mục tiêu là mối đe dọa cho xe tăng, các mục tiêu đó có thể là các tổ săn tăng được trang bị súng phóng lựu chống tăng cá nhân, các tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển.
Ngoài những nhiệm vụ chủ yếu nói trên, BMPT còn có khả năng chiến đấu với các mục tiêu là xe tăng, xe thiết giáp, máy bay trực thăng chiến đấu và máy bay bay thấp, tiêu diện các mục tiêu là công sự vững chắc, nói chung, dải mục tiêu mà BMPT có thể tấn công và tiêu diệt rất rộng.
Tổ hợp Terminator nếu so sánh với các mẫu xe trước có một số thay đổi. Trước hết, đó là pháo tự động tốc độ cao 2A42 (pháo được lắp trên xe BMP-2 và máy bay trực thăng ka-50 Cá mập đen) gắn song song với pháo tự động là súng trung liên 7,62mm PTRK, hai súng phóng lựu 30 mm AG-17D và tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển PTRK “Atacka – T” có lắp 4 ống phóng tên lửa.
Vũ khí chủ lực của xe 2A42 được lắp trên một giá tháp pháo thấp, tháp pháo có giáp tổng hợp với góc nghiêng lớn với các tấm giáp phản ứng nổ chủ động. Như vậy, góc hướng của tổ hợp pháo tăng, súng 7,62mm, và tổ hợp tên lửa chống tăng là 360o, góc tầm của tổ hợp đạt +45o, đảm bảo xạ kích được những mục tiêu trên các tòa nhà cao tầng, trên các điểm cao dốc đứng và các cây cao, đồng thời có thể tấn công được các mục tiêu hàng không bay thấp.
Pháo tự động 30mm 2А42 có 3 chế độ bắn: phát một, bắn tốc độ trung bình 300 phát/phút và bắn tốc độ cao 800 phát/phút. Cơ số đạn là 900 viên, nạp đạn cho súng bằng 2 dây băng, có thể lựa chọn từ dây băng số 1 hoặc số 2. Điều này cho phép pháo thủ có thể lựa chọn loại đạn nào cho từng trường hợp xạ kích các loại mục tiêu khác nhau.
Đạn xuyên thép được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép nhẹ và sinh lực đối phương, ẩn nấp sau các công sự hạng nhẹ (các bức tường xây). Đạn nổ mảnh hay nổ phá mảnh dùng để tiêu diệt các mục tiêu sinh lực địch, xe vận tải hoặc các mục tiêu khác như máy bay trực thăng, máy bay bay thấp. Tầm bắn của pháo tự động là 2000m cho các loại đạn xuyên giáp và 4000m cho các loại đạn nổ mảnh và đạn nổ phá mảnh.
Nếu tính đến vùng sát thương mảnh của một viên đạn có bán kính là 7m thì với loạt bắn ngắn 5 viên đạn (từ hai nòng súng là 10 viên đạn) có khả năng sát thương sinh lực địch trong bán kính 10m tính từ điểm ngắm. Hiệu quả tương đương như một viên đạn pháo 122mm nổ phá mảnh.
Súng máy PKTM được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu sinh lực địch và các phương tiện cơ giới không bọc thép, cơ số đạn là 2000 viên, lắp đầy một dây băng. Do đó, súng không phải nạp đạn bổ sung và pháo thủ không mất thời gian cho thay dây băng đạn. Toàn bộ tổ hợp pháo tự động và súng máy 7,62 mm được nằm trên hệ thống ổn định tầm hướng, đảm bảo hiệu quả rất cao khi bắn trong hành tiến.
Để tác chiến với những mục tiêu thiết giáp, xe BMPT được trang bị tổ hợp tên lửa chống tăng Atacka -2 với tầm bắn hiệu quả lên đến 6 km. Tổ hợp có 4 ống phóng tên lửa, các tên lửa có thể mang đầu đạn nổ xuyên giáp tandem hiệu ứng nổ lõm hoặc nổ phá mảnh ( hoặc đầu đạn nhiệt áp).
Đa dạng đầu đạn tên lửa đã cho BMPT khả năng tiêu diệt tất cả các mục tiêu như xe tăng, xe thiết giáp hạng nặng hiện đại ngày nay và trong tương lai gần, các công sự, hỏa điểm được xây dựng hoặc bố trí kiên cố, các máy bay trực thăng bay thấp và các mục tiêu khác.
Tên lửa Atacka – 2 có vận tốc siêu âm và chỉ thị dẫn bắn bằng laser cho khả năng tiêu diệt mục tiêu rất cao, đối phương hoàn toàn không có cơ hội thoát hiểm hoặc sử dụng các trang bị ngăn chặn sau khi tên lửa được phóng. Đầu đạn tên lửa Atacka – 2 tandem có khả năng xuyên giáp sau khi phá hủy giáp chủ động là 800 mm, đầu đạn nhiệt áp khi phát nổ cho hiệu ứng nổ phá tương đương như đầu đạn nổ phá mảnh 152mm lựu pháo.
Theo chuẩn cơ số tên lửa, trong 4 ống phóng có hai tên lửa mang đầu đạn xuyên giáp và hai đầu đạn nổ phá mảnh nhiệt áp. Nhưng phụ thuộc vào tính huống chiến trường và nhiệm vụ được giao, số lượng tên lửa với các loại đầu đạn có thể được thay đổi..
Trong tất cả các phương tiện tăng, thiết giáp, xe BMPT có khả năng phát hiện mục tiêu cao nhất. Điều đó đạt được nhờ ứng dụng hệ thống tự động điều khiển hỏa lực Ramka (SUO). Trong cơ cấu hệ thống bao gồm kính ngắm tổ hợp đa kênh của pháo thủ, được thiết kế bao gồm quang học, quang ảnh nhiệt, đo xa laser và kênh điều khiển tên lửa. Trường nhìn của kính ngắm được lắp trên giá ổn định tầm hướng. Kính cho phép phát hiện mục tiêu ban đêm, trong điều kiện hạn chế tầm nhìn của môi trường như tuyết rơi, sương mù, mưa, bụi và khói trên tầm quan sát là 3,5 km.
Trưởng xe sử dụng thiết bị quan sát- kính ngắm toàn cảnh, đa kênh bao gồm quang học, kính quan sát ánh sáng mờ và kênh đo xa laser. Kính ngắm tổ hợp của trưởng xe cũng được ổn định tầm hướng, kính cho phép trưởng xe có thể quan sát và trinh sát mục tiêu với góc hướng là 360o.
Trong trường hợp cần thiết, trưởng xe có thể lấy hình ảnh quan sát từ kính ngắm ảnh nhiệt của pháo thủ lên màn hình quan sát của mình. Ở chế độ song trùng, trưởng xe có thể khai hỏa tiêu diệt mục tiêu từ pháo tự động, súng máy và tổ hợp tên lửa có điều khiển gián tiếp.
Để tăng cường hỏa lực tiêu diệt mục tiêu sinh lực địch, theo biên chế lắp đặt 2 súng phóng lựu AG-17D. Điều khiển hỏa lực từ pháo thủ, tiêu diệt các mục tiêu nguy hiểm cho xe tăng và các mục tiêu khác trong tầm bắn của vũ khí. Khả năng bắn cầu vồng của các súng phóng lựu cho phép tiêu diệt các mục tiêu ẩn nấp sau các cao độ của địa hình như tường chắn, các vị trí ẩn nấp tự nhiên hoặc nhân tạo.
Tầm bắn của súng phóng lựu tự động đến 1,7 km. Cơ số đạn: 300 viên cho mỗi một súng phóng lựu. Hệ thống điều khiển hỏa lực bằng điện gián tiếp, theo phương thức tay cầm điều khiển joystick, tương tự như bộ phận điều khiển vũ khí của trưởng xe trên xe tăng T-90S. Để lấy đường ngắm cho súng phóng lựu, pháo thủ sử dụng kính ngắm đa kênh ngày đêm Agat-MP với ổn định tầm trên trường nhìn kính ngắm. Bộ phận ngắm ổn định trường nhìn của súng phóng lực tự động đảm bảo hiệu quả bắn của súng tại chỗ hoặc hành tiến.
Mục tiêu khó diệt
Khả năng bảo vệ cao của BMPT được đảm bảo bằng: thân xe là vỏ giáp xe tăng của xe T-90S và chiều cao của tháp pháp rất thấp. Tất cả các vũ khí trang bị đều được đưa ra ngoài thân xe và khoang chiến đấu.
Theo so sánh với xe tăng T-90S, giáp bảo vệ được tăng cường bằng các lớp giáp thép bổ xung hoặc các thành phần giáp phản ứng nổ chủ động. Thành xe dọc theo chiều dài được bảo vệ bằng các lớp chắn giáp nổ chủ động hoặc các lưới thép chống đạn hiệu ứng nổ lõm, lớp vỏ giáp này bảo vệ thân xe và đuôi xe chống lại các loại súng phóng lựu cá nhân của bộ binh khi cận chiến và tên lửa chống tăng có điều khiển.
Để giảm đến tối thiểu khả năng bị tổn thất của kíp lái và các bộ phận, các trang bị có mức quan trọng sống còn của xe thiết giáp BMPT trước các mảnh vụn giáp xe khi bị xuyên phá (trong trường hợp không may xảy ra) khoang điều khiển và khoang hỏa lực được bảo vệ bằng những vách ngăn bọc giáp kiểu kevlar.
Đáy của xe thiết giáp cũng được tăng cường những cột chịu lực và gắn ghế ngồi của kíp lái vào các bộ phận gá móc trên trần thân xe nhằm tăng khả năng chịu đựng mìn chống tăng đáy xe Terminator. Đồng thời cũng đặt hệ thống phòng thủ từ trường, vô hiệu hóa hoặc kích hoạt mìn đầu nổ từ trường hoặc kích nổ âm thanh phát nổ sớm.
Để vượt qua bãi mìn chống tăng kích nổ bằng đè nổ thông thường, mở đường đi qua bãi mìn, xe BMPT được sử dụng thiết bị kích nổ mìn bằng bánh xe trục lăn có lưỡi dao băm nền KMT-6M2 hoặc KMT-8, hoặc các lưỡi ben và bánh xe lăn đè nổ KMT-7.
Thực tế chiến trường hiện đại cho thấy số lượng trang bị, vũ khí chống tăng rất cao và càng ngày càng tăng, trên xe BMPT cũng như các xe tăng hiện đại khác, được lắp đặt thiết bị tạo khói mùi bằng đạn khói (SPZ), màn khói tạo ra có khả năng gây nhiễu cho tên lửa có đầu dẫn bán chủ động laser, hoạt động trên cơ sở phản xạ laser từ vật bị chiếu đến đầu tự dẫn (kiểu tên lửa Maverick, Helffire).
Các đầu đạn pháo sử dụng thiết bị tự dẫn (kiểu Copperhead) sử dụng tín hiệu laser phát từ thiết bị đo khoản cách và chỉ thị mục tiêu với nguồn chiếu xạ laser là nguồn phát laser trên các kính ngắm và đo xa, đồng thời che dấu xe thiết giáp bằng màn khói azot. Xe có thể được lắp đặt hệ thống phát hiện chiếu xạ laser Droze hoặc hệ thống phòng thủ Arena. Cả hai hệ thống đều cho phép phát hiện nhanh xạ thủ bắn tên lửa chống tăng hoặc súng phóng lựu và tiêu diệt mục tiêu.
BMPT có khối lượng tương đối nặng, nặng hơn xe T-90S khoảng nửa tấn (47 tấn) nhưng có khả năng cơ động rất cao. Xe được lắp động cơ diesel 4-x thì 12 xi lanh đa nhiên liệu, làm lạnh bằng chất lỏng V-92S có công suất 1000 sức ngựa. Động cơ V-92S đã được thử nghiệm và lắp đặt trên nhiều loại xe tăng khác nhau, khai thác sử dụng có độ tin cậy rất cao và tiết kiệm nhiên liệu. Mức độ tiêu hao dầu V-92S2 không lớn hơn 156g/sức ngựa. Trong tương lai dự kiến sẽ lắp động cơ V-99, công suất 1200 sức ngựa, đã trải qua thử nghiệm thành công.
Chiến tranh của hơn 10 năm gần đây đã chứng minh rằng, các lực lượng vũ trang hiện đại cần được trang bị các xe tăng, xe thiết giáp hạng nặng, được mang giáp bảo vệ chắc chắn để yểm trợ hỏa lực, làm nhiệm vụ đột phá cùng với các lực lượng tấn công, các xe tăng, thiết giáp phải được trang bị vũ khí tự động có tốc độ bắn cao.
Giai đoạn gần đây BMPT, được nhận vào biên chế của quân đội Liên bang Nga, và hy vọng trong tương lai gần, lực lượng lục quân được trang bị đầy đủ xe BMPT. Các chuyên gia quân sự độc lập cho rằng, một xe BMPT khi tham gia chiến đấu tiến công có sự mạnh tương đương 2 trung đội BBCG, các chuyên gia của bộ quốc phòng thì đánh giá rằng, đưa BMPT vào biên chế của tiểu đoàn xe tăng sẽ làm khả năng chiến đấu lên đên 30%.
Các nhà lý luận quân sự xếp vai trò của Terminator rất cao trong các tư duy chiến thuật, trên thực tế hiện nay chỉ xếp xe Terminator như một thành phần hỏa khí đi cùng của một đơn vi tăng thiết giáp hoặc binh chủng hợp thành. Có thể dự kiến vai trò của Terminator trong chiến tranh hiện đại như sau, trên một chiến trường có địa hình rộng, mỗi xe BMPT sẽ tác chiến cùng với 2 xe tăng, trong địa bàn phức tạp hơn như khu dân cư, thành phố hoặc núi rừng nhiệt đới, 2 xe BMPT sẽ tác chiến cùng với một xe tăng.
Terminator làm thay đổi hoàn toàn góc nhìn chiến thuật của chiến tranh hiện đại trong cả tiến công và phòng ngự, trong tác chiến đối kháng giữa các lực lượng quân sự tương đương của chiến tranh đối xứng, hoặc tác chiến giữa một lực lượng quân sự mạnh với những lực lượng yếu hơn trong chiến tranh phi đối xứng (lực lượng quân sự mạnh, tiêu chuẩn với các lực lượng du kích trong chiến tranh nhân dân).
Trên chiến trường, khi tổ chức chiến đấu tiến công, lực lượng đột phá tùy theo địa hình, lực lượng phòng ngự, vũ khí trang bị đối phương sẽ tổ chức mũi nhọn đột phá bao gồm xe tăng, xe BMPT, xe BMP chở bộ binh cơ giới hành tiến, đánh chiếm đầu cầu trong hỏa lực mạnh của pháo tăng, pháo tự động, tên lửa mang đầu đạn nhiệt áp dưới sự yểm trợ của trực thăng chiến đấu, hỏa lực của BMPT sẽ đảm bảo trong không gian bán cầu có chiều cao 1,5 km, bán kính R = 2 – 3 km không có các hỏa điểm của súng chống tăng cá nhân hoặc tổ hợp chống tăng, tiêu diệt các hỏa lực phòng ngự, mở hành lang qua cửa mở cho bộ binh đánh chiếm tuyến phòng ngự đối phương.
Trong đội hình hành quân địa hình phức tạp của các lực lượng tiến công mạnh, các xe BMPT được bố trí xen kẽ với các xe bộ binh cơ giới và xe tăng, xe vận tải, pháo binh có nhiệm vụ bảo vệ một hành lang rộng đến 1,5 km chống tập kích, phục kích bí mật hoặc tấn công đường không.
Trong chiến đấu phòng ngự, BMPT là hỏa điểm có uy lực rất mạnh, có khả năng tác chiến tầm xa đồng thời cũng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu tiếp cận gần trận địa phòng ngự. Đặc biệt, BMPT được hình thành trong tác chiến địa bàn phức tạp, là hỏa lực tác chiến trong chiến tranh đường phố, dùng để tiêu diệt các nguy cơ xạ thủ súng phóng lựu chống tăng trong cận chiến trên các nóc nhà cao tầng hoặc ẩn nấp giữa các đống đổ nát của công trình xây dựng, bảo vệ xe BBCG và tăng thiết giáp trong tiến công đánh chiếm các khu dân cư và thành phố, thị trấn.
Khẳng định lý thuyết đó hay loại bỏ nó hoàn toàn phụ thuộc vào ứng dụng thực tế của chiến trường và thời gian. Nhưng tương lai, BMPT Terminator đã thay đổi hoàn toàn chiến thuật tác chiến trên chiến trường hiện đại, điều đó đã là thực tế.