Phòng thủ 6 lớp
Ngày 9/12, tờ Bưu điện Jerusalem dẫn lời các nguồn tin quân sự cao cấp, cho biết học thuyết này gồm 6 lớp phòng thủ, do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hậu phương và bộ tham mưu quân đội, soạn thảo nhằm đối phó tốt hơn với các mối đe dọa về rocket và tên lửa trong thời chiến.
Hai lớp đầu tiên là răn đe và ngoại giao, những công cụ có thể được sử dụng để "xây dựng liên minh và làm tan rã kẻ thù" mà không cần sử dụng vũ lực, tờ Bưu điện Jerusalem dẫn lời một nguồn tin cho biết.
Trong trường hợp hai lớp đầu tiên không ngăn chặn được xung đột, thì học thuyết kêu gọi tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu quyết định vào các lực lượng đang tìm cách gây tổn hại cho hậu phương Israel, trong đó những mối đe dọa. Rocket, tên lửa và bất kỳ lực lượng nào phóng chúng, đều được xác định và tiêu diệt trước khi tên lửa có thể được phóng vào các trung tâm dân cư của Israel.
Đồng thời, các hệ thống phòng không của Israel, hiện gồm hệ thống phòng không chống rocket và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Arrow 2, sẽ được kích hoạt. Đây là lớp thứ 3 và thứ 4 của học thuyết, được gọi là phòng thủ chủ động.
Lớp thứ 5 là phòng thủ thụ động, như là còi báo động không kích và triển khai hầm tránh bom, và lớp thứ 6 tập trung vào tiến hành các hoạt động dân sự trong thời chiến, tờ báo cho biết.
Vì sao Israel cần tới 6 lớp phòng thủ?
Học thuyết mới này được công bố vào thời điểm khi mà các quan chức Israel đang ngày càng quan ngại về kho rocket và tên lửa ngày càng lớn của các nước láng giềng, có thể được sử dụng để tấn công vào các trung tâm đô thị đông dân cư trong một cuộc xung đột trong tương lai.
Thực tế, việc đưa ra học thuyết phòng thủ 6 lớp chỉ là cụ thể hóa những gì quốc gia này đã làm trong nhiều năm qua.
Tiêu biểu như việc “xây dựng liên minh và làm tan rã kẻ thù” – lớp thứ nhất và thứ hai trong học thuyết, Israel đã áp dụng triệt để trong việc thiết lập những mối quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh, thậm chí là xa hơn với Mỹ, đồng thời sử dụng ngoại giao cứng rắn để o ép những quốc gia có nguy cơ xung đột, tiêu biểu trong vấn đề Iran, Syria…
Đồng thời, lớp phòng vệ thứ 3 mang tính chất tiên hạ thủ vi cường cũng từng được Israel áp dụng trong một số trường hợp, như liều lĩnh không kích vào những kho tên lửa, vũ khí của Syria hồi tháng 5/2013, tháng 7/2013… Israel cũng được đánh giá là quốc gia có khả năng phòng thủ tên lửa tốt nhất khu vực Trung Đông.
Israel đang ngày càng phải đối mặt với những thách thức khiến họ phải tự lực cánh sinh và khó có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của một quốc gia thứ ba. Cụ thể, dù có tiếng nói chung trong vấn đề Syria với các đồng minh Ả Rập, tuy nhiên, nút thắt tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Palestine đã khiến quốc gia Do Thái ngày càng bị ghét bỏ trong liên minh Ả Rập.
Ngoài ra, vấn đề căng thẳng với Iran, đặc biệt là chương trình hạt nhân của nước này cũng gây nên một làn sóng đối kháng giữa Israel với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông. Trong bối cảnh Iran và Mỹ đang có những động thái đấu dịu, thì việc Israel ra sức ngăn cản thành tựu của "cuộc đàm phán thế kỷ" càng khiến cho hình ảnh của quốc gia này trở nên xấu xí.
Tuy nhiên, điều ảnh hưởng sống còn với Israel trong thời điểm này, đó là sự đổi nếp nghĩ của người Mỹ. Trước đây, khi Mỹ gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, Israel trở thành quốc gia đại diện cho một nước Mỹ thu nhỏ tại khu vực.
Nhưng trong bối cảnh hiện tại, nước Mỹ đang chuyển sự quan tâm tới châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông trở thành thứ yếu, những vấn đề tồn tại giữa Mỹ - Trung Đông đã được quốc gia này giải quyết một cách mềm dẻo trước khi rút đi. Còn những mâu thuẫn Mỹ để lại, Israel bỗng dưng phải gánh chịu. Hệ quả từ cơn giận nước Mỹ của Trung Đông sẽ nhanh chóng được trút sang quốc gia Do Thái này.
Việc đưa ra kế sách 6 lớp phòng thủ, cũng chỉ nhằm cảnh báo rằng Israel đang trong cảnh phải tự lực cánh sinh, cũng như Mỹ đang mải miết ở Thái Bình Dương mà nước xa thì khó cứu lửa gần.