Học ngoại ngữ để làm chủ vũ khí, khí tài

Nguyễn Chí Hòa |

Bên cạnh vũ khí trang bị kỹ thuật truyền thống, trong những năm qua, Sư đoàn 361 cùng với một số đơn vị khác trong Quân chủng Phòng không-Không quân được đầu tư nhiều loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại, trong đó phần nhiều là vũ khí trang bị kỹ thuật nhập từ Liên bang Nga và một số nước thuộc Liên Xô (trước đây).

Để vận hành, khai thác, sử dụng và làm chủ khí tài, trước hết phải nắm vững ngoại ngữ mà chủ yếu là tiếng Nga. Chính vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 361 đã xác định nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài.

Ấn tượng nhất đối với chúng tôi khi đến thăm Trung đoàn 64, đơn vị được trang bị khí tài tên lửa S-300 PMU1 hiện đại, những sĩ quan trẻ của Phân đội Điều khiển vô tuyến đang thao tác trên đài điều khiển rất thuần thục, các ký hiệu, thông số bằng tiếng Nga trên khí tài được họ đọc khá trôi chảy.

“Phần lớn khí tài của đơn vị đều sử dụng bằng tiếng Nga, vậy có ảnh gì lớn trong quá trình vận hành khí tài không?”-Tôi hỏi Thượng tá Bùi Đức Hiền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64.

Không đắn đo, Thượng tá Bùi Đức Hiền trả lời ngay: “Tiếp nhận khí tài mới, chúng tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng vì trình độ tiếng Nga của cán bộ, kỹ thuật viên trong đơn vị còn hạn chế.

Nhưng đến nay vấn đề ấy không còn đáng ngại nữa vì trình độ tiếng Nga của cán bộ, kỹ thuật viên đã được nâng lên rõ rệt, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình khai thác, làm chủ khí tài.

Gần 1/3 số cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp đã được tập huấn ở nước bạn và hằng năm, đơn vị cử sĩ quan trẻ đi bồi dưỡng tiếng Nga ở Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Đây là cơ sở để đơn vị tổ chức huấn luyện đạt hiệu quả và thuần thục”.

Còn Đại úy Nguyễn Thanh Nguyện, Trạm trưởng Trạm Hiện hình luyện tập, Phân đội Điều khiển vô tuyến, Trung đoàn 64 tâm sự: “Ngày mới về đơn vị công tác, thú thực tôi cũng hơi lo lắng vì đây là khí tài mới chưa được học kỹ ở trường.

Sau khi trung đoàn tạo điều kiện cho tôi được đi bồi dưỡng tiếng Nga ở Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, cộng thêm quá trình tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ ngoại ngữ nên đến thời điểm này tuy chưa thật “đọc thông viết thạo”, nhưng sau những lần làm việc cùng chuyên gia Nga sang kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ vũ khí trang bị tại đơn vị, tôi đã nắm tương đối vững các ký hiệu, thông số bằng tiếng Nga trên khí tài”.

Được biết, tại các phân đội tên lửa S-300 PMU1 của Trung đoàn 64, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã chủ động phát động tinh thần tự học, tự nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, những đồng chí có trình độ tiếng Nga tốt tiến hành bồi dưỡng cho các đồng chí yếu hơn.

Thượng úy Đặng Xuân Hùng, Phó trạm trưởng Trạm Trắc địa, Phân đội Điều khiển vô tuyến, một trong những quân nhân có trình độ tiếng Nga khá tốt của đơn vị là ví dụ điển hình.

Trong túi của anh lúc nào cũng có cuốn sổ nhỏ ghi tỉ mỉ về tính năng kỹ chiến thuật của khí tài bằng tiếng Nga và cả phần dịch sang tiếng Việt, để mỗi khi thao tác trên khí tài nếu ký hiệu không nhớ là có thể tra cứu kịp thời.

Thượng úy Đặng Xuân Hùng chia sẻ:

“Để học tiếng Nga tốt, tôi thường ghi chép nhiều, đọc nhiều, nhưng cốt lõi vẫn phải có lòng đam mê và tính tự giác. Hằng ngày, tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau giờ huấn luyện, chúng tôi trao đổi, giúp đỡ nhau để nâng cao trình độ tiếng Nga”.

Còn Thiếu úy Nguyễn Quang Đương, Ban Kỹ thuật Trung đoàn 250, hiện đang tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Nga tại Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga tâm sự:

“Ở trường chúng tôi cũng chỉ mới học đại cương về tiếng Nga. Về công tác tại đơn vị được cấp trên tạo điều kiện cho đi học tiếng Nga, nhưng chủ yếu chỉ học phần ngữ pháp, từ vựng, giao tiếp cơ bản.

Chính vì vậy, chúng tôi xác định là phải tự học, tự nghiên cứu nâng cao hiểu biết và trình độ tiếng Nga, đặc biệt là phải tập trung chuyên sâu hơn về các thuật ngữ quân sự”.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và khoa học quân sự nói riêng đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự.

Nên việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp là việc làm cần thiết của các cơ quan, đơn vị, nhất là các quân, binh chủng kỹ thuật.

Vì vậy, các nhà trường quân đội cần tăng cường và chú trọng hơn nữa việc giảng dạy ngoại ngữ cho học viên; các đơn vị bằng phương pháp, cách làm sáng tạo, chủ động bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên nhằm góp phần vào việc nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm trong tình hình mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại