Xã luận tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 24/12 viết, ngày 22/12 Nhật Bản đã điều động 8 chiếc chiến đấu cơ F-15 ngăn chặn và xua đuổi chiếc máy bay Y-12 thuộc Hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản mà theo tờ báo này gọi là "tuần tra lãnh hải", Thời báo Hoàn Cầu đe dọa, một khi Nhật Bản khiến máy bay Hải giám rơi xuống biển, Trung Quốc sẽ phải báo thù tương ứng.
Thời báo Hoàn Cầu tỏ ra cay cú khi nhắc tới người ông Shinzo Abe, người sẽ trở lại ghế Thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi đã tuyên bố sẽ phái công chức tới thường trú tại Senkaku, đồng thời cử đặc sứ sang Trung Quốc và các nước để nói rõ lập trường của mình, theo tờ báo này, tính "diều hâu" của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn không có gì thay đổi, mâu thuẫn và căng thẳng Trung - Nhật cũng sẽ vì thế mà ngày càng gia tăng.
Ngày càng nhiều người Trung Quốc đang đặt câu hỏi, liệu có khả năng xảy ra chiến tranh Trung - Nhật trong thời diểm hiện nay hay không.
Thậm chí một số học giả nghiên cứu chiến lược nghiêm túc của Trung Quốc, theo Hoàn Cầu, cũng đã bắt đầu tự đặt ra những câu hỏi tương tự.
Tờ báo cho rằng, mặc dù đại đa số các học giả đều nhận định rằng, hiện tại cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không muốn chiến tranh, nhưng Senkaku dường như đang ngày càng tiến lại gần một cuộc chiến thực sự tranh giành lãnh thổ.
Một khi nổ ra chiến tranh, quả bom chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ phát nổ ở cả hai nước khiến cho cục diện Đông Á không ai có thể nói trước sẽ đi đâu về đâu.
Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, giới chức Bắc Kinh cần chuẩn bị tốt phương án đối phó với hiệu ứng domino nếu xảy ra chiến tranh ngoài Senkaku bởi dân Trung Quốc hiện tại "hiểu về tiềm lực quân sự quốc gia" còn rất yếu và tâm lý coi thường, khinh miệt Nhật Bản đang ngày càng lan rộng.
Thời báo Hoàn Cầu đặt giả thiết, một ngày nào đó khi máy bay công vụ (Hải giám) Trung Quốc đang hoạt động ngoài Senkaku mà họ gọi là đảo Điếu Ngư mà bị rơi vì phải đối đầu với chiến đấu cơ Nhật Bản, thì dư luận Trung Quốc chắc chắn sẽ không chịu nổi cú sốc này.
Bài báo cho rằng, những người dân Trung Quốc lúc đó sẽ gây áp lực buộc giới chức Bắc Kinh phải hành động, phải báo thù. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, việc để cho Nhật Bản "làm mưa làm gió" ngoài Senkaku không chỉ đơn thuần là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tờ báo này kích động thành vấn đề danh dự và lòng tự tôn của dân Trung Quốc.
Hoàn Cầu cho rằng, trong bối cảnh đó, nếu giới chức Trung Quốc mà rút lui sẽ bị cả thiên hạ chê cười, nếu tiến lên thì không thể tránh khỏi nổ ra một cuộc xung đột sứt đầu mẻ trán với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Vì vậy, giải pháp mà tác giả bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu đưa ra là Trung Quốc buộc phải thiết lập một nguyên tắc đối đẳng, ăn miếng trả miếng với Nhật Bản.
Nếu Nhật Bản "làm rơi" 1 chiếc máy bay của Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng sẽ "báo thù tương ứng", bắn rơi một chiếc máy bay của Nhật Bản.
Thậm chí Thời báo Hoàn Cầu còn cho rằng Trung Quốc nên công khai nói rõ nguyên tắc ăn miếng trả miếng này với Nhật Bản và Mỹ, họ sẽ bị "trừng phạt" như thế nào nếu tiếp tục "làm căng" với Trung Quốc ngoài nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.
Bài xã luận sặc mùi kích động trên Thời báo Hoàn Cầu còn kêu gọi giới chức Trung Quốc nên công bố nguyên tắc ăn miếng trả miếng cho dư luận người dân nước này biết để cổ súy cho cái gọi là "quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ" của người dân để họ ủng hộ và phối hợp với chính phủ.