Triển lãm hàng không qua đi với những “tiếng xấu” về máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 J-31 của Trung Quốc.
Ngay sau khi Trung Quốc tiếp tục ký hợp đồng với Nga để mua sắm động cơ RD-93 cho loại máy bay này, nó đã được các chuyên gia quân sự Trung Quốc lăng-xê là có khả năng đánh bại F-35 của Mỹ.
Tuy nhiên, một thông tin gây chấn động là tại Triển lãm hàng không Chu Hải vừa qua, các máy bay Nga và Mỹ đã bắt được tín hiệu của J-31 chỉ sau 10 phút chiếc tiêm kích tối tân này của Trung Quốc bay lên bầu trời.
Điều này như “một cát tát” vào niềm kiêu hãnh của không quân Trung Quốc.
Tờ Want Daily tiết lộ thông tin từ các chuyên gia quân sự dấu tên cho biết, chỉ sau 10 phút bay trình diễn tại triển lãm hàng không Chu Hải, J-31 đã bị hệ thống radar của các máy bay khác phát hiện.
Điều đáng nói là, ngoài chiếc tiêm kích tối tân Su-35 Nga ra, cả chiếc máy bay vận tải C-17 Globemaster của Mỹ cũng đã tóm sống tín hiệu radar của nó.
Điều này thực ra cũng không có gì khó hiểu khi trình diễn tại triển lãm Chu Hải, J-31 đã nhả ra khói đen mù mịt ở một trong 2 động cơ, trong khi các phi công mới chỉ bay ở tốc độ chưa chạm ngưỡng siêu âm.
Điều này cho thấy động cơ WS-10 của Trung Quốc đã kém nhưng động cơ RD-93 của Nga bán cho Trung Quốc cũng không tương xứng để lắp đặt trên các máy bay thế hệ thứ 5.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng chưa thể chế tạo được một loại sơn hấp thụ sóng radar hoàn hảo để có thể tàng hình một cách triệt để như các chiến đấu cơ thế hệ 5 của Nga và Mỹ.
Điều này cho thấy, ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc sẽ còn rất nhiều việc phải làm, đồng thời, tham vọng cạnh tranh xuất khẩu với F-35 chỉ là mơ mộng viển vông.
Mặc dù vẫn còn nhiều điểm yếu nhưng chiếc J-31 xuất hiện tại triển lãm hàng không Chu Hải chỉ là phiên bản thử nghiệm, từ đây cho đến khi được trang bị hàng loạt Trung Quốc có thể bổ khuyết yếu điểm bằng cách mua loại động cơ tốt hơn của Nga.
Điều này là có cơ sở khi các chuyên gia Trung Quốc đã săm soi rất kỹ động cơ AL-41F-1S (117S) trên chiếc Su-35 của Nga.
Công bằng mà nói, Trung Quốc vẫn đang là một trong những nước đi đầu về công nghệ tàng hình trên máy bay.
Trong tương lai Bắc Kinh có thể sử dụng phương pháp “gián điệp công nghệ” để thu thập những tài liệu về công nghệ sơn hấp thụ sóng radar của ngành công nghiệp chế tạo máy bay Mỹ nhằm tăng khả năng tàng hình cho chiếc chiến đấu cơ “con cưng” của mình.
Các hacker Trung Quốc được biết đến nhờ những thành công liên tiếp trong việc thu thập những thông tin nhạy cảm về những dự án quốc phòng của Mỹ.
Điển hình như hồi tháng 7-2014, một doanh nhân Trung Quốc đã bị bắt tại Canada theo yêu cầu của FBI sau khi người này bị buộc tội đánh cắp thông tin của 32 dự án quân sự của Mỹ, bao gồm cả F-35.
J-31 của Trung Quốc là loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thẩm Dương (Shenyang Aircraft Corporation) nghiên cứu, phát triển.
Quá trình phát triển J-31 song song với dự án chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 J-20 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô.
J-31 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 hạng trung, loại 2 động cơ, 1 chỗ ngồi, có kích thước nhỏ hơn so với J-20. J-31 bắt đầu bay thử chuyến đầu tiên vào ngày 31-10-2012.
Về ngoại hình và kích cỡ, nó tương đương với F-35 nên có người gọi nó là “Anh em song sinh của F-35”.
J-31 cũng mang những đặc điểm tàng hình tiêu biểu của một loại máy bay chiến đấu thứ 5 là có khả năng tàng hình, tốc độ hành trình siêu âm, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến...
Tuy nhiên, J-31 hiện là một phiên bản nhiều khiếm khuyết, thời gian để Trung Quốc thành công với loại máy bay này sẽ còn rất dài.
Cũng giống như các máy bay chiến đấu thế hệ 5 khác, J-31 cũng thiết kế để mang các loại vũ khí trong khoang bụng.
Tuy thiết kế quá nhỏ của J-31 giúp tăng hiệu suất nhiên liệu mang theo cũng như tốc độ bay nhưng điều đó sẽ khiến số lượng vũ khí mang theo của loại máy bay này ít hơn các tiêm kích thế hệ 5 khác.
Một số hình ảnh trên mạng thể hiện, rất có khả năng J-31 sẽ sinh thêm 1 biến thể với chức năng tiêm kích hạm, dùng trong tàu sân bay tương lai của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để nói đến điều này bởi ít nhất các tàu sân bay quốc nội Trung Quốc hiện đang đóng phải đến ngoài năm 2020 mới hình thành được năng lực tác chiến ban đầu.