Tạp chí quốc phòng này cho biết, gần đây các phương tiện truyền thông Ấn Độ khẳng định là Bắc Kinh đã điều động máy bay chiến đấu hiện đại nhất của họ là J-11 lên biên giới, sau khi New Dehli triển khai Su-30MKI đến các sân bay giáp biên, nhưng sự thực là ngay từ đầu năm 2010 chúng đã được điều động lên sát cánh hoạt động cùng với tiêm kích J-10.
Các phương tiện truyền thông Ấn cho rằng sau khi tranh chấp biên giới Trung-Ấn trở nên căng thẳng, khi Ấn Độ chuyển trường máy bay Su-30MKI thì Trung Quốc mới điều động J-11 lên đối chọi. Nhưng trên thực tế, một số bức ảnh của công ty Digital Globe cho thấy, người Ấn Độ đã lầm, ngay từ đầu năm 2010 người ta đã thấy sự hiện diện của J-11 và J-10 ở Tây Tạng.
Jane’s cho biết, các bức ảnh của Digital Globe được chụp liên tục suốt từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013. Các bức ảnh này cho thấy, ngay từ tháng 1 năm 2010, máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất của Trung Quốc là J-11 đã hiện diện tại căn cứ Cống Ca ở Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng, cùng với máy bay chiến đấu J-10 thường trực chiến đấu ở đây.
Ngoài Lhasa, Trung Quốc còn triển khai J-11 ở sát khu vực tranh chấp trên biên giới Trung-Ấn. Ngày 28/05/012, 1 bức ảnh vệ tinh của công ty Digital Globe đã hiển thị rõ nét 5 chiếc J-11 ở căn cứ không quân Nhật-Khách-Tắc (Shigatse). Căn cứ này nằm cách căn cứ Cống Ca - Lhasa khoảng 160km về phía tây.
Ngoài ra, ngày 30/05/2013, một bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy có 2 chiếc J-11 được triển khai tại căn cứ không quân Hòa Điền ở Tân Cương. Đây chính là căn cứ nằm kề bên khu vực tranh chấp biên giới Trung-Ấn đã phát sinh tranh chấp kịch liệt trong tháng 4 vừa qua.
Các số liệu theo dõi các căn cứ không quân và sân bay Trung Quốc trên biên giới mà Jane’s Defence Weekly công khai đều là của công ty Digital Globe - Mỹ. Điều này chứng tỏ, ngay từ năm 2010 Trung Quốc đã có sự điều chỉnh cơ cấu binh lực không quân ở khu vực biên giới trước cả người Ấn. Sau khi Ấn Độ điều động Su-30MKI lên đây, khu vực này trở thành nơi tập trung và đối đầu của các loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của cả 2 bên.