Hệ thống phòng thủ tên lửa tiền tỷ của Mỹ vô dụng?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chưa từng được thử nghiệm đánh chặn ICBM, trong khi đây là mối đe dọa chủ chốt mà nó cần phải phòng thủ.

Tờ Extremetech có bài viết nhận định về tình trạng hiện nay của chương trình phòng thủ tên lửa GMD của Mỹ. Dưới đây là nội dung bài viết:

Gần 20 năm qua, Mỹ đã đổ nhiều tiền của vào việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các loại tên lửa hành trình trước khi chúng tiếp cận mục tiêu. Bất chấp nỗ lực này, hệ thống của Mỹ chưa bao giờ hoạt động được như kỳ vọng. Tháng trước, Cơ quan Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) đã công bố một bản báo cáo về chương trình phòng thủ tên lửa GMD, trong đó chỉ trích gay gắt nhiều khía cạnh về thiết kế, điều hành và thử nghiệm thực địa của chương trình này.

Bất chấp những vấn đề gặp phải và các thất bại, Hạ viện Mỹ tiếp tục bỏ phiếu chi thêm 20 triệu USD để triển khai một hệ thống GMD ở vùng East Coast, trong khi đó quân đội Mỹ cũng đã triển khai hàng loạt tên lửa đánh chặn tới Alaska và có kế hoạch yêu cầu nhiều tên lửa hơn nữa. Tổng chi phí của chương trình này tới năm 2017 dự kiến ở mức 40 tỷ USD.

Vấn đề nằm ở chỗ, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chưa từng được thử nghiệm đánh chặn ICBM, trong khi đây là mối đe dọa chủ chốt mà nó cần phải phòng thủ. Thay vào đó, khả năng của hệ thống chỉ được mô tả qua bản báo cáo từ phía Cơ quan Điều hành, Kiểm tra và Đánh giá (DOT&E) của Lầu Năm Góc rằng "có khả năng hạn chế trước một mối đe dọa đơn thuần". Những ngôn từ đó đã được dùng để mô tả tình trạng của hệ thống kể từ năm 2003.

Nói đơn giản thì đây là một chương trình lãng phí thời gian nhất: kéo dài, đắt đỏ, tiêu tốn nhiều nguồn lực nhằm theo đuổi một mục tiêu mà có thể không thể đạt được. Tuy vậy ở các quốc gia khác, ví như Israel đã triển khai thành công hệ thống phòng thủ tên lửa. Nếu như vậy, chương trình của Mỹ đang gặp phải những vấn đề gì?

Mối đe dọa khác biệt

Iron Dome là một hệ thống đánh chặn tên lửa do Israel phát triển nhằm phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng rocket Qassam và Grad của các nhóm khủng bố và phiến quân. Những rocket này có vận tốc khoảng 675 m/s. Tuy nhiên đối với mục tiêu là ICBM vốn có vận tốc khoảng 4 km/s trong giai đoạn phóng và ở giai đoạn cuối lên tới 6.9km/s thì vấn đề đánh chặn lại hoàn toàn khác.

Hệ thống Irone Dome của Israel
Hệ thống Irone Dome của Israel

Tiêu diệt một ICBM bằng một tên lửa đánh chặn ICBM đã được ví như việc sử dụng một viên đạn để bắn một viên đạn khác. Cân nhắc những viên đạn nhanh nhất có sơ tốc 1.22 km/s, nhiều người có thể tranh luận rằng hệ thống Iron Dome thực sự có thể “hạ một viên đạn bằng một viên đạn”. Tuy nhiên việc cố gắng đánh chặn một ICBM bằng một tên lửa GMD đòi hỏi tốc độ nhanh hơn thế rất nhiều.

Có ba giai đoạn để tên lửa đánh chặn có thể tấn công một ICBM, giai đoạn phóng (pha đẩy), giai đoạn giữa (khi ICBM trong hành trình bay cận quỹ đạo), và giai đoạn tách tầng (ICBM quay trở lại tầng khí quyển hướng tới mục tiêu). Giai đoạn phóng trên lý thuyết là giai đoạn dễ tấn công nhất, nhưng nó đòi hỏi một cự ly rất gần, chu trình phóng cực kì nhanh và cần nhớ là đòi hỏi một lực đẩy rất lớn. Việc đánh chặn ICBM lúc này tương tự như việc tiêu diệt một rocket kích thước lớn đang hướng lên quỹ đạo thấp (LEO) của trái đất trong vòng 60-300 giây.

Việc đánh chặn ICBM đang trong giai đọan tách tầng là một lựa chọn tồi bởi ICBM đã nhắm đến mục tiêu, theo đó đánh chặn một đầu đạn hạt nhân hoặc hóa học có thể chỉ làm đầu đạn rơi chậm hơn sang ngoại ô một thành phố thay vì nó đang nhắm vào vào trung tâm thành phố.

Chỉ còn giai đoạn giữa là thời điểm tấn công ưa thích. Tuy nhiên dựa trên những bằng chứng sẵn có cho thấy rằng một ICBM có khả năng dễ dàng khởi động những biện pháp đối kháng nhằm giảm đáng kể cơ hội cho một tên lửa đánh chặn ICBM có thể khóa mục tiêu hiệu quả.

Vấn đề cơ bản với bất kì hệ thống đánh chặn ICBM là nó tốn kém hơn rất nhiều so với việc bắn nhiều ICBM vào mục tiêu. Một trong những lý do khác để hệ thống Iron Dome của Israel hoạt động là bởi vì những phiến quân không thể cùng lúc phóng đi hàng loạt tên lửa vào không phận của Israel chỉ trong thời gian vài phút. Thậm chí như vậy, đây cũng được coi là một biện pháp bảo vệ mang tính tâm lý nhiều hơn là mang tính hiệu quả thực sự.

Kết quả các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa

Lịch sử các cuộc thử nghiệm hệ thống GMD của Mỹ cho thấy kết quả kém
Lịch sử các cuộc thử nghiệm hệ thống GMD của Mỹ cho thấy kết quả kém

Trong trường hợp của mình, Mỹ đã tránh bất kì cuộc thử nghiệm nào trước một ICBM thực sự như trên, thay vì đó Mỹ lại tiến hành những cuộc thử nghiệm nhỏ và đơn giản hơn và trước các mục tiêu di chuyển chậm hơn nhiều. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục chế tạo và triển khai những tên lửa đánh chặn như CE-II vốn chưa từng có một cuộc thử nghiệm thành công. Khi GAO liên hệ với Bộ Quốc phòng Mỹ để cung cấp thêm những dữ liệu về thực trạng của chương trình này, Bộ Quốc phòng đã không sẵn lòng chia sẻ những chi tiết về sự đánh giá của họ, cùng với đó họ lại sẽ tiếp tục triển khai những phương tiện với khả năng chưa được chứng minh.

Nhiều cơ quan chính phủ đã ra những bản báo cáo về sai lầm trong công tác quản lý của Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ, các bản báo cáo trên viện dẫn rằng tổ chức này chưa đề xuất được các biện pháp khắc phục những lỗi chủ yếu. Mặc dù không có được những giải pháp hiệu quả nhưng Quốc hội Mỹ lại tỏ ra vui mừng và tiếp tục bỏ tiền vào những hệ thống vô tác dụng, và không yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp phương án khắc phục những vấn đề trên trong tương lai.

Một cuộc thử nghiệm hệ thống GMD

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại