Thông số kỹ thuật pháo tự hành diệt tăng SdKfz 186 Jagdtiger (Hunting Tiger)
Nhà sản xuất: Nibelungen Works / Porsche / Henschel
Năm biên chế: 1944
Số lượng sản xuất: 85
Dài: 10,64 m
Rộng: 2,84 m
Cao: 2,32 m
Trọng lượng: 71 tấn
Động cơ: Maybach HL 230 P 30 V-12 công suất 700 mã lực
Tốc độ tối đa: 35,4 km/h
Tầm hoạt động: 120 km
Vũ khí
1 pháo chính 128 mm PaK 44 L/55 với 40 viên đạn
2 súng máy 7,92 mm MG34 với 3.300 viên đạn
Con quái vật thép khủng khiếp nhất từng tham chiến
Pháo tự hành diệt tăng Jagdtiger (Cọp săn mồi) có thể nói là chiến xa có giáp “khủng nhất” đã từng tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Vốn được phát triển dựa trên khung thân xe tăng hạng nặng Tiger II “King Tiger”, Jagdtiger sở hữu khẩu pháo có sức mạnh “kinh hoàng” và giáp cực dày. Tuy nhiên tình thế khó khăn của Đức giai đoạn cuối chiến tranh đã không cho phép sản xuất Jagdtiger với số lượng nhiều, chỉ có khoảng 85 chiếc Jagdtiger được xuất xưởng, thậm chí một số trong đó còn chưa được lắp pháo chính. Nhưng dù thế nào đi nữa, khi chiến đấu trong điều kiện thích hợp thì không một loại xe tăng Đồng minh nào có thể chịu nổi 1 phát bắn của pháo tự hành diệt tăng Jagdtiger.
Pháo tự hành chống tăng Jagdtiger
Khi Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra trên đất châu Âu, nước Đức quốc xã đã trình diễn sức mạnh tăng thiết giáp của họ, từ Panzer I đến Panzer IV đã tung hoành từ Tây sang Đông, sau đó là Panther, một trong những xe tăng toàn diện nhất Thế chiến 2 với khẩu pháo 75 mm cực kì uy lực, cũng như xe tăng hạng nặng Tiger I lần đầu tiên sử dụng khẩu pháo 88 mm được thiết kế dựa trên loại pháo phòng không Flak. Tiếp đó là xe tăng Tiger II “King Tiger”, một sự kết hợp hoàn hảo giữa giáp dày và pháo 88 mm nòng dài uy lực kinh hoàng, biến “King Tiger” thành loại xe tăng mạnh mẽ nhất của Đức trong chiến tranh.
Ngay từ khi khởi đầu Thế chiến 2, quân Đức tiến chiếm các quốc gia khác với khí thế như chẻ tre, đôi khi họ không cần bắn một phát đạn nào nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Xe tăng của họ được thiết kế chủ yếu để phục vụ mục đích tấn công, nhưng khi chiến cuộc có những thay đổi đã buộc quân Đức phải cải tiến những loại xe tăng cũ và chỉnh sửa thiết kế những loại xe tăng mới để tạo ra các “pháo tự hành diệt tăng” nhằm đương đầu với số lượng xe tăng quân Đồng minh ngày càng nhiều qua từng năm, đó là T-34 của Liên Xô và M4 Sherman của Mỹ, đó là chưa kể các dòng tăng hạng nặng mới đang được phe Đồng minh phát triển.
Jagdtiger có kích thước rất to lớn
Khung xe tăng Panther được phát triển để tạo nên pháo tự hành chống tăng Jagdpanther vào tháng 2/1944, trong khi đó từ xe tăng Tiger II người Đức đã thiết kế ra Jagdtiger, một loại pháo tự hành chống tăng có giáp trước rất dày và khẩu pháo chính cỡ 128 mm có thể bắn hạ bất cứ xe tăng nào của quân Đồng minh, kể cả xe tăng hạng nặng mới nhất.
Ra đời để chứng tỏ sức mạnh trong thế giới xe tăng
Vào tháng 2/1943 hãng Henschel được giao nhiệm vụ thiết kế và đến tháng 10/1943, một phiên bản mô phỏng bằng gỗ được trình diễn cho Hitler, nhiệm vụ chính của Jagdtiger là hỗ trợ bộ binh và tiêu diệt xe tăng địch ở tầm xa. Lúc này Ferdinand Porsche giới thiệu hệ thống treo mới có 8 bánh chịu lực còn Henschel đưa ra thiết kế 9 bánh chịu lực, cuối cùng thiết kế của Henschel được chọn do phiên bản của Porsche bị lỗi. Về sau thì Jagdtiger được sản xuất với 2 loại bánh xích song song của Henschel và Porsche, bánh xích của Porsche rẻ bằng một nửa so với loại của Henschel và dễ sản xuất hơn, mặc dù đường kính của mẫu Porsche chỉ có 700 mm so với 800 mm của Henschel.
Việc sản xuất hàng loạt được lên kế hoạch sẽ bắt đầu từ tháng 12/1943 nhưng xe tăng Panther được ưu tiên sản xuất vào thời điểm đó nên đến tận tháng 7/1944 dây chuyển sản xuất Jagdtiger mới đi vào hoạt động với tên gọi chính thức trong quân đội Đức là “Sd. Kfz. 186 Panzerjäger Tiger Ausf. B”, nhưng cái tên nổi tiếng hơn và đi vào lịch sử chính là “Jagdtiger”.
Khẩu pháo 128 mm có thể nói là quá mạnh so với sức chịu đựng của xe tăng Đồng minh
Jagdtiger thực sự là một cỗ máy khổng lồ, do nó được phát triển dựa trên khung Tiger II và kéo dài ra hơn 260 mm nên có trọng lượng tới 71 tấn. Kíp lái của Jagdtiger có 6 người gồm lái xe, trưởng xe, điện đài viên, pháo thủ và 2 người nạp đạn cho khẩu pháo chính cỡ 128 mm, đây là khẩu pháo tăng to nhất và mạnh mẽ nhất từng tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nó có thể xuyên 170 mm thép ở khoảng cách 3,2 km, hay nói cách khác nó dễ dàng bắn hạ bất cứ xe tăng Đồng minh nào trước khi chúng kịp tới tầm bắn hiệu quả.
Lấy ví dụ thực tế: pháo của Jagdtiger có thể xuyên “ngon” giáp trước xe tăng đời mới nhất của Mỹ là M26 Pershing ở khoảng cách 2.100 m. Pháo chính được đặt chính giữa tháp pháo cố định của Jagdtiger với khả năng điều chỉnh hạn chế (chỉ 10° sang mỗi bên). Jagdtiger mang được khoảng 40 viên đạn pháo 128 mm (gồm liều phóng và đầu đạn) cùng 2 khẩu súng máy MG-34/MG-42 với 3.300 viên đạn.
(Còn tiếp)
Pháo tự hành diệt tăng Jagdtiger trong Chiến tranh thế giới II
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA