J-20 và J-31 có thể tê liệt nếu Trung Quốc không mua Su-35?

Hải Vy |

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đăng bài viết lý giải vì sao Không quân Trung Quốc cần mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Đã có J-11D, vì sao Trung Quốc cần Su-35?

Tháng 4 vừa qua, Tập đoàn máy bay Thẩm Dương (Trung Quốc) đã khiến giới quân sự ngạc nhiên khi tiến hành bay thử nghiệm mẫu tiêm kích J-11D, phiên bản nâng cấp của J-11 (sao chép từ Su-27 của Nga).

J-11D được cho là có các tính năng tiên tiến, như trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA), hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRST), tăng cường sử dụng vật liệu composite để giảm khối lượng máy bay và độ phản xạ radar.

Chuyến bay thử đầu tiên này cho thấy J-11D đã phát triển xa hơn so với nhiều chuyên gia dự đoán và hứa hẹn sẽ mang lại một sự bổ sung nguy hiểm cho lực lượng máy bay chiến đấu đang ngày càng lớn mạnh của Không quân Trung Quốc (PLAAF).

Mặc dù đã có những bước tiến rõ rệt trong chương trình J-11D nhưng quân đội Trung Quốc có vẻ vẫn xúc tiến kế hoạch mua các chiến đấu cơ Su-35 Flanker của Nga.

Máy bay tiêm kích J-11 của Không quân Trung Quốc...

Máy bay tiêm kích J-11 của Không quân Trung Quốc...

... và Su-35 của Nga.

... và Su-35 của Nga.

Su-35 cơ động hơn nhiều so với J-11, đây là lợi thế của máy bay chiến đấu Nga trong các cuộc không chiến tầm ngắn.

Su-35 cũng có thể bay xa hơn, cất cánh và hạ cánh với với mức tải trọng lớn hơn. Nó còn được trang bị các hệ thống điện tử và hiển thị buồng lái mới.

Tuy nhiên, Su-35 trang bị radar quét mạng pha điện tử bị động (PESA), kém hiện đại hơn so với J-11D.

Hơn nữa, máy bay và các hệ thống đi kèm sẽ được sản xuất tại Nga.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc coi ngành công nghiệp quốc phòng nội địa như một thứ tài sản chiến lược.

Mua thêm các máy bay từ Nga sẽ không giúp thúc đẩy mục tiêu của Bắc Kinh là phát triển một nền công nghiệp hàng không vũ trụ tự lực, trưởng thành.

Có thể thấy sự thừa thãi rõ ràng khi Trung Quốc xúc tiến 2 chương trình máy bay tương tự nhau.

Vì vậy, một số chuyên gia phân tích cho rằng, động lực chính khiến PLAAF mua Su-35 có thể không nằm ở giá trị về mặt vũ khí mà bởi nó được trang bị động cơ turbofan AL-117S.

J-20, J-31 có thể tê liệt vì không có động cơ tốt

Động cơ là thành phần quan trọng của bất cứ máy bay chiến đấu nào và chúng đang khiến các nhà sản xuất máy bay Trung Quốc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Thành Đô J-20 và Thẩm Dương J-31 là các nguyên mẫu tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc được thiết kế với khung máy bay và hệ thống điện tử hàng không tinh vi để có thể sánh ngang với máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Mỹ.

Tuy nhiên, khả năng sản xuất động cơ máy bay của Trung Quốc lại không bắt kịp với tốc độ phát triển của các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.

Nếu không có động cơ turbofan hiệu quả, đáng tin cậy thì dù các hệ thống máy bay khác của Trung Quốc có tốt đến mức nào, cả J-20 và J-31 đều sẽ bị tê liệt.

Tiêm kích J-20...

Tiêm kích J-20...

... và J-31 có thể bị tê liệt nếu không được trang bị động cơ turbofan hiệu quả, đáng tin cậy.

... và J-31 có thể bị tê liệt nếu không được trang bị động cơ turbofan hiệu quả, đáng tin cậy.

Quân đội Trung Quốc xưa nay đều phụ thuộc vào các động cơ của Nga để vận hành máy bay chiến đấu.

Nhưng thật không may cho PLAAF, các mẫu động cơ mà nước này đang sử dụng đã lỗi thời. Chúng được thiết kế từ hơn 30 năm trước, để sử dụng trên các máy bay nhẹ hơn rất nhiều so với những mẫu máy bay đang được thử nghiệm ngày nay.

Hiện tại, các nguyên mẫu J-20 và J-31 đang hoạt động bằng các động cơ turbofan cũ của Nga. Trong đó, J-20 sử dụng động cơ Saturn AL-31 và J-31 dùng động cơ Klimov RD-93.

Các chuyên gia phân tích suy đoán rằng cả 2 mẫu máy bay này đều đang gặp phải nhiều hạn chế do sử dụng động cơ cũ.

Chẳng hạn, động cơ AL-31 có thể khiến J-20 không thể đạt được khả năng bay hành trình siêu âm, một trong những đặc tính quan trọng giúp tiêm kích F-22 của Mỹ trở thành mẫu máy bay ưu việt.

Các nhà chế tạo máy bay của Trung Quốc có 2 lựa chọn để có được các động cơ tiên tiến: mua của Nga hoặc tự sản xuất trong nước.

Tất nhiên, Bắc Kinh rõ ràng nghiêng về phương án 2 và động cơ đã trở thành trọng tâm của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc.

Một nhà bình luận Nga nhận định, chương trình phát triển động cơ nội địa có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, tương tự như chương trình không gian Apollo đối với Mỹ trong những năm 1960.

Tuy nhiên, động cơ máy bay rất khó phát triển và mang lại những thách thức thiết kế đặc thù.

Năm 2012, hai chuyên gia Andrew Erickson và Gabe Collins cho rằng lĩnh vực sản xuất động cơ vẫn là “gót chân Achilles” của ngành công nghiệp máy bay Trung Quốc.

Nó tụt lại phía sau sự tiến bộ nhanh chóng của những lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, như thiết kế khung máy bay và cảm biến.

Hiện tại, động cơ turbofan tiên tiến nhất do Trung Quốc sản xuất và đang được đưa vào sử dụng là động cơ WS-10 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC).

Động cơ WS-10 được trang bị trên nhiều máy bay của PLAAF, bao gồm một số tiêm kích J-11 và các chiến đấu cơ đa nhiệm J-16 mới.

Mặc dù nhiều vấn đề trong giai đoạn phát triển ban đầu của WS-10 đã được Trung Quốc khắc phục nhưng hồi tháng 9 năm ngoái, tạp chí quốc phòng Jane’s cho biết:

WS-10  vẫn gặp rất nhiều vấn đề, khiến số lượng động cơ bị trả về nhà máy thậm chí còn vượt quá số động cơ mới được sản xuất.

Một số nhà bình luận suy đoán rằng WS-10 không đủ công suất để trang bị trên J-16, khi mẫu máy bay này nặng hơn so với các biến thể Su-27 khác của Trung Quốc.

WS-10 cần phải được nâng cấp để mẫu máy bay mới phát huy được tiềm năng thiết kế của nó.

Có một manh mối khác cho thấy những vấn đề tiềm tàng đối với động cơ WS-10, đó là việc PLAAF quyết định sử dụng động cơ AL-31 cho J-10B, biến thể tiêm kích tấn công mới nhất của J-10.

Mặc dù đã có một nguyên mẫu J-10B trang bị động cơ WS-10 khi xuất hiện vào năm 2011 nhưng PLAAF vẫn quyết định sử dụng động cơ AL-31 cho các phiên bản sản xuất.

Quyết định này cho thấy quân đội Trung Quốc lo ngại về khả năng của WS-10 và lựa chọn động cơ thay thế đã được chứng minh là đáng tin cậy của Nga.

Bất kể khả năng hiện tại của WS-10 ra sao, tiêm kích thế hệ năm J-20 và J-31 sẽ cần có những động cơ mạnh mẽ và đáng tin cậy nếu muốn tối ưu hóa khả năng hoạt động.

Phiên bản WS-10 nâng cấp sẽ là một lựa chọn cho J-20, tuy nhiên, nó chắc chắn vẫn chưa phù hợp với kích vỡ và khối lượng của máy bay này.

Hiện Trung Quốc cũng đang phát triển 2 mẫu động cơ hoàn toàn mới là Xian WS-15 cho J-20 và Avic WS-13 cho J-31.

Hiện chưa rõ tình hình phát triển động cơ WS-15 và nó cũng chưa được lắp đặt trên các nguyên mẫu J-20, dù gần đây, một blogger đã tiết lộ rằng các kết quả thử nghiệm khả quan cho thấy một bước nhảy vọt bất ngờ trong tiến trình phát triển động cơ này.

Trong khi đó, động cơ WS-13 đã được Trung Quốc trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải tháng 11 năm ngoái, cùng với một loại động cơ đốt sau khác.

Song, theo chuyên gia Bill Sweetman, cho tới nay, tốc độ phát triển động cơ WS-13 có sự trái ngược rất rõ so với tốc độ sản xuất tên lửa và các hệ thống radar mới của Trung Quốc.

Sự phát triển còn tồn tại nhiều vấn đề của chương trình động cơ WS-13 và WS-15 đã phần nào lý giải mối quan tâm của Trung Quốc dành cho Su-35, biến thể mới nhất và tiên tiến nhất trong gia đình máy bay Flanker của Nga.

Su-35 trang bị động cơ AL-117S, biến thể của động cơ AL-31 với những cải tiến đáng kể.

Do các chương trình động cơ nội địa của Trung Quốc có vẻ vẫn đang trong tình trạng lấp lửng, một số nhà phân tích cho rằng mua các động cơ AL-117S sẽ là cách nhanh nhất để Trung Quốc có được động cơ turbofan cho J-20.

Vì Nga không muốn bán động cơ mới như một sản phẩm độc lập nên PLAAF sẽ phải mua các máy bay chiến đấu Su-35 và mua động cơ AL-117S như một phần của hệ thống vũ khí hoàn chỉnh.

Có vẻ như thương vụ cung cấp 25 chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc đang trong giai đoạn cuối cùng và các phi công Trung Quốc đã bắt đầu huấn luyện trên máy bay mới. Dự kiến đợt chuyển giao đầu tiên sẽ diễn ra trong năm 2016.

Mặc dù sử dụng công nghệ Nga không phải là giải pháp lý tưởng nếu xét từ quan điểm sản xuất nội địa nhưng kết quả nghiên cứu động cơ AL-117S chắc chắn sẽ được Trung Quốc đưa vào chương trình phát triển động cơ WS-13 và WS-15.

Điều này sẽ có lợi cho chương trình tiêm kích J-31, khi chương trình này đang bị vướng mắc với các động cơ WS-10 hoặc RD-93, trong thời gian chờ đợi động cơ WS-13.

Đối với PLAAF, mua Su-35 mang lại tới 2 lợi ích. Họ không chỉ có được một loại máy bay chiến đấu mạnh mẽ mà còn có được động cơ chất lượng cao để đưa tiêm kích J-20 lên tầm cỡ thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại