ICBM Nga có thể răn đe Mỹ chỉ trong một cú đánh?

Hùng Mạnh |

Để đối phó với sự uy hiếp từ Mỹ - NATO, lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã vạch kế hoạch xây dựng lực lượng răn đe hạt nhân trên toàn cầu.

Ngày 16-12, ngay trước dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Lực lượng tên lửa chiến lược (SFM) Nga, Tư lệnh Sergei Karakayev đã công bố với báo giới về các kế hoạch phát triển và triển khai lực lượng này trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Không triển khai tên lửa chiến lược tại Crimea

Phát biểu với các phóng viên trong buổi họp báo, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga - Đại tướng Sergei Karakayev cho rằng, nước này không có kế hoạch triển khai các đơn vị thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược đến bán đảo Crimea.

Ông Karakayev khẳng định rằng, Nga không triển khai các đơn vị thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược đến bán đảo Crimea vì không cần thiết.

Các tên lửa đạn đạo tầm xa hiện nay của Nga đều có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới mà không cần phải đưa chúng đến các khu vực biên giới của Nga.

Tướng Karakayev cho rằng, những loại tên lửa chiến lược này được triển khai sâu bên trong lãnh thổ của Nga nhưng phạm vi tấn công lên đến hơn 10.000 km của chúng vẫn thừa khả năng bảo vệ nước Nga chống lại các cuộc tấn công của đối phương.

Sau khi Mosocw sáp nhập bán đảo Crimea vào chủ thể Liên bang Nga hồi tháng 3 năm nay, NATO đã tăng cường các phi vụ tuần tra trên bầu trời khu vực Baltic và triển khai nhiều tàu chiến tới biển Đen, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận trên biển Đen nhằm răn đe Nga.

Lực lượng tên lửa chiến lược Nga hiện được coi là mạnh nhất thế giới

Lực lượng tên lửa chiến lược Nga hiện được coi là mạnh nhất thế giới

Đáp trả lại, Moscow cũng đã triển khai nhiều máy bay chiến đấu, trong đó có tiêm kích Su-27/30, tới căn cứ không quân Belbeck ở Sevastopol, củng cố cơ sở hạ tầng và căn cứ hải quân trên bán đảo Crimea để sẵn sàng đón tiếp các tàu ngầm và tàu chiến hiện đại.

Theo các nguồn tin NATO và Ukraine, Nga cũng đã triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander tới bán đảo này.

Bổ sung thêm loại tên lửa chiến lược trên tàu hỏa hiện đại hơn

Theo Tư lệnh Karakayev, Lực lượng tên lửa chiến lược Nga sẽ thiết lập một cụm bộ 3 răn đe với 3 loại tên lửa mới gồm loại triển khai dưới hầm phóng (SILO), cơ động trên mặt đất và triển khai trên tàu hỏa, một mô hình vốn mang lại hiệu quả cao trong thời kỳ Xô Viết.

Hiện tại, Nga đang phát triển một tổ hợp tên lửa trên tàu hỏa quân sự mới mang tên “Barguzin” cho Lực lượng hạt nhân chiến lược dựa trên mô hình có từ thời Liên Xô và dự kiến sẽ hoàn thành theo đúng thời gian đã định.

Tổ hợp tên lửa triển khai trên tàu hỏa mà Nga có kế hoạch khôi phục lại dự kiến sẽ vượt trội hơn nhiều so với những tên lửa từ thời Liên Xô về độ chính xác và tầm bắn.

“Tổ hợp phóng tên lửa trên tàu hỏa Barguzin sẽ vượt trội đáng kể so với thế hệ trước đó về độ chính xác và tầm bắn, cũng như về những đặc điểm khác.

Khả năng này sẽ cho phép tổ hợp tên lửa thực hiện tốt nhiệm vụ trực chiến trong Lực lượng tên lửa chiến lược trong tương lai, ít nhất là đến năm 2040”, ông nói.

Hồi tháng 4, một viện công nghệ của Nga đã công bố một dự án R&D (nghiên cứu và phát triển) để phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động trên tàu hỏa mới, với nguyên mẫu đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Loại tên lửa này sẽ có tính năng vượt trội hệ thống tên lửa chiến lược cơ động trên tàu hỏa là RT-23 Molodets (SS-24 Scalpel).

Tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa trên tàu hỏa quân sự RT-23 Molodets (SS-24 Scalpel)

Tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa trên tàu hỏa quân sự RT-23 Molodets (SS-24 Scalpel)

RT-23 Molodets (SS-24 Scalpel) có trọng lượng quá nặng, lên tới 104 tấn và cần đến 3 đầu máy xe lửa để kéo, nên rất dễ làm hỏng đường ray.

Để khắc phục nhược điểm này, tổ hợp tên lửa cơ động mới sẽ có trọng lượng chỉ bằng một nửa so với các hệ thống tên lửa đường sắt đã loại biên của Liên Xô, giúp nó có thể chở vừa trên một toa xe lửa.

Tên lửa chiến lược tầm xa triển khai trên tàu hỏa đầu tiên được quân đội Liên Xô triển khai vào năm 1987.

Theo hiệp ước cắt giảm vũ khí START II ký với Mỹ, loại vũ khí này đã bị tháo dỡ 20 năm sau đó. Tuy nhiên, Hiệp ước START III được hai nước ký kết năm 2010 lại không cấm phát triển tên lửa đạn đạn đạo liên lục địa trên tàu hỏa.

Tiếp nhận 24 ICBM RS-24 Yars trong năm 2015

Vị tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho biết, theo kế hoạch quân sự năm 2015, lực lượng này sẽ tiếp nhận 24 hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars chỉ trong vòng 1 năm.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ thứ năm RS-24 Yars (SS-29) là một phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M, thử nghiệm thành công lần đầu vào năm 2007 và được đưa vào biên chế của SFM vào tháng 7-2010.

RS-24 có thể mang các đầu đạn hạt nhân MIRV, được thiết kế để có thể cơ động cao nhằm tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và có tầm bắn lên đến 7.500 dặm, tương đương 12.000 km.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ thứ năm RS-24 Yars (SS-29)

Tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ thứ năm RS-24 Yars (SS-29)

Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga cũng có kế hoạch đặt một số đơn vị trực thuộc trên khắp Liên bang vào trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu và trang bị cho các đơn vị này các hệ thống tên lửa đạn đạo RS-24 Yars vào năm 2015.

Tiến hành 14 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo trong năm 2015

Ông Karakayev còn cho biết thêm rằng, trong năm 2015, lực lượng tên lửa chiến lược sẽ tiến hành tổng số 14 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo để kiểm tra các mẫu vũ khí tương lai, cũng như kiểm soát khả năng sẵn sàng chiến đấu của các tổ hợp tên lửa đã được biên chế hoạt động.

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới, Nga đã tăng cường phát triển tiềm lực quân sự, trong đó có các loại vũ khí chiến lược.

Chỉ trong vòng hơn một tháng vừa qua, nước này đã tiến hành liên tiếp 4 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chiến lược.

Vụ gần đây nhất là vụ tàu ngầm hạt nhân lớp Borei Alexander Nevsky phóng thử thành một tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm Bulava, tại biển Barents hôm 28-11.

Trước đó một tháng, hôm 29-10, một quả tên lửa Bulava cũng được phóng thành công từ chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Borei khác là Yuri Dolgoruky trên biển Barents.

Hôm 1-11, Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cũng phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M từ một bệ phóng thuộc từ Trung tâm vũ trụ Plesetsk ở miền tây bắc nước này và bắn trúng mục tiêu đã định tại một thao trường ở bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông.

Các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS được trang bị tới 810 đầu đạn hạt nhân

Các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS được trang bị tới 810 đầu đạn hạt nhân

Đến ngày 5-11, Moscow lại phóng thành công một quả tên lửa đạn đạo chiến lược liên lục địa Sineva từ chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược Tula của Hạm đội Biển Bắc khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển Barents.

Ngoài ra, từ nay đến hết năm 2014, nước này cũng sẽ phóng thử 2 quả tên lửa đạn đạo nữa theo đúng kế hoạch trước đó.

Phát triển tên ICBM hạng nặng “thông minh” thế hệ mới thay thế SS-18 Satan

Đại tướng Karakayev cho rằng, Nga rất có thể sẽ phát triển một loại tên lửa chiến lược thông minh hạng nặng, sử dụng nhiên liệu lỏng thế hệ mới.

Loại tên lửa này để thay thế cho loại tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ đất liền (ICBM), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mạnh nhất thế giới SS-18 Satan trước năm 2020.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-18 Satan, được đưa vào biên chế từ năm 1975, là những tên lửa đa đầu đạn phân hướng (MIRV) do Liên Xô phát triển.

Đây là loại tên lửa được triển khai dưới các hầm chứa, có độ chính xác cao và được cho là có khả năng tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hệ thống tên lửa chiến lược mặt đất của Mỹ.

Năm ngoái, tư lệnh SFM cho rằng, quân đội Nga hy vọng sẽ phát triển thành công và chính thức biên chế loại tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu đẩy lỏng thế hệ mới vào khoảng năm 2018-2020, để thay thế cho các tên lửa Satan đã già lão trong lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava, phóng từ tàu ngầm lớp Borey
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava, phóng từ tàu ngầm lớp Borey

Với những kế hoạch này, có thể thấy cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong những năm tới vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài bất chấp những nỗ lực ngoại giao của các bên nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị này.

Với hàng loạt loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân thế hệ mới, phóng từ hầm chứa, cơ động trên đường quốc lộ, phóng từ tàu ngầm, lực lượng tên lửa chiến lược Nga tiếp tục giữ vị thế số 1 thế giới, trở thành lực lượng có khả năng răn đe hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.

Theo số liệu của Bộ quốc phòng Mỹ, Nga hiện có khoảng 8500 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 4.500 quả hiện còn trong biên chế trên tất cả các phương tiện phóng chiến lược, chiến thuật quân đội Nga, 4.000 quả còn lại đang được niêm cất nguyên vẹn trong các kho chứa.

Trong đó, Nga hiện đang triển khai 326 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM) mang 1.050 đầu đạn hạt nhân, 624 đầu đạn hạt nhân triển khai trên tàu ngầm, 810 đầu đạn triển khai trên 72 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS.

Với kho vũ khí hạt nhân khủng này, giả sử nếu Nga quyết định đánh phủ đầu hạt nhân, SFM có khả năng san phẳng toàn thế giới chỉ trong 1 cú đánh đầu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại