Năm 1987, khi đặt bút ký vào Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung Mỹ-Xô (INF), Nga đã coi thường mà bỏ qua mối đe dọa từ Trung Quốc. Có lẽ khi ấy không ai nghĩ Trung Quốc xứng đáng là đối thủ của Nga. Đến hết thập niên đầu tiên thế kỷ này, trong khi Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về kho vũ khí hạt nhân tầm trung thì trong tay Nga không có một loại vũ khí nào tương tự.
Lỗ hổng chết người
Các loại tên lửa liên lục địa của Nga thực chất chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn là hữu ích với mối nguy từ Trung Quốc. Giả dụ Trung Quốc bất ngờ có hành động xung đột biên giới với Nga ở vùng Viễn Đông trù phú thì không có nghĩa là Nga có thể ngay lập tức sử dụng tên lửa liên lục địa được. Trung Quốc cũng có một kho tên lửa liên lục địa, không ai có thể liều lĩnh sử dụng tên lửa liên lục địa để kéo cả hai vào một cuộc chiến tranh hủy diệt.
Bỏ đi sức mạnh của tên lửa liên lục địa thì rõ ràng tương quan lực lượng ở vùng Viễn Đông đã nghiêng về Trung Quốc. Mấy năm qua, Trung Quốc đã duy trì lực lượng bộ binh đông đảo nhất thế giới, cùng với đó là lực lượng pháo binh, tăng thiết giáp hùng hậu và hết sức hiện đại, có thể nói là vượt trội Nga.
Trung Quốc có lực lượng pháo binh và tăng thiết giáp vượt trội Nga
Trong tình thế như vậy, có thể nói, lực lượng tên lửa chiến thuật, chiến dịch chính là lá bài quan trọng để Nga đủ sức răn đe với “biển người” Trung Quốc. Nhưng vì từng coi thường Trung Quốc nên ngay cả lá bài này, Nga cũng đang thua sút rất nhiều so với Trung Quốc.
Trong trang bị của Nga hiện nay không có một loại tên lửa tầm trung nào, chỉ có duy nhất một loại tên lửa tầm ngắn duy nhất là Tochka-U, trong khi đó Trung Quốc hiện nay là số một thế giới về tên lửa tầm trung.
Tochka-U là tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể mang đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn 120 km. Đây là một loại tên lửa đã khá lạc hậu hiện nay. Tầm bắn này quá ngắn để nó có thể tồn tại được trước sức mạnh của lực lượng pháo phản lực với loại WS-2 có tầm bắn lên đến 200 km, biến thể nâng cấp WS-2D có tầm bắn lên đến 400 km. Mặc dù có thể không chính xác nhưng số lượng của các dàn pháo này hoàn toàn vượt trội so với số lượng tên lửa Tochka-U (80 xe phóng theo số liệu 2012). Đặc biệt hơn, Trung Quốc còn sở hữu lượng tên lửa tầm trung hàng đầu thế giới.
Tổ hợp tên lửa tầm ngắn Tochka-U
Vậy có phải Nga vẫn đang coi thường Trung Quốc hay không khi vẫn chưa phát triển tên lửa tầm trung? Câu trả lời là không, chỉ là Nga đang bị ràng buộc bởi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung. Nhưng Nga đã có cách tái lập sự răn đe với Trung Quốc bằng bảo bối Iskander.
Iskander - bảo bối của Nga
Hồi đầu năm 2013, Nga đã không đồng ý với Mỹ về yêu cầu hai bên cùng cắt giảm vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược. Trung Quốc tất nhiên ủng hộ đề xuất này nhưng Nga tuyên bố toàn bộ các quốc gia trong “Câu lạc bộ hạt nhân” cần phải thực thi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START). Đáp lại tuyên bố trên của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Nga và Mỹ là hai quốc gia có trách nhiệm chính trong quá trình giải giáp vũ khí hủy diệt hàng loạt và phải là những nước đầu tiên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân khổng lồ hiện có.
Hãng tin Ria Novosti trích lời V.Putin: “Không chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác cũng đang hoàn thiện vũ khí tấn công của họ, trong đó có tên lửa tầm trung. Hầu như tất cả các nước láng giềng của chúng tôi đều đang phát triển hệ thống vũ khí này”. Mặt khác Nga đang xem xét khả năng rút khỏi hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung. Những động thái này rõ ràng là Nga đang muốn ám chỉ mối đe doạ từ Trung Quốc.
Đằng sau những tuyên bố ngoại giao đó Nga đã nghiên cứu và đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa Iskander với tầm bắn tuyên bố là 500 km, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia quân sự và tin rò rỉ từ Wikileads, Iskander co thể đạt tầm bắn hơn 2.000 km.
Không chỉ có vậy, theo chương trình trang bị vũ khí quốc gia giai đoạn 2007-2015, quân đội Nga sẽ mua sắm 60 hệ thống tên lửa đường đạn sản xuất loạt Iskander (tức là 60 xe bệ phóng) để trang bị cho 5 trong số 10 lữ đoàn tên lửa của Nga. Các lữ đoàn trang bị tên lửa Iskander sẽ được triển khai trên khắp lãnh thổ Nga: Lữ 26 ở Luga, gần St. Petersburg thuộc quân khu Leningrad, Lữ 92 ở Kamenka, gần Penza thuộc quân khu Volga-Urals, Lữ 103 ở Ulan-Ude, quân khu Siberia, Lữ 107 ở Semistochny, gần Birobidzhan thuộc quân khu Viễn Đông, và Lữ 114 ở Znamensk, gần Astrakhan, quân khu Bắc Kavkaz. Trong đó, 2 lữ 92 và 107 được trang bị đầu tiên. Qua việc bố trí có thể thấy Nga dành hẳn 2 trong 5 lữ đoàn và 1 trong 2 lữ đoàn đầu tiên để trấn giữ vùng biên giới sát Trung Quốc.
Tên lửa đường đạn Iskander có chiều dài 7,3 m; đường kính thân 0,92 m, khối lượng phóng 3.800-4.020 kg tuỳ thuộc loại đầu đạn. Tên lửa lắp động cơ tên lửa 1 tầng nhiên liệu rắn, Tốc độ bay cao của tên lửa (Mach 7) cho phép nó đột phá các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Tên lửa Iskander có thể bay theo một quỹ đạo thấp dưới 50 km và có thể cơ động tránh đạn với quá tải lên tới 30g ở giai đoạn bay cuối để đối phó với tên lửa đất-đối-không của đối phương.
Tổ hợp tên lửa Iskander
Iskander có thể mang các loại đầu đạn thông thường khác nhau có khối lượng 480-700 kg tuỳ chủng loại. Các loại đầu đạn của Iskander bao gồm: đầu đạn chùm (cassette) chứa các đạn con phá-mảnh sát thương và chống phương tiện kỹ thuật, chứa đạn con tấn công diện; đầu đạn nổ mạnh đơn khối, đầu đạn nhiên liệu không khí; đầu đạn xuyên nổ mạnh chống boongke và đầu đạn phá-mảnh chống radar. Iskander cũng có thể mang 1 đầu đạn hạt nhân mặc dù khả năng này không được công bố công khai. Tên lửa còn có thể mang các đạn mồi bẫy chiến thuật.
Hệ thống dẫn đường của tên lửa Iskander gồm 1 hệ dẫn quán tính và 1 đầu tìm tương quan quang-điện tử giai đoạn cuối sử dụng dữ liệu ảnh mục tiêu số. Tên lửa có độ chính xác (sai số vòng tròn xác suất) 10-30 m, thậm chí còn cao hơn. Một số biến thể được trang bị hệ dẫn có thể cập nhật dữ liệu từ các hệ vệ tinh định vị toàn cầu GPS/GLONASS trong khi bay và thay đổi mục tiêu tấn công trong khi bay. Iskander còn có thể được trang bị các hệ dẫn giai đoạn cuối khác sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động hoặc ảnh hồng ngoại.
Hệ thống tên lửa đường đạn Iskander có 2 biến thể cơ bản: 9K723 Iskander (còn gọi là Iskander-Mhoặc Tender) được chế tạo dành cho quân đội Nga, sử dụng tên lửa đường đạn 9M723 có tầm bắn tối đa lên tới 450-500 km và biến thể xuất khẩu 9K720 Iskander-E sử dụng tên lửa đường đạn 9M720-E lắp đầu đạn nhẹ hơn - đến 480 kg, và có tầm ngắn hơn - đến 280 km để tuân thủ quy định của chế độ cấm phổ biến công nghệ tên lửa MTCR.
Mỗi xe bệ phóng 9P78 được lắp 2 tên lửa. Xe bệ phóng còn bao gồm 1 đài chỉ huy với hệ thống điều khiển hoả lực tự động nên mỗi xe bệ phóng có thể hoạt động độc lập nếu cần. Thời gian phản ứng của hệ thống là 5-16 phút, 2 tên lửa có thể phóng loạt cách nhau 60s. Một lữ đoàn tên lửa Iskander gồm 3 tiểu đoàn tên lửa, với 12 xe bệ phóng TEL và 12 xe tiếp đạn, và tổng cộng 48 tên lửa đường đạn.
Hệ thống Iskander bắt đầu được thử nghiệm tại trường bắn Kapustin Yar ở tỉnh Astrakhan từ năm 1995. Các cuộc thử nghiệm quốc gia đã hoàn tất tháng 8/2004 và năm 2007, Iskander chính thức được Bộ Quốc phòng Nga nhận vào trang bị.
Hệ thống tên lửa Iskander có thể được hiện đại hoá để nâng cao sức chiến đấu bằng cách trang bị tên lửa hành trình dưới âm chính xác cao R-500 (3M14). Tên lửa R-500 thực tế là biến thể mang đầu đạn thông thường của tên lửa hành trình tầm xa của Liên Xô 3M10 (RK-55), có tính năng tương đương tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. 3M10 được sử dụng cho hệ thống tên lửa Granat (SS-N-21) tầm bắn lên tới 2.600 km trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Nga và trước đó được triển khai trong hệ thống tên lửa hành trình cơ động mặt đất tầm xa Relief (SSC-4) đã bị thủ tiêu theo Hiệp ước INF năm 1987.
R-500 được trang bị 1 đầu đạn thông thường và có tầm bắn tới 500 km để tuân thủ quy định của Hiệp ước INF. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, có thể dễ dàng nâng tầm bắn của R-500 lên đến 1.000 km, thậm chí lên tới 2.500 km tuỳ thuộc vào kích cỡ đầu đạn.
Tháng 11/2007, Thượng tướng Vladimir Zaritsky, Tư lệnh Bộ đội Tên lửa và Pháo binh của Lục quân Nga, đã nói rằng, “Hiện tại, hệ thống tên lửa Iskander-M tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiệp ước INF nhưng nếu quyết định chính trị về việc rút khỏi Hiệp ước này được đưa ra thì chúng tôi sẽ nâng cao khả năng tác chiến của hệ thống, kể cả tầm bắn”.
Hệ thống dẫn đường của tên lửa R-500 gồm 1 hệ dẫn quán tính, 1 hệ đạo hàng vệ tinh GPS/GLONASS và 1 đầu tìm quang-điện tử tương quan giai đoạn cuối, sử dụng dữ liệu số về khu vực mục tiêu hoặc 1 đầu tìm radar chủ động. Việc thử nghiệm R-500 tại trường bắn Kapustin Yar đã hoàn tất năm 2007 và Nga đã thông báo đưa tên lửa này vào trang bị cùng hệ thống Iskander vào năm 2009.
Hệ thống Iskander trang bị tên lửa R-500 có tên gọi Iskander-K. Mỗi xe bệ phóng tiêu chuẩn 9P78 có thể mang 6 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa R-500 thay cho 2 tên lửa đường đạn.
Rõ ràng là Nga đang nỗ lực khắc phục sai lầm của mình trong quá khứ và trong kế hoạch đó Iskander chính là bảo bối của Nga. Với siêu tên lửa này, Nga chắc hẳn sẽ làm cho Trung Quốc sống nơm nớp trong sợ hãi.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!