Mi-171 là dòng trực thăng đa năng, ngoài chức năng vận tải, khi cần thiết nó còn có thể mang theo bom, rocket, pod súng máy gắn ngoài hoặc tên lửa chống tăng. Tuy nhiên, Quân đội Iran còn muốn nhiều hơn thế khi mới đây họ đã trang bị cả tên lửa chống hạm cho chiếc phi cơ này.
Chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1989, C-802 được đánh giá là một dòng tên lửa chống hạm khá lợi hại khi có diện tích phản xạ radar thấp, bay hành trình gần sát mặt biển, khiến các loại radar trên tàu chiến đối phương rất khó phát hiện.
C-802 có chiều dài 6,392 m; đường kính 36 cm; sải cánh 1,22 m; tầm bắn 120 km (lên tới 180 km với phiên bản C-802A); vận tốc Mach 0,9; mang theo đầu đạn loại giữ chậm bán xuyên giáp có trọng lượng 165 kg nhằm tận dụng động năng để tên lửa xuyên sâu vào bên trong thân tàu mới phát nổ.
Với trọng lượng 715 kg của tên lửa chống hạm C-802/Noor, Mi-171 có thể mang tối đa 2 quả trên các giá treo bên hông, do tải trọng lớn nhất của vũ khí treo ngoài mà loại trực thăng này được phép mang là 1.500 kg.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ tên lửa chống hạm khi bắn đi từ trực thăng Mi-171 sẽ được dẫn đường bằng phương thức nào? Có thể Iran đã lắp cho Mi-171 một radar dẫn bắn trong chóp mũi, nhưng cũng có thể tên lửa phải được chỉ thị mục tiêu từ một phương tiện khác.
Mặc dù còn có điều băn khoăn, những không thể phủ nhận rằng đây là một cách làm đầy tính sáng tạo của Quân đội Iran, rất đáng để Việt Nam học hỏi, tham khảo, khi mà hiện nay chúng ta mới chỉ có 8 chiếc Ka-28 nhưng lại được tối ưu hóa cho nhiệm vụ săn ngầm.
Nếu tích hợp được tên lửa KCT 15 nội địa lên một vài chiếc Mi-171, chưa nói đến việc tác chiến xa, chắc chắn năng lực phòng thủ bờ biển của Việt Nam sẽ mạnh lên đáng kể.