Xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 được sản xuất tại Liên Xô vào giai đoạn 1961-1975 nhằm thay thế cho xe tăng T-54/55 trong quân đội Xô Viết. T-62 là một phát triển mở rộng từ T-54/55 với nhiều cải tiến về hệ thống vũ khí cũng như hệ thống điều khiển hỏa lực.
Trong quá trình sử dụng, pháo chính 100mm của xe tăng T-54/55 đã bộc lộ nhiều điểm yếu, trong đó, khả năng xuyên giáp của đạn pháo không đủ mạnh để phá giáp của các xe tăng chiến đấu chủ lực khi đó của phương Tây như M48 Patton, Centurion. Bên cạnh đó, loại đạn HEAT xuyên giáp dùng cho pháo 100mm lại khá đắt đỏ.
Các kỹ sư của nhà máy chế tạo xe tăng Uralvagonzavod đã lên kế hoạch thay thế pháo chính 100mm trên xe tăng T-54/55 bằng loại pháo 115mm. Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng, kết cấu xe tăng T-54/55 không thích hợp để trang bị pháo mới lớn hơn.
Nhóm thiết kế đã quyết định phát triển một xe tăng mới dựa trên T-54/55. Họ đã rất vất vả với thiết kế mới, phải phát triển tới 4 mẫu thử nghiệm khác nhau mới hoàn thành được thiết kế cho xe tăng mới.
Mặc dù T-54/55 là "xương sống" của lực lượng Tăng- thiết giáp nhưng T-62 mới chính là loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của Việt Nam (Trong ảnh: Xe tăng T-62)
T-62 có thiết kế và bố trí khoang lái bên trong theo quy ước của các dòng xe tăng trước đó của Liên Xô. Tuy nhiên, thân xe rộng và dài hơn so với T-54/55, cách bố trí các bánh đà cho xích có khác biệt đôi chút. Với T-54/55, khoảng cách giữa bánh đà đầu tiên xa hơn so với các bánh đà còn lại phía sau, trong khi đó, ở T-62, khoảng cách giữa 3 bánh đà phía sau xe lại rộng hơn so với phía trước mũi xe.
Điểm nổi bật của T-62 so với T-54/55 chính là hệ thống vũ khí, T-62 được trang bị pháo chính U-5T 115mm, pháo này có tên sản xuất là 2A20. Đây là loại pháo nòng trơn đầu tiên được trang bị cho xe tăng chiến đấu chủ lực. T-62 được xem là xe tăng đi tiên phong trong việc thay đổi pháo chính cho xe tăng từ nòng xoắn sang nòng trơn.
Pháo U-5T bắn đạn xuyên giáp, sử dụng thanh xuyên APFSDS có khả năng xuyên giáp tới 300mm giáp đồng nhất từ khoảng cách 1.000m. Khả năng xuyên giáp này thừa sức đánh bại giáp trang bị cho các xe tăng cùng thời của NATO lúc đó. Thậm chí đến những năm 1980, khả năng xuyên giáp của đạn pháo bắn từ pháo 115mm trên xe tăng T-62 còn đánh bại các loại xe tăng thế hệ 3 lúc đó như M60 của Mỹ, Chieftain của Anh, đây đều là những chiếc xe tăng hiện đại nhất của phương Tây lúc đó.
Pháo U-5T được trang bị một bộ phận triệt tiêu khói thuốc phóng sau khi bắn nằm ở khoảng 2/3 nòng pháo về phía trước. Bộ phận này có tác dụng ngăn chặn khói thuốc phóng thổi ngược vào khoang lái sau khi bắn. Pháo được trang bị hệ thống ổn định 2 trục, cho phép bắn trong khi đang di chuyển nhưng tốc độ bắn chậm hơn so với khi xe đứng yên.
Ngoài khả năng bắn các loại đạn pháo chống tăng, pháo chính U-5T còn được sử dụng để phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo, một tính năng nâng cao sức mạnh hỏa lực mà T-54/55 không có được. T-62 còn được trang bị súng máy đồng trục 7,62mm, đại liên phòng không 12,7mm.
T-62 sử dụng hệ thống quan sát tương tự như trên T-54/55, tuy nhiên, pháo thủ được trang bị thêm hệ thống quan sát TSh-2B-41, có khả năng phóng đại từ 4-7 lần. Biến thể nâng cấp T-62M được trang bị thêm thiết bị TShSM-41U, kết hợp với máy đo xa laser sử dụng cho cả ngày lẫn đêm.
Thiết bị này được sử dụng để ngắm bắn cho pháo chính hoặc để điều khiển tên lửa chống tăng dẫn bằng laser bán chủ động 9M117, tuy nhiên, nó không thể sử dụng cả hai chức năng cùng lúc. So với T-54/55 thì sức chiến đấu của T-62 còn khá mạnh. Mặt khác, nó được trang bị pháo nòng trơn nên việc nâng cấp để sử dụng tên lửa chống tăng khá đơn giản. Việc trang bị đi kèm tên lửa chống tăng sẽ cho phép T-62 tiêu diệt những xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.
Xe tăng hiện đại nhất Việt Nam
Một chi tiết khá thú vị là hợp đồng mua T-62 chính là hợp đồng mua xe tăng chiến đấu chủ lực dạng thương mại đầu tiên và cũng là duy nhất của Việt Nam kể từ khi giải phóng miền Nam cho đến nay. Đầu năm 1978, Việt Nam đã đặt hàng 200 xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 từ Liên Xô, quá trình giao hàng được thực hiện trong giai đoạn giữa năm 1978-1979.
Phần lớn T-62 xuất khẩu cho Việt Nam được sản xuất tại Tiệp Khắc (CH Séc ngày nay), một phần được lấy từ các xe tăng T-62 trong biên chế quân đội Liên Xô. Theo các nguồn tin không chính thức, tính đến năm 2009, có khoảng 220 chiếc T-62 đang phục vụ trong biên chế binh chủng Tăng-thiết giáp, quân đội nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, T-62 là xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất cùng với T-54/55 tạo nên "xương sống" của lực lượng tăng - thiết giáp Việt Nam. Thông tin về T-62 tại Việt Nam khá ít ỏi, không rõ loại xe tăng này đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn mới hay chưa. Thông tin về quá trình nâng cấp xe tăng tại Việt Nam đang đổ dồn vào gói nâng cấp T-54B lên chuẩn T-55M3, còn T-62 thì không thấy nhắc đến.
T-62 cũng ít thấy trong các hoạt động diễn tập quân sự hàng năm. Có thể T-62 sẽ được sử dụng như một loại xe tăng chiến đấu chủ lực dự trữ chiến lược, trong khi T-54/55 sẽ là lực lượng tác chiến tiên phong.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!