Trong giới phi công, những anh hùng có thành tích hạ gục được trên 5 đối thủ trên không sẽ được vinh danh bằng danh hiệu “Ace”
John Lucian Smith là một trong số các chỉ huy cấp cao của Bộ chỉ huy không quân Thủy quân Lục chiến Mỹ (USMC). Ông được đánh giá là phi công Mỹ xuất sắc nhất của khối đồng minh trong Chiến tranh thế giới II. Trong cuộc chiến tại Solomon, ông đã từng đối đầu với nhiều huyền thoại khác đến từ Không quân hải quân Nhật (JNAF) như Hiroyoshi Nishizama, Saburo Sakai hay Sasai và giành được nhiều chiến thắng nhất trên mặt trận Solomon. Đặc biệt, vào ngày 30-8-1942, ông đã một mình bắn hạ đến 4 chiếc Zero ngay trên bầu trởi Guadalcanal trong cuộc phòng thủ sân bay chiến lược tại Guadalcanal Henderson Field còn được biết đến với cái tên Cactus.
John Lucian Smith sinh ngày 26-12-1914 trong một gia đình công chức tại Lexington, bang Oklahoma. Cha ông là một viên chức làm việc tại một tòa thị chính trong thành phố, còn mẹ của ông làm việc tại một nông trang lớn. Lúc còn bé, John được mẹ đưa đến nông trang nơi mẹ ông làm việc, tại đây, ông tỏ ra rất thích thú với các máy bay nông nghiệp Snow S-1 bay lượn trên bầu trời. Ông còn được một trong số ít những phi công của nông trang Lexington là Sanderson thường xuyên dạy các kỹ năng bay và các loại máy bay.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông theo học khoa kỹ sư cơ khí tại Trường Đại học Oklahoma, đồng thời tham gia thi tuyển vào Học viện Quân sự Mỹ tại Lexington trực thuộc Lục quân Mỹ. John tốt nghiệp với bằng Kỹ sư đại học Oklahoma và Học viện Quân sự Mỹ với quân hàm Thiếu úy.
Một thời gian sau, ông được luân chuyển đến Lực lượng pháo binh Thủy quân lục chiến Mỹ tại Oklahoma nhưng chỉ phục vụ được vài tháng thì John tiếp tục được điều chuyển đến đến căn cứ Quantico Virgina, Washington D.C.
Năm 1937, John nộp đơn tham gia khóa học đào tạo phi công của USMC và được chấp thuận. Sau đó, ông được đưa đến căn cứ không quân USMC Pensacola. Tại đây, ông đã gặp gỡ người đồng đội về sau của mình là Marion Eugene Carl, cả 2 đã trở thành bạn thân của nhau. Marion lúc này đã là một huấn luyện bay, tuy nhiên, vẫn phải học thêm một số kỹ thuật bay khác và ông được xếp ở cùng với John.
Marion và John từng bị khiển trách 4 lần vì những kỹ thuật bay quá nguy hiểm trên không, nhiều lần cả 2 đã bị phạt hàng tháng trời vì đã trình diễn những kỹ thuật bay mạo hiểm và ảnh hưởng đến sự an nguy của căn cứ. Sau một năm, John tốt nghiệp và được điều chuyển đến Phi đội VMF-223, Marion thì được chuyển đến Phi đội VMF-221 và tham gia cuộc chiến tại Midway.
Tháng 8-1942, John và phi đội VMF-223 của ông được đưa đến mặt trận Solomon tại Thái Bình Dương, trong cuộc chiến tại Guadalcanal. Trong thời gian nay, John đã gặp lại Marion và cả 2 đã làm nên những huyền thoại của phi đội VMF-223 với nhưng chiếc máy bay tiêm kích F6F “HellCat”. Từ ngày 23-8-1942 cho đến ngày 30-8-1942, ông đã hạ gục được đến 9 chiếc máy bay của JNAF, trong đó, có đến 5 chiếc Zero và 4 chiếc G4M. Đặc biệt, ông đã hạ được 4 chiếc Zero vào ngày 30-8-1942 khi đối đầu trên không.
Sáng ngày 30-8-1982, John chỉ huy phi đội VMF-223 tham gia hộ tống các máy bay oanh tạc cơ của Mỹ tấn công đảo Guadalcanal. Lúc 10h sáng, John điều khiển chiếc F6F đang bay hộ tống sau các oanh tạc cơ thì một phi đội của JNAF tấn công vào đội bay của ông. Nhận thấy tình hình nguy hiểm, John đã chỉ huy đội bay của mình bảo vệ các chiếc oanh tạc cơ, còn ông cùng một số đồng đội đánh lạc hướng những chiếc Zero của địch.
Chiếc F6F của John bị 2 chiếc Zero khác theo đuôi và bắn rất gắt phía sau, John rất thông minh liền bay lên cao và nhanh chóng lẩn trốn vào các đám mây. Chớp thời cơ hai chiếc Zero bị mình cắt đuôi đang mất phương hướng, John nhanh chóng bay vòng ra phía xa và bắn hạ 2 chiếc máy bay trong tích tắc. Sau đó, hai chiếc Zero khác bị John lừa bay vào trong một hẻm núi. Ông nhanh như cắt sử dụng kỹ thuật bay Angel 360 và ngay lập tức hạ được chúng nhanh chóng. Sau chiến tích này của mình, ông đã được các phi công Nhật gọi với cái tên “Hiệp sĩ bầu trời” nhờ khả năng điều khiển chiếc F6F cực kỳ nhanh và điêu luyện. Mỗi khi nghe tiếng động cơ của chiếc F6F, các máy bay Zero liền chột dạ bởi 2 huyền thoại của Mỹ là Marion và John đều sử dụng chiếc F6F.
Sau khi chiếm được quần đảo Solomon và đẩy lui được quân Nhật, ông được gọi về Washington D.C và gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Ông đã được Tổng thống Mỹ trao tặng huân chương danh dự cao quý. Với 19 chiến thắng tại Solomon và dưới sự chỉ huy của ông, phi đội VMF-223 đã có 83 chiến tích trước các đối thủ của Nhật.
Một thời gian ngắn sau, trong chiến dịch đánh chiếm Bismarck Archipelago, ông giữ vai trò là cố vấn cho Tư lệnh mặt trận và giúp đỡ các công tác không chiến trên không. Tháng 6-1945, sau khi kết thúc chiến tranh thế giới II, ông được điều chuyển và trở thành chỉ huy trưởng của căn cứ không quân Jacksonville, bang Florida cho đến tháng 12-1945.
Trong chiến tranh Triều Tiên, John được điều tới Hàn Quốc vào năm 1951 với vị trí Tham mưu trưởng không quân Thủy quân lục chiến Mỹ và thực hiện nghĩa vụ hòa bình tại Triều Tiên. Ngày 1-9-1960, John Lucian Smith nghỉ hưu và trở về Encino, bang California sống đến cuối đời. Ông mất ngày 10-6-1972 sau 3 năm bị căn bệnh ung thư phổi hành hạ. Ông được an táng với nghi thức của một sĩ quan cao cấp của Thủy quân Lục chiến Mỹ.
Xem thêm:
Phần 1: 'Bông hồng Xô Viết' khiến phi công Đức kinh hãi
Phần 2: Kết cục bi thảm của một phi công huyền thoại
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!