Theo Mil.news.sina.com.cn, máy bay chiến đấu Trung Quốc Shenyang J-16 có 2 lợi thế lớn so với đối thủ cạnh tranh Ấn Độ. Lợi thế đầu tiên đó là hệ thống điện tử. Máy bay J-16 của Trung Quốc được trang bị radar với anten mạng pha chủ động (AESA).
Theo một số nguồn tin nước ngoài, anten radar máy bay J-16 có đường kính khoảng 1 mét với 2.000 phần tử thu phát. Anten có công suất tối đa 6 kW và công suất trung bình 2 kW. Trong khi đó, Su-30MKI mà Nga cung cấp cho Ấn Độ lại được trang bị radar N011 Bars với anten mạng pha thụ động. Công suất tối đa và công suất trung bình của loại radar này lần lượt là 6 kW và 1 kW.
Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.
Dựa trên sự khác biệt về công suất và kiểu loại anten, các tác giả Trung Quốc kết luận rằng máy bay chiến đấu J-16 có ưu thế vượt trội, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công suất trung bình. Điều này có nghĩa rằng các máy bay J-16 Trung Quốc có thể phát hiện Su-30MKI Ấn Độ trước khi bay vào khu vực kiểm soát và có được nhiều lợi thế về chiến thuật.
Theo Mil.news.sina.com.cn, ưu thế thứ hai của Shenyang J-16 so với Sukhoi Su-30MKI là “áo giáp” bảo vệ, cụ thể là tên lửa đối không PL-10. Tên lửa này được trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại với độ phân giải 128x128 và độ nhạy cao, động cơ vector lực đẩy có điều khiển và nhiều đặc tính thiết kế khác. Nhờ những tính năng này mà tên lửa PL-10 có thể bắn hạ các mục tiêu trên không khác nhau một cách hiệu quả đồng thời có khả năng chống nhiễu tốt.
Trong khi ca ngợi J-16, tác giả cổng thông tin Mil.news.sina.com.cn cũng đã chỉ ra những lợi thế nhất định của Su-30MKI Ấn Độ. Ưu điểm chính của loại máy bay này là cánh mũi. Nhờ thiết kế này, máy bay chiến đấu Ấn Độ có hiệu suất cao hơn và khả năng cơ động tốt hơn. Tuy nhiên, việc bổ sung cánh mũi vô hình chung làm tăng đáng kể diện tích phản xạ hiệu dụng của máy bay trước radar của đối phương.
Máy bay J-16 của Không quân Trung Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh vị trí lãnh đạo khu vực châu Á và hàng không chiến thuật (đặc biệt là máy bay chiến đấu J-16 và Su-30MKI) là một trong những công cụ trong cuộc chiến này. Vì vậy, theo tác giả bài viết, sự phát triển của các máy bay và sự cạnh tranh sẽ vẫn tiếp tục.
Như đã biết, Sukhoi Su-30MKI và Shenyang J-16, cũng như một số biến thể khác nhau của Su-27 đều có kích thước và trọng lượng tương đương. Các máy bay này đều có đặc tính nổi tiếng: tốc độ tối đa đạt 2.100 km/h và tầm hoạt động lên đến 3.000 km.
Các máy bay chiến đấu trên đều được trang bị vũ khí gồm pháo tự động 30 mm cùng tên lửa và bom được treo dưới 12 giá bên dưới thân và cánh máy bay với tổng trọng lượng vũ khí lên đến 8 tấn. Máy bay có thể mang các loại tên lửa, bom có điều khiển và không điều khiển khác nhau được sử dụng trong Không quân Trung Quốc hay Ấn Độ.
Máy bay Su-30MKI
Một điểm khác biệt của máy bay chiến đấu Shenyang J-16 và Sukhoi Su-30MKI so với người tiền nhiệm của chúng - máy bay chiến đấu Liên Xô/Nga Su-27 đó là vì sử dụng buồng lái 2 chỗ ngồi nên các tiêm kích của Trung Quốc và Ấn Độ nặng hơn 1 tấn so với máy bay cơ sở Su-27, mà theo đó sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng. Ngoài ra, động cơ FWS-10 và AL-31FP trang bị trên J-16 và Su-30MKI cung cấp cho các máy bay chiến đấu cùng một lực đẩy khoảng 25 tấn.
Sự khác biệt đáng chú ý giữa 2 máy bay chính là hệ thống điện tử. Như đã đề cập ở trên, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc được trang bị radar với anten mạng pha chủ động, trong khi máy bay Ấn Độ lại sử dụng radar thụ động.
Việc so sánh 2 loại chiến cơ J-16 và Su-30MKI khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện tương tự cách đây chưa lâu. Trong năm 2012, báo chí Trung Quốc đem tiêm kích trên hạm mới nhất của nước này Shenyang J-15 ra so sánh với Sukhoi Su-33 của Nga, được coi là "tổ tiên" của tiêm kích hạm Trung Quốc rồi khẳng định rằng J-15 không hề thua kém và thậm chí trong một số trường hợp nó còn vượt trội chiến đấu cơ của Nga.
Máy bay J-16
Phải thừa nhận là các nhà thiết kế máy bay Trung Quốc đã thành công khi tạo ra một máy bay chiến đấu trên tàu sân bay có khả năng so sánh với Su-33 của Liên Xô/Nga, tuy nhiên, tiêm kích trên hạm Su-33 bay lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1987 trong khi bản sao Trung Quốc J-15 chỉ mới thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình vào cuối mùa hè năm 2009. Chính vì vậy, ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đã được kế thừa những thành công của các đồng nghiệp Liên Xô hai thập kỷ trước đây. Do đó, việc J-15 có những tính năng ưu việt hơn Su-33 cũng là điều dễ hiểu.
Su-30MKI được Sukhoi thiết kế riêng cho Không quân Ấn Độ vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Nguyên mẫu Su-30MKI bắt đầu bay thử vào năm 1996 và đến năm 1997, Ấn Độ đã nhận được lô máy bay chiến đấu Su-30MKI đầu tiên. Hiện tại Su-30MKI trong Không quân Ấn Độ đã được chế tạo trong nước theo giấy phép của Nga. Cho đến nay, quân đội Ấn Độ có khoảng 200 máy bay Su-30MKI. Dự kiến đến cuối thập kỷ này số lượng các máy bay chiến đấu loại này sẽ tăng lên 270 chiếc.
Trong khi đó, Shenyang J-16 mới chỉ được biết đến vào giữa năm 2012. Ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đã hoàn thành quá trình phát triển cũng như thử nghiệm, và hiện đang bắt đầu sản xuất hàng loạt. Đầu năm 2014, một số báo cáo cho biết Trung Quốc đã có ít nhất 24 máy bay mới. Rõ ràng, J-16 đã bắt đầu phục vụ trong lực lượng vũ trang nước này.
Có thể nói, 2 loại chiến đấu cơ trên đã cho thấy rất nhiều về xu hướng của ngành công nghiệp hàng không Nga, Ấn Độ và Trung Quốc trong khoảng thời gian hơn 15 năm. Trước hết, nó cho thấy rằng Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh mặc dù nước này đã có những nỗ lực liên tục để bắt kịp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ mặc dù không có sự phục vụ của radar AESA cũng như các tên lửa tầm cỡ như PL-10, nhưng cũng không thể phủ nhận tính ưu việt của loại chiến cơ này.
Su-30MKI của Không quân Ấn Độ
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA