Mìn chống bộ binh M-18 Claymore hay còn được quân giải phóng gọi tắt là “mìn Mo” được thiết kế để tiêu diệt sinh lực bộ binh đối phương tại một vị trí nhất định bằng cách kích nổ từ một vị trí khác. Trong chiến tranh Việt Nam, mìn Claymore được quân đội Mỹ sử dụng để đối phó với quân đội nhân dân Việt Nam trên những cung đường rừng rậm nhiệt đới, rất thích hợp để phục kích đối phương.
Một quả mìn Claymore đang chờ con mồi để kích nổ
Ưu điểm của loại mìn này là khoảng cách sát thương của những viên bi kim loại đạt tới 90m. Để dễ hình dung sức mạnh khủng khiếp của mìn Claymore, có thể mang ra so sánh với những loại vũ khí sát thương bộ binh khác như lựu đạn cầm tay M-67 có bán kính sát thương chỉ khoảng 5m (lại còn bị giới hạn khoảng cách bởi lực ném của binh sĩ), hay đạn súng phóng lựu M-79 40mm chỉ bay xa 350m với bán kính sát thương khoảng 6m.
Mìn M-18 được sáng chế bởi Norman A.MacLeod trong giai đoạn từ năm 1952 đến 1956. Kinh nghiệm từ chiến tranh Triều Tiên đã nảy sinh nhu cầu về một loại mìn có khả năng tiêu diệt nhiều sinh lực địch, vì trong cuộc chiến này liên quân Liên Hiệp Quốc hay phải đối mặt với những đợt tấn công kiểu “biển người” của bộ binh địch giống như kiểu xung phong của quân Nhật trong chiến tranh Thế giới thứ 2. Do đó, Mỹ và Canada đã tìm cách khắc chế chiến thuật này bằng cách tạo ra mìn định hướng chống bộ binh.
Mìn Claymore với những viên bi rất hiệu quả để sát thương số lượng lớn quân địch
Norman MacLeod bắt đầu nghiên cứu mẫu thiết kế T-48 của mình từ năm 1952 và đã trình diễn cho quân đội Mỹ xem, quân đội sau đó đã chấp nhận đưa vào biên chế sử dụng chính thức với tên gọi M-18. Mìn chống bộ binh M-18 Claymore được sản xuất với hai phiên bản chính có khe ngắm hoặc không. Khe ngắm được thiết kế để người đặt mìn có thể quan sát được khu vực mìn sẽ sát thương khi nổ.
Thân mìn Claymore làm bằng nhựa có dạng uốn cong, với mặt cong lồi về về trước là hướng sát thương của quả mìn, ở đó nhà sản xuất đã ghi sẵn dòng chữ “Front Toward Enemy” (hướng về phía kẻ thù), mặt lõm là khu vực an toàn với chữ “Back” (mặt sau). Sự cẩn thận như vậy để đảm bảo người đặt mìn sẽ không nhầm lẫn mà tiêu diệt quân ta thay vì quân địch !!
Bán kính sát thương của M-18 Claymore được thể hiện như trong hình với khoảng cách tối đa 250m
Bên trong mìn là chất nổ C-4, thiết kế dạng lõm của mìn cho phép 700 viên bi sát thương tỏa ra phía trước, tạo một hình rẻ quạt có góc khoảng 600. Khu vực sát thương của các viên bi thép sẽ bao gồm khoảng cách sát thương hiệu dụng 100m trong chiếc “quạt” tử thần, trong đó 50m đầu tiên bảo đảm địch thủ sẽ không thể sống sót. Ngoài ra, cự ly 250m trong hình quạt cũng khiến cho đối phương bị thương với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Tuy vậy, cũng có khoảng 20% số viên bi thép sẽ bay về phía sau (phía quân ta) cho nên việc đặt mìn Claymore cũng phải có nghệ thuật và huấn luyện cơ bản, ví dụ như lợi dụng địa hình hay đặt vật gì đó sau mìn để tránh sát thương cho quân ta khi kích nổ mìn Claymore.
Sơ đồ thiết kế, kích nổ của một quả mìn Claymore
Lúc đầu, việc kích nổ mìn M-18 Claymore được thực hiện bằng thiết bị kích điện của riêng mỗi quả mìn nhưng thực tiễn cho thấy cách này hoạt động không hiệu quả vì đôi khi mìn nổ trước dự định. Do đó người Mỹ đã thiết kế thiết bị kích nổ cầm tay M-57, người lính sẽ bóp kíp một số lượng lần nhất định và năng lượng cơ học sẽ được chyển thành năng lượng điện. Ngoài kích nổ từ xa bằng điện, mìn Claymore cũng có thể bị kích nổ bằng tác động cơ học (ví dụ như đá phải mìn) khiến M-18 đơn thuần trở thành một quả mìn “ngu” hoặc nếu có ai đó đủ dũng cảm, Claymore sẽ biến thành một thứ “vũ khí cá nhân” khủng khiếp khi dùng nó để đánh đòn hy sinh với kẻ địch!!!
Mìn Claymore và thiết bị kích nổ M-57
Mìn Mclaymore nặng 1,6kg, có 4 chân nhỏ để có thể đứng vững trên các địa hình kể cả nơi đất mềm. Với 700 viên bi thép được bắn đi nhờ sức nổ của 0,7 kg thuốc nổ cực mạnh C-4, mìn Claymore thông dụng đến nỗi nó được sao chép bởi nhiều quốc gia trên thế giới với các tên gọi khác nhau như MON-50 (Liên Xô), Type 66 (Trung Quốc) hay ở Việt Nam nó được sản xuất với tên gọi MDH-C40 (MDH – mìn định hướng).
Có thể nói mìn Claymore là một loại vũ khí cực kì nguy hiểm và nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, chúng vừa có thể dùng để bảo vệ căn cứ lẫn dùng để phục kích các đoàn quân đối phương, và bên cạnh máy bay, xe tăng hay súng pháo, mìn Claymore là một trong những thứ vũ khí mà bộ binh cả hai phía Việt Nam và Mỹ muốn có bên mình nhất.
Lính Mỹ huấn luyện cài mìn Claymore