Thứ trưởng Oleg Ostapenko cho biết, hệ thống S-500 được chế tạo mới mục đích đối phó với các cuộc tập kích từ trên không, bao gồm các loại máy bay có người lái và không người lái, tất cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn cho đến tầm trung có tốc độ bay từ hạ âm cho đến siêu âm.
Trả lời câu hỏi, liệu S-500 có được bàn giao đúng thời hạn vào năm 2015 hay không? Ông Ostapenko không đưa ra thời điểm cụ thể mà chỉ đáp chung chung: “Tất cả mọi việc đều đang theo đúng tiến độ đề ra, chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành kế hoạch đúng kỳ hạn”.
Trước đây, Nga đã công bố các hệ thống phòmg không/phòng thủ tên lửa sẽ được biên chế chính thức vào năm 2015. Đến trước năm 2020, quân đội Nga sẽ sản xuất đủ số lượng trang bị cho 10 tiểu đoàn để làm nòng cốt trong lực lượng phòng thủ không gian Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không S-500 mà Nga đang chế tạo không chỉ sử dụng trong tác chiến phòng không mà nó còn là một “sát thủ” đáng gờm đối với các loại tên lửa đạn đạo. Với tính năng phòng không, phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian ưu việt của mình, S-500 sẽ trở thành hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa nòng cốt trong lực lượng phòng thủ không gian Nga.
Khả năng phòng thủ tên lửa của S-500 được công ty Almaz-Antei bí mật nghiên cứu và thử nghiệm đã lâu, đến khi S-500 sắp được triển khai, Nga mới tiết lộ thông tin trên. S-500 có khả năng cùng lúc đánh chặn 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3500 km, cự ly đánh chặn lí tưởng khoảng 600km. Nó còn có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình.
Riêng về độ cao và vận tốc đánh chặn thì S-500 đứng đầu thế giới. Nó có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 200km, với vận tốc 7km/s (tương đương 25.200km/h ≈ Mach23). S-500 có khả năng đánh chặn tất cả các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm ngắn cấp chiến dịch, chiến thuật, tên lửa hành trình siêu âm.
Bộ Quốc phòng Nga dự kiến sẽ biên chế 10 tiểu đoàn S-500. Mỗi hệ thống S-500 được cấu thành từ các đơn nguyên riêng rẽ: radar cảnh giới tầm xa, ra đa dẫn bắn, xe điều khiển trung tâm, các xe chở, nạp đạn… Các tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến này sẽ triển khai trên các xe di động, với các bệ phóng đặt trên xe vận tải hạng nặng bánh lốp 10x10.
Phương pháp tổ chức này dựa trên cơ sở chiến thuật “trang bị phân tán, hỏa lực tập trung”, trong tác chiến nếu một đơn nguyên nào bị thiệt hại thì sẽ nhanh chóng được bổ sung, thay thế, khôi phục ngay lập tức sức mạnh chiến đấu của cả tổ hợp.
Hệ thống tên lửa phòng không S-500 có tính năng vượt trội so với “người tiền nhiệm” S-400 “Triumph”, không chỉ về chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa, mà S-500 chỉ mất thời gian 3-4 giây để triển khai bắn tiếp mục tiêu khác chỉ trong khi S-400 mất 9-10 giây, hơn nữa S-500 nhỏ gọn và tính năng cơ động cao hơn các hệ thống S-300 và S-400 rất nhiều.
Hệ thống radar sục sạo và điều khiển hỏa lực của radar S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, có phạm vi phủ sóng vượt trội so với S-400, cự li sục sạo của nó đã đạt tới 800-1000km.
Với tính năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao, tầm xa siêu việt của mình, S-500 đã làm lu mờ cả 3 hệ thống tên lửa lưỡng dụng phòng không và phòng thủ tên lửa Patriot-3, hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất là THAAD và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (bao gồm cả SM-3 và SM-2). 3 hệ thống này chính là cái ô 3 tầng, phòng thủ tên lửa tầm thấp, trung, cao cho Mỹ.
Trong cả 3 hệ thống của Mỹ thì chỉ có hệ thống Aegis sử dụng tên lửa SM-3 có tính năng tiệm cận với S-500 nhất. Kiểu cơ bản của loại tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis SM-3 Block IIB là tên lửa đánh chặn SM-3 (còn gọi là RIM-161A) được chế tạo dựa trên nguyên mẫu của loại SM-2 Block IV, có tầm bắn trên 500km, độ cao đánh chặn đạt tối đa 160k, với vận tốc 9600km (gần Mach8) và chỉ phù hợp đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Tên lửa SM-2 ngoài khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, nó cũng có khả năng bắn hạ cả máy bay giống S-500 của Nga, nhưng chỉ bắn hạ được mục tiêu trong khoảng 200 km, bằng 1/3 của S-500. Còn tên lửa PAC-3 và THAAD là các hệ thống tầm trung và tầm thấp nên tính năng kém hơn nhiều (THAAD có tầm bắn 200km và độ cao đánh chặn 25km).
Xét về đơn lẻ từng hệ thống SM-2, PAC-3 và THAAD có tính năng lưỡng dụng tương tự S-500 nhưng cơ bản vẫn thiên về phòng thủ tên lửa, các tham số kỹ thuật thấp hơn rất nhiều, SM-3 có tầm bắn và độ cao tiệm cận S-50, nhưng chỉ đánh chặn tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay xác định, không có khả năng tấn công máy bay tàng hình, có quỹ đạo bay khó lường như S-500.
Như vậy, tính năng của S-500 đã tích hợp được tất cả những ưu điểm của PAC-3, Aegis và THAAD, cả 3 hệ thống của Mỹ chưa có tham số nào ngang bằng S-500. Điểm đặc biệt là, tuy chức năng phòng thủ tên lửa của S-500 mạnh như vậy, nhưng nó là hệ thống thiên về phòng không, vậy các hệ thống phòng thủ tên lửa chính hiệu của Nga là A-135 “Amur” và A-235 “Самолет-М” sẽ mạnh đến cỡ nào? Sự phối hợp của bộ 3 “lá chắn thần” này sẽ tạo thành một chiếc ô phòng thủ tên lửa cực kỳ vững chắc trên bầu trời Nga.
Với tính năng phòng không, phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian ưu việt của S-500, người Nga đã chứng tỏ tuy ngân sách quốc phòng hạn hẹp, không thể phát triển rầm rộ các loại vũ khí như Mỹ, nhưng khả năng tích hợp tính năng đa dụng hơn xa so với Mỹ, công nghệ đỉnh cao vẫn không hề thua kém, thậm chí nhiều mặt còn hơn Mỹ rất xa.