Mạng quân sự Sina có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc đánh giá rằng, với khả năng trang bị tên lửa không đối không tầm trung PL-12 và tên lửa đối không tầm ngắn PL-8, chiến đấu cơ J-15 sẽ "không có cửa" khi đối đầu với máy bay Su-30MK2 Việt Nam được trang bị các tên lửa tiên tiến.
Trong bài phân tích hôm 22/9, Sina nhận định, loại tiêm kích J-15 của Trung Quốc với các đầu đạn nặng không thể cất cánh từ boong tàu sân bay Liêu Ninh. Khả năng mang tải của nó sẽ ảnh hưởng tới nhiệm vụ tấn công tầm xa cũng như sức mạnh hỏa lực.
Ở chế độ hoạt động đầy tải, J-15 chỉ có thể mang được 2 tấn tải trọng cho tên lửa và các loại bom.
J-15, hay còn được gọi với biệt danh Flying Shark (Cá mập bay), có thể cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh với 2 tên lửa chống hạm YJ-83K, hai tên lửa không - đối - không tầm ngắn PL-8 và 04 quả bom (mỗi quả có trọng lượng 500kg) - theo báo cáo của kênh truyền hình trung ương Trung Quốc.
Theo đó, tải trọng tối đa mà J-15 có thể mang là 12 tấn, và với trọng tải này, nó sẽ không thể cất cánh theo kiểu nhảy cầu trên tàu sân bay, trừ phi mang các loại vũ khí nhẹ hơn như tên lửa không - đối - không tầm trung PL-12.
Còn theo báo cáo của tờ SMN, do bị hạn chế trong khả năng mang tải vũ khí, ở chế độ hoạt động đầy tải, J-15 chỉ có thể mang được 2 tấn tải trọng cho tên lửa và các loại bom. Do vậy nó sẽ không được trang bị nhiều hơn 2 tên lửa chống hạm YJ-83K và 2 tên lửa đối không PL-8. Phạm vi tác chiến của phiên bản tên lửa YJ-83K trang bị trên máy bay J-15 sẽ ngắn hơn so với biến thể tên lửa YJ-83K được phóng từ các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Chính vì thế, J-15 sẽ chỉ có khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi 120km trở lại.
Su-30MK2 được trang bị tên lửa Vympel có thể "áp đảo" trước tên lửa PL-8 trên J-15
Dựa trên việc phân tích tải trọng vũ khí và tầm hoạt động, các trang mạng quân sự Trung Quốc đều cho rằng, với tên lửa không - đối - không tầm trung PL-12 (tầm bắn từ 70 - 100km), loại chiến đấu "bản sao" Su-33 của Nga này sẽ không thể đối đầu với các loại chiến đấu cơ trên tàu sân bay của các quốc gia khác. Thậm chí, ngay cả Không quân Việt Nam với các máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 được trang bị các tên lửa đối không Vympel của Nga có thể chiếm thế "áp đảo" trước loại tên lửa đối không tầm gần PL-8 trang bị trên J-15.
Theo Sina, nếu như không được các pod gây nhiễu điện tử đi kèm, Trung Quốc sẽ phải huy động một "lượng lớn" các máy bay J-15 cho một nhiệm vụ đơn giản, và đó chính là một sự lãng phí của Hải quân Trung Quốc trong việc sử dụng phần không gian quý giá trên boong tàu sân bay duy nhất của họ.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!