Có thể nhận định rằng với mối quan hệ gần gũi và truyền thống từ nhiều năm qua, Lục quân Việt Nam vẫn sẽ lựa chọn chủ yếu vũ khí Nga cho quá trình nâng cấp.
Tuy nhiên cơ hội lớn hơn lại mở ra cho những đối tác khác ở một số chủng loại sau đây:
Xe thiết giáp chở quân bánh lốp
Xe thiết giáp chở quân Piranha IIIC
Vào năm 2015, Tổng cục Kỹ thuật đã có đánh giá sơ bộ về một số dòng xe bọc thép lội nước như Piranha IIIC, LAV- A2, Terrex, AV-8 DEFTECH, SUPERAV 8x8, VBTP-MR, BTR-90/BMD-3 và BMP-3, ZBD-2000.
Mục đích của việc làm này là để dự báo nhu cầu thay thế số xe thiết giáp lạc hậu của Việt Nam, cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Bản phân tích trên đã được Trường Sĩ quan Lục quân 1 thông tin rộng rãi.
Trong đó, Piranha IIIC do hãng MOWAG GmbH (Thụy Sĩ) chế tạo nổi lên như một ứng viên sáng giá để thay thế các dòng thiết giáp bánh hơi đã cũ của Việt Nam.
Piranha có thiết kế module, khối động lực nằm phía trước, thể tích sử dụng hữu ích lớn ở phía sau để bố trí các ụ súng, chở quân và hàng hóa; cơ cấu lái đặt ở giữa. Đặc biệt việc binh lính ra vào xe bằng cửa đuôi chính là điểm Piranha "ăn đứt" BTR-80/82 của Nga.
Chiếc thiết giáp này có tính việt dã tốt trên mọi địa hình nhờ hệ treo độc lập, 2 trục chân vịt để đẩy dưới nước, vận tốc tối đa lên tới 100 km/h trên đường nhựa hoặc 10 km/h khi bơi. Xe còn có thiết bị dập lửa tự động và khả năng phòng chống vũ khí xạ-sinh-hóa (NBC).
Vũ khí của Piranha IIIC gồm pháo 25 mm M242 với thiết bị ngắm ảnh nhiệt, cơ số đạn 240 viên và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm M240 với 400 viên đạn cùng 8 ống phóng lựu khói. Xe có thể bắn khi đang chạy hoặc đang bơi, tiêu diệt các mục tiêu mềm hoặc bọc thép.
Với những tính năng ưu việt của mình, họ xe Piranha là lựa chọn tốt để thay thế cho các dòng xe bọc thép bánh hơi thế hệ cũ như BTR-152 và BTR-60PB của Việt Nam.
Pháo tự hành bánh xích
Pháo tự hành K9 Thunder bên cạnh xe tiếp đạn K10
Đầu năm 2015, công ty Nexter của Cộng hòa Pháp thông báo họ sẽ cung cấp cho Việt Nam loại pháo tự hành bánh lốp CAESAR cỡ nòng 155 mm.
Điều này cho thấy chúng ta đã đi theo xu thế chung của thế giới, đó là chuẩn hóa cỡ nòng trọng pháo về 155 mm thay vì 152 mm theo hệ Nga.
Sau lựu pháo CAESAR, đã có ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ còn mua thêm một lượng nhỏ pháo tự hành bánh xích với tính năng chiến đấu cao hơn để làm chủ lực, và K9 Thunder do Samsung Techwin của Hàn Quốc sản xuất đang được xem là ứng viên sáng giá.
Vũ khí chính của K9 là pháo L52 cỡ 155 mm, tầm bắn tối đa 30 km với đạn thường hoặc lên tới 40 km khi sử dụng đạn tăng tầm, tốc độ bắn 12 phát/phút, có chế độ MSI (bắn được 3 viên đạn đi theo các quỹ đạo khác nhau sao cho tiếp cận mục tiêu cùng lúc).
Nòng pháo có loa giảm giật giúp giảm ảnh hưởng khi bắn loại đạn tăng tầm đi kèm bộ khóa/giá đỡ nòng pháo khi xe di chuyển hay dừng nghỉ. Góc nâng hạ của pháo -2,5° - +70° với tháp pháo xoay 360°.
Điểm dày nhất trên giáp xe là 19 mm, hệ thống bảo vệ NBC và thiết bị nhìn đêm là trang bị tiêu chuẩn của K9 Thunder.
Bên cạnh 48 quả đạn pháo 155 mm dự trữ trong xe, K9 còn được bổ sung đạn dược từ xe tiếp đạn tự hành K10. Hàn Quốc phát triển K10 dựa trên K9 với sự đồng nhất về khung thân, tạo thuận tiện về mặt hậu cần trên chiến trường lẫn tính kinh tế khi phát triển.
Hơn nữa cơ chế “cầu” chuyển tải độc đáo trên K10 giúp kíp lái không phải ra ngoài mà vẫn chuyển đạn pháo qua cho K9 được dưới sự bảo vệ của vỏ giáp.
Việc một đồng minh thân cận của Việt Nam là Ấn Độ mới đây đã bỏ ra hơn 700 triệu USD để mua 100 khẩu K9 chắc chắn sẽ ít nhiều có tác động đến quyết định lựa chọn pháo tự hành bánh xích của Việt Nam.
Trực thăng vũ trang hạng nhẹ
Trực thăng vũ trang UH-72A Lakota
Trong lễ diễu binh ngày 2/9, Việt Nam đã chính thức giới thiệu Lực lượng đổ bộ đường không. Sau khi thành lập binh chủng này, rất có thể Không quân Lục quân cũng sẽ xuất hiện.
Đảm nhiệm vai trò vận chuyển lính đổ bộ đường không thường là trực thăng đa năng vừa có khả năng chiến đấu lại vừa vận tải được. Không quân Việt Nam hiện đang vận hành hai dòng vận tải đa dụng là Mi-8/17 và UH-1, trong đó UH-1 có nhiều lợi thế hơn.
Theo Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917 những năm 1978 - 1979:
Ưu điểm nổi bật của UH-1 là độ linh hoạt rất cao, xoay trở nhanh, không kén chọn bãi, có thể hạ cánh trên nền đất yếu, lồi lõm như mặt ruộng, thời gian đổ quân chỉ 10 giây.
Trong khi đó, các trực thăng Mi-8/17 của Nga khá nặng nề, xoay trở chậm chạp, cần bãi đáp phù hợp, thời gian đổ quân mất ít nhất 1 phút.
Tuy nhiên do UH-1 đã quá cũ cho nên Việt Nam rất cần một dòng trực thăng vũ trang thế hệ mới với các tính năng tương tự, nổi bật lên trong các ứng viên là UH-72A Lakota do chi nhánh tại Mỹ của Eurocopter sản xuất.
UH-72A đã được lựa chọn là trực thăng đa dụng hạng nhẹ mới của Quân đội cũng như Vệ binh quốc gia Hoa Kỳ, nhằm thay thế cho các loại UH-1H/V và OH-58A/C.
Máy bay có kíp lái 2 người, trang bị 2 động cơ Turbomeca Arrius 1E2 công suất 551 kW (738 mã lực) mỗi chiếc, cho tốc độ lớn nhất 268 km/h, trần bay 5.480 m, tầm bay 685 km, sức tải tối đa 1.790 kg hoặc chuyên chở được 9 binh sĩ.
Nhờ những ưu điểm như sở hữu độ linh hoạt rất cao, cực kỳ tin cậy trong vận hành và bảo dưỡng, kết hợp với uy lực mạnh mẽ của các loại vũ khí trang bị, trực thăng UH-72A Lakota tỏ ra là ứng viên sáng giá để thay thế những chiếc UH-1 sắp nghỉ hưu của Việt Nam.
Trực thăng đa năng EC-145 đi kèm mô hình tàu tuần tra DN-2000 số hiệu 8002 của Cảnh sát biển
Hơn thế nữa, trong phóng sự "Việt Nam tự đóng mới tàu Cảnh sát biển" của Kênh truyền hình quốc phòng phát sóng tháng 11/2015 có một chi tiết đáng chú ý, đó là xuất hiện mô hình trực thăng đa năng EC-145 đi kèm mô hình tàu tuần tra DN-2000.
Như vậy, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ ký hợp đồng với Eurocopter để mua EC-145 (biến thể dân sự của UH-72A) trong tương lai gần. Điều này lại càng khiến cho cơ hội của trực thăng Lakota trở nên sáng sủa.