Indonesia triển khai tiêm kích hạng nặng đối phó Trung Quốc

Để nâng cao khả năng đối phó với những nguy cơ tại quần đảo Natuna sau khi TQ tuyên bố chủ quyền tại đây, Indonesia quyết định triển khai tiêm kích Su-27/30.

Theo tạp chí Jane's Defence Weekly, Không quân Indonesia đang có kế hoạch thông qua việc nâng cấp căn cứ Không quân tại Ranai trên đảo Riau để có thể triển khai tiêm kích Su-27Su-30 tại đây.

Hiện công tác nâng cấp hiện đã hoàn thành, bao gồm việc lắp đặt đèn đường băng, đèn đường lăn và hệ thống radar. Không quân Indonesia còn có kế hoạch kéo dài đường băng, hiện nơi này này chỉ dài 2,5 km.

Trong khi đó tướng Hải quân Indonesia Andri Gandy cho biết, các trang bị mới tại căn cứ này còn bao gồm khu chứa máy bay triển khai tại phía Tây căn cứ không quân. Mục tiêu lâu dài của Indonesia là triển hai 1 trung đội máy bay chiến đấu Sukhoi lâu dài tại quần đảo Riau nằm trong khu vực Biển Đông.

Janes’s dẫn lời tướng Budiman - Tư lệnh Lục quân Indonesia cho biết thêm: “Ngoài ra, Jakarta dự kiến cũng sẽ điều động khoảng 4 chiếc trực thăng chiến đấu AH-64E Apache tới quần đảo Natuna”.

Động thái này được Indonesia đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo Natuna thuộc tỉnh đảo Riau của nước này. Được biết Natuna là một vùng biển dồi dào tài nguyên dầu mỏ, đang được Indonesia khai thác cùng với các tập đoàn dầu khí quốc tế như ExxonMobil của Mỹ hay Total của Pháp.

Trung Quốc đã gộp một phần vùng biển của quần đảo Natuna thuộc Indonesia vào trong tấm bản đồ “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đang dùng để xác định chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Trung Quốc đã chính thức hóa yêu sách chủ quyền đó khi đưa tấm bản đồ này vào trong hộ chiếu mới của công dân Trung Quốc. Vấn đề đáng quan ngại nhất là trên tấm bản đồ đó, hoàn toàn không có một tọa độ cụ thể nào.

Tuy hiện nay, Bắc Kinh chưa muốn vượt qua “giới hạn đỏ” mà cả Trung Quốc lẫn các đối thủ tranh chấp trên Biển Đông đều không muốn chạm đến, nhưng Indonesia đã sớm có những động thái chuẩn bị đối phó với âm mưu bành trướng của Trung Quốc.

Ngay từ năm 2013, khi công bố kế hoạch cuộc tập trận Komodo 2014, Phó Đô đốc Amarullah Octavia, chỉ huy trưởng Lực lượng Hải quân đánh bộ của Hạm đội miền Tây đã cho biết, diễn tập “Komodo 2014” phải chú trọng vào nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc đòi chủ quyền vùng biển Natuna, tránh lặp lại vụ Sipanda - Ligitan.

Sự cảnh giác kể trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều sự cố va chạm giữa tàu tuần tra hai nước đã xảy ra tại khu vực này. Phía Trung Quốc, với lực lượng mạnh hơn, đã ngăn chặn không cho tàu Indonsesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc đến đánh bắt trộm trong ngư trường của Indonesia.

Theo ông Amarullah, việc Indonesia chọn vùng biển này làm nơi thao diễn hải quân hỗn hợp chính là sự cảnh cáo Trung Quốc không nên tham lam đòi chủ quyền thuộc lãnh hải của Indonesia, trong bối cảnh tấm bản đồ "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc chính thức đưa ra để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông đã “liếm” cả vào vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Indonesia tại khu vực Natuna.

Rõ ràng là chính quyền Jakarta muốn tranh thủ cuộc Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN mang tên KOMODO 2014, vừa khai mạc vào ngày 29/03 để giải thích rõ với thế giới rằng vùng biển Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia.

Hải quân Indonesia đã phân phát cho các nước tham gia các bản đồ vùng biển tổ chức cuộc tập trận, trên đó biểu thị rõ là Natuna thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Jakarta.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại