Cảnh báo sớm đường không trên mặt đất là một bộ phận rất quan trọng trong việc phát hiện sớm các mục tiêu xâm phạm chủ quyền quốc gia. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng radar cảnh báo sớm của bộ đội phòng không Việt Nam đã góp phần lập nên nhiều chiến công vang dội.
Nhiệm vụ phát hiện sớm phi đội tấn công của Không quân Mỹ báo động cho các hệ thống phòng không sẵn sàng chiến đấu có ý nghĩa quyết định trong việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng, bẻ gãy các cuộc tập kích đường không và đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Vào những năm 1960, để giúp Việt Nam bảo vệ không phận, Liên Xô viện trợ cho ta cả hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina lẫn radar cảnh báo sớm P-12 Yenisei. P-12 được xem là radar cảnh báo sớm đầu tiên của lực lượng phòng không Việt Nam.
Radar này được thiết kế cho nhiệm vụ phát hiện sớm các các máy bay đối phương xâm nhập đường không, cung cấp tham số về phương vị và tốc độ của mục tiêu cho các hệ thống phòng không.
Radar này sẽ kết hợp với một radar đo độ cao nữa để cung cấp đủ 3 tham số của mục tiêu cho các hệ thống phòng không, nhất là tên lửa phòng không S-75 chiến đấu.
Ăng-ten của radar được đặt trên khung gầm xe kéo, buồng điều khiển được đặt trên khung gầm xe tải Zil. Xe ăng-ten và buồng điều khiển được đặt cách nhau một khoảng nhất định kết nối với nhau bằng dây cáp nhằm giảm thiệt hại trong trường hợp bị tấn công.
Ăng-ten của radar được thiết kế dạng “xương cá” với 12 mảng ăng-ten Yagi với 6 ở trên và 6 ở dưới. Ăng-ten có khả năng quay 10 vòng/phút cung cấp khả năng giám sát 360 độ.
Theo thông số của nhà phát triển, radar P-12 cung cấp khả năng giám sát không phận trong bán kính 250 km, tầm cao 25 km. Radar có thể hoạt động trên 4 dải tần số khác nhau cho phép đối phó hiệu quả với tên lửa chống bức xạ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, sự có mặt của radar cảnh giới P-12 đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện sớm sự di chuyển của Không quân Mỹ từ đó có những kế hoạch phòng thủ và đánh trả hợp lý.
Tuy nhiên, radar P-12 được phát triển theo những công nghệ cũ nên có độ kháng nhiễu khá thấp. Những năm kháng chiến chống Mỹ, radar P-12 gặp rất nhiều khó khăn dưới chiến thuật gây nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực của Không quân Mỹ.
Những với sự thông minh sáng tạo, quyết tâm “vạch nhiễu tìm thù” cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Lực lượng radar cảnh giới Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các hệ thống vũ khí phòng không khác tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc, bẽ gãy các cuộc tập kích đường không của Mỹ.