Hồi kết thương vụ HQ-9 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc

Ngọc Hòa |

Hôm 15/11, Thổ Nhĩ Kỳ vừa có câu trả lời cuối cùng, chấm dứt hy vọng mong manh của Trung Quốc trong thương vụ tên lửa HQ-9.

Hãng Reuters dẫn nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đã đưa ra quyết định cuối cùng cho số phận của thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD với Trung Quốc để mua hệ thống phòng không HQ-9.

“Thỏa thuận này đã bị hủy bỏ. Một trong những lý do đó là chúng tôi sẽ tự triển khai dự án tên lửa của chính chúng tôi", Reuters dẫn lời quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc hồi năm 2013 về việc cung cấp cho Ankara các tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 theo bản hợp đồng có trị giá trên 3 tỷ USD.


Hệ thống phòng không FD-2000 - phiên bản xuất khẩu của HQ-9.

Hệ thống phòng không FD-2000 - phiên bản xuất khẩu của HQ-9.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra lý do cho quyết định cuối cùng của mình về thương vụ HQ-9 với Trung Quốc rằng Ankara gặp khó trong quá trình đàm phán với phía Trung Quốc, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ và các vấn đề hợp tác sản xuất.

Tuy nhiên, khi theo sát thương vụ HQ-9 này có thể thấy, lý do trên không phải là nguyên nhân chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ này.

Cụ thể, ngay sau khi Ankara đưa ra tuyên bố mua tên lửa HQ-9, Quốc hội Mỹ đã tuyên bố thông qua luật cấm Thổ Nhĩ Kỳ dùng tiền Mỹ mua tên lửa Trung Quốc.

Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tiền của Mỹ để mua hệ thống tên lửa trị giá trên 3 tỉ USD từ một công ty Trung Quốc bị Washington liệt vào danh sách đen.

Dự luật cấp phép quốc phòng thường niên của Mỹ, được Hạ viện thông qua, bao gồm một điều khoản cấm sử dụng “kinh phí để tích hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”.

Không chỉ được Mỹ cấp kinh phí trong việc mua sắm quốc phòng, hiện nay khoảng 40% số tiền Thổ Nhĩ Kỳ dùng để xây dựng hệ thống phòng không là kinh phí do NATO cấp.

Ngoài những sức ép về kinh phí, NATO còn có thừa khả năng cô lập hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này mua hệ thống HQ-9.

“NATO có đủ khả năng kỹ thuật để cô lập kiến trúc hệ thống phòng không/phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ, tước quyền hội nhập những thông tin có liên quan của Ankara”, một quan chức NATO nói.

Để chống lại các mối đe dọa bằng tên lửa, Thổ Nhĩ Kỳ rất cần những thông tin từ các hệ thống vệ tinh và trên mặt đất để phát hiện tên lửa đạn đạo, bao gồm cả radar của NATO, mà năm 2014 đã được bố trí ở Kuresike (đông nam đất nước này).

Trước sức ép từ nhiều phía, thì việc Ankara quyết định từ bỏ thương vụ HQ-9 với Trung Quốc để tìm mua hệ thống phòng không từ một nguồn khác do Mỹ hoặc châu Âu sản xuất không phải vấn đề gây bất ngờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại