Cuộc thử nghiệm này nằm trong kế hoạch diễn tập hằng năm của Hải quân Indonesia nhằm kiểm tra chất lượng đạn cũng như tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng này trước các mối đe dọa có thể đến từ bên ngoài.
Exocet MM40 Block II có tầm bắn trên 70 km, tốc độ cận âm 0,9 Mach (1.225 km/h), được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến mặt nước cũng như các mục tiêu ven biển.
Trong giai đoạn dẫn đường cuối, tên lửa sử dụng một đầu tự dẫn ra-đa chủ động, tự động tìm kiếm và cập nhật liên tục các thông số về mục tiêu dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị vệ tinh GPS, sau đó mới lựa chọn phương án tấn công mục tiêu.
Nhờ quỹ đạo bay phức tạp, độ cao bay thấp so với mực nước biển cũng như áp dụng các biện pháp chống nhiễu mà Exocet trở thành “nỗi ám ảnh” đối với các hệ thống phòng vệ của đối phương.
Hiện nay, Hải quân Indonesia cũng trang bị Exocet MM40 Block III - phiên bản mới nhất dựa trên cơ sở tên lửa MM40 Block II - cho tàu hộ vệ tên lửa lớp Sigma.
Sau thành công của cuộc thử nghiệm, Indonesia sẽ cử một tàu hộ tống lớp Bung Tomo tham gia Nhóm đặc nhiệm hải quân thuộc Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Lebanon (MTF-UNIFIL).
Đây cũng là chiếc tàu hộ tống đầu tiên của Indonesia tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ kể từ khi quốc đảo này bắt đầu sứ mệnh từ năm 2009.
Cấu hình vũ khí của tàu hộ tống lớp Bung Tomo gồm một pháo hạm siêu nhanh Otto Melara 76 mm, hai pháo bắn nhanh MSI Defence 30 mm, 2x3 ống phóng ngư lôi hạng nhẹ 324 mm, 8 tên lửa Exocet cùng 16 tên lửa phòng không tầm thấp Seawolf.
Đây là dòng tàu chiến đa năng có khả năng tác chiến diệt hạm, phòng không, chống ngầm.
Tổng cộng, Indonesia đã mua 3 tàu lớp Bung Tomo. Ban đầu, những con tàu này đã được Hải quân Brunei đặt hàng từ BAE Systems vào năm 1995.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được hàng trong năm 2007, Brunei thấy không thực sự cần thiết nên vào năm 2012 đã quyết định bán lại cho Indonesia với giá chỉ bằng 1/5 giá trị ban đầu.