Hệ thống tên lửa đặt trong container mới của Nga với tên gọi Klub-K đang thu hút sự quan tâm lớn của các chuyên gia quân sự Mỹ và NATO bởi nó được đánh giá là rất khó bị phát hiện và đánh chặn. Thậm chí, kênh truyền hình Russia Today từng dẫn lời các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định rằng Klub-K có khả năng thay đổi cán cân quân sự thế giới.
Hệ thống tên lửa Klub-K
Hệ thống này cũng đã được Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport chào hàng tới nhiều nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Gần đây nhất, Malaysia đã tỏ ý quan tâm và cho biết sẵn sàng đặt mua biến thể tên lửa phỏng thủ bờ biển di động Klub-M cho lực lượng bảo vệ bờ biển nước này.
Điểm đáng chú ý nhất của hệ thống tên lửa Klub-K là nó có thể được ngụy trang dưới hình thức các container hàng hóa rồi đặt lên các tàu vận tải bình thường, bí mật di chuyển đến vị trí tác chiến và thực hiện một đòn tấn công bất ngờ từ cự ly xa tới 300km nhằm vào đối phương, đó sẽ là một “cú voley” không thể cản phá. Thoạt nhìn qua, đây có thể coi là một kịch bản hoàn hảo, tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào vấn đề thì có thể thấy kế hoạch này không phải không có những điểm bất cập cần được xem xét.
Trước hết, đối phương sẽ đặt vấn đề là tại sao trong vùng biển đang có chiến sự lại có một chiếc tàu chở container dám ung dung đi vào, đó khó có thể là một chiếc tàu hàng đơn thuần mà khả năng lớn là một tàu quân sự ngụy trang. Một ví dụ điển hình cho giả thiết này là trong cuộc hải chiến Malvinat 1982, tàu Atlantic Conveyor của Anh được hoán cải từ tàu container để chở máy bay Harrier đã bị đánh chìm bởi tên lửa Exocet của Argentina.
Hơn nữa, nếu chỉ đơn thuần đặt tên lửa vào container rồi chất lên tàu hàng thì do tàu không có radar nên hệ thống Klub-K sẽ không thể tác chiến một cách độc lập mà phải được chỉ thị mục tiêu từ một nguồn khác (có thể là từ máy bay), điều này càng làm cho nó dễ bị lộ diện.
Tàu Atlantic Conveyor sau khi bị trúng tên lửa Exocet
Ngoài ra, nếu đặt giả thiết là sẽ có một cuộc tập kích thành công bằng chiến thuật này thì lợi ích thu lại liệu có bù đắp được những hậu quả mà nó gây ra không, khi mà đối phương chắc chắn sẽ lợi dụng việc bị tấn công bất ngờ bằng tàu dân sự ngụy trang để tiến hành một cuộc tấn công trả đũa bừa bãi trên diện rộng.
Còn nếu như Klub-K được ngụy trang dưới dạng những container bình thường đang nằm trong bãi chờ xếp dỡ thì lại tự đánh mất đi ưu thế di động vốn được xem là thế mạnh của tên lửa phòng thủ bờ biển. Đối phương sẽ có thể đưa ra các phương án đối phó dễ dàng hơn nhiều so với việc phải đối đầu với những hệ thống tên lửa di động, và cũng tương tự như trường hợp trên, kẻ địch chắn chắn sẽ nắm phần lý nhiều hơn khi tiến hành các hoạt động trả đũa nhằm vào mục tiêu dân sự dưới lý do tin tình báo phát hiện đó là cơ sở quân sự ngụy trang.
Nếu không có phương án hợp lý cho những vấn đề trên, việc trang bị hệ thống tên lửa Klub-K có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đó cũng có thể là một trong rất nhiều lý do khiến Malaysia bày tỏ sự quan tâm đến phiên bản Klub-M thay vì Klub-K. Đối với Việt Nam, nếu có ý định nâng cấp lực lượng tên lửa bờ, có lẽ việc đầu tư cho kế hoạch sản xuất Kh-35UV hoặc mua bổ sung thêm các hệ thống Bastion sẽ là những lựa chọn phù hợp hơn?
Video giới thiệu tính năng tên lửa Klub-K