Huyền thoại về xe tăng “Con Báo” của người Đức (Phần 2)

Quang Minh |

(Soha.vn) - Panzer V “Panther” là loại xe tăng được đánh giá rất thành công, thiết kế cách mạng của nó ảnh hưởng nhiều đến thế hệ xe tăng chủ lực đầu tiên của phương Tây sau này.

Huyền thoại về xe tăng “Con Báo” của người Đức (Phần 1)

Không ngừng được cải tiến từ thực tiễn chiến trường

Sau khi có xe tăng mới, việc đào tạo kíp lái nhanh chóng được tiến hành song song với việc giải quyết các trục trặc kỹ thuật phát sinh. Cùng với pháo tự hành chống tăng Ferdinand, Panther và các phương tiện kỹ thuật mới khác được biên chế vào Tập đoàn quân phía Nam tham gia chiến dịch Citadel, trong đó có trận Kursk nổi tiếng.

Kết quả của việc đào tạo kíp lái vội vã và các lỗi kỹ thuật (hệ thống treo phức tạp, động cơ quá tải, nhiên liệu dễ rò rỉ gây cháy động cơ) chưa được giải quyết triệt để dẫn đến nhiều chiếc Panther bị hỏng trước và trong trận đánh. Trong ngày đầu tiên chỉ còn 40 trong 192 chiếc Panther còn hoạt động, nhiều xe tăng bị bỏ hoặc bị hủy bởi kíp lái do hỏng hóc và thiếu phương tiện cứu kéo. Theo Guderian “xe tăng Panther dễ dàng bốc cháy do hệ thống nhiên liệu hoạt động kém, kíp lái tăng thì thiếu kinh nghiệm”.

Trong 250 chiếc Panther ban đầu, chỉ còn 43 chiếc hoạt động trong tháng 10/1943, số này về sau được hoán cải thành Panzerbefehlswagen (Sd.Kfz.267), xe tăng chỉ huy với radio tăng cường. 600 chiếc Ausf D (còn gọi là D2) tiếp theo được sản xuất với động cơ HL 230 P 30 mới công suất 700 mã lực, vốn trở thành loại động cơ tiêu chuẩn cho các phiên bản Panther về sau lẫn xe tăng Tiger II và pháo tự hành chống tăng Jagdtiger. Ngoài ra ở mẫu D2 có nhiều nâng cấp như cửa nắp mới của trưởng xe, giáp hông. Trong vòng từ tháng 12/1942 đến tháng 9/1943, có 850 chiếc Panther phiên bản này được sản xuất bởi MAN, Daimler-Benz, MNH và Henschel.

Panther Ausf D

Đến tháng 8/1944, sau khi sửa chữa và cải tiến hộp số lẫn nhiều bộ phận khác, có thêm một phiên bản Panther mới tên là Ausf A ra mắt, nó nhanh chóng trở thành một mẫu xe tăng đáng gờm. Panther Ausf A có số lượng nhiều nhất trong các phiên bản Panther tham chiến tại khu vực Normandy năm 1944, khoảng 400 chiếc Panther đã bị hạ tại đây.

Panther Ausf A có tháp pháo mới, lắp thêm 1 khẩu súng máy MG34 trên nóc tháp pháo để bắn máy bay, 1 khẩu MG34 ở đầu xe và giáp hông tiêu chuẩn. Có khoảng 2.200 chiếc Panther phiên bản này được sản xuất.

Phải nói là Panther luôn không ngừng được các kỹ sư Đức cải tiến nhằm nâng cao khả năng lẫn giải quyết các trục trặc tồn đọng. Đến tháng 3/1944, phiên bản Ausf G ra mắt với độ tin cây cao hơn, đồng thời cũng có số lượng nhiều nhất trong tất cả các phiên bản Panther với 2.950 chiếc được sản xuất.

Panther Ausf G có nhiều điểm mới như kính ngắm xoay cho trưởng xe, mặt nạ pháo tăng mới được gia cố nhằm triệt tiêu điểm “chết” vốn hay bị đối phương nhắm vào, khoang động cơ có nắp che quạt mới và nhiều chỉnh sửa có giá trị khác. Tuy vậy ở bản Ausf G này vẫn có những khiếm khuyết như tháp pháo xoay chậm, mất tới 30 giây (trong khi ở T-34 là 10 giây, M4 Sherman là 15 giây) và thiếu kính tiềm vọng cho pháo thủ.

Panther Ausf A

Ngoài ra còn một phiên bản Panther nữa là Ausf F được lên kế hoạch sản xuất với giáp tốt hơn, tháp pháo mới cùng với pháo tăng loại 75 mm KwK 42/1 hoặc Skoda 75 mm KwK 44/1 L/70, ngoài ra còn có đề tài gắn pháo 75 mm KwK L/100. Tuy vậy chỉ có một mẫu thử nghiệm được sản xuất do chiến tranh thế giới lúc đó đã đi vào hồi kết với sự diệt vong của Đức quốc xã.

Tổng cộng, có khoảng 6.000 chiếc Panther với tất cả các phiên bản được sản xuất từ năm 1943 đến 1945, nhiều cho một mẫu tăng Đức nhưng không đủ để chống lại xe tăng Đồng minh có số lượng vượt trội.

Về cơ bản, kíp xe tăng Panther có 5 người với lái xe và điện đài viên ngồi trước, trưởng xe, pháo thủ và nạp đạn ngồi trong tháp pháo. Pháo chính 75 mm dài 5,8 m có giảm giật đầu nòng, bắn loại đạn Panzergranate 39/42 xuyên được 112 mm giáp nghiêng ở khoảng cách 1.000 m, về sau Panther được trang bị loại đạn Panzergranate 40/42 lõi Tungsten xuyên được tới 150 mm giáp nghiêng 300ở tầm 1.000 m, tức là dư sức hạ xe tăng hạng nặng đời mới của Liên Xô lúc đó là IS.

Hỏa lực của khẩu pháo 75 mm nòng dài này giúp cho pháo thủ Panther ngắm bắn không cần tính sai số từ cự ly 1.800 m, ở tầm xa hơn thì anh ta mới phải căn chỉnh lượng gió, góc bắn… Có điều là thời kì này chưa có hệ thống cân bằng tự động nên khi bắn muốn chính xác, Panther buộc phải dừng lại. Phiên bản Ausf G có dự trữ 82 viên đạn pháo 75 mm cùng khoảng 3.000 - 9.000 viên đạn súng máy cho 3 khẩu MG34 trên xe.

Panther Ausf G với đèn hồng ngoại, thiết kế mới của Đức

Tung hoành trên chiến trường châu Âu

Để so sánh, người Đức lấy chiếc tăng mới nhất của Liên Xô thời điểm đó (tháng 3/1944) là T-34/85IS-2: Panther ưu thế hơn T-34/85 khi đối mặt, Panther Ausf G xuyên được giáp trước T-34/85 ở khoảng cách 800 m, trong khi T-34/85 chỉ hạ được Panther ở 500 m, bắn vào hông hay đuôi thì hai loại xe này ngang nhau.

Đối với IS-2, Panther vượt trội hơn khi đối mặt nhưng yếu thế hơn khi công kích hông và đuôi xe. Tương tự, pháo chống tăng cỡ 57 mm của Liên Xô vô dụng với giáp trước Panther, trong khi pháo 76 mm phải nhắm thật chính xác vào chỗ hiểm mới hạ được chiếc tăng này.

Quân Đồng minh ở mặt trận phía Tây lần đầu tiên chạm trán Panther là vào Normandy năm 1944, giáp trước của Panther “miễn nhiễm” trước hỏa lực của quân Mỹ, Anh và Canada trong khi pháo 75 mm của Panther dễ dàng tiêu diệt xe tăng Sherman.

Panther Ausf G

Năm 1943 và 1944, Panther có thể bắn hạ mọi xe tăng địch ở khoảng cách 2.000 m, trong khi ở tầm 1.000 m kíp lái Panther khẳng định xác suất bắn trúng lên tới 90%. Theo dữ liệu của lục quân Mỹ, trung bình diệt được một chiếc Panther thì mất 5 chiếc M4 Sherman và 9 chiếc T-34.

Để bắn hạ một xe tăng Panther khi đối mặt, pháo 76 mm trên pháo chống tăng tự hành M10 hay M18 Hellcat phải nhắm đúng vào cạnh bên hoặc đằng sau tháp pháo, hoặc nhắm vào lỗ bắn súng máy đầu xe, hoặc nhắm ngay dưới mặt nạ che pháo chính” - theo báo cáo của Quân đội Mỹ tháng 9/1944.

Panther Ausf F

Ngày 13/9/1943, 7 chiếc Panther của tiểu đoàn 1, trung đoàn xe tăng SS số 2 thuộc sư đoàn SS “Das Reich” đối đầu với 70 xe tăng T-34 gần Kolomak. Trong vòng 20 phút, Panther đã tiêu diệt 28 xe tăng T-34 mà không mất một chiếc nào, hay như trong trận đánh gần Siedlce ngày 28 - 29/7/1944 của trung đoàn xe tăng SS số 5, sư đoàn SS “Viking” đã diệt 107 xe tăng (gồm T-34, M4 Sherman và Valentine” mà chỉ mất 6 chiếc (một Panzer IV và 5 Panther).

Tóm lại, Panzer V “Panther” là một loại xe tăng rất thành công, thiết kế cách mạng của nó ảnh hưởng nhiều đến thế hệ xe tăng chủ lực đầu tiên của phương Tây. Chúng tiếp tục được sử dụng sau chiến tranh ở nhiều nước như Pháp, Bulgaria, Tiệp Khắc, Hungaria. Ngoài ra Pháp còn dựa trên Panther để thiết kế xe tăng hạng nặng AMX-50, tiếc là đã không đi vào sản xuất.

Xe tăng AMX-50 của Pháp thiết kế dựa trên Panther

Xe tăng Panther được phục hồi và chạy thử vào thời điểm năm 2009

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại