Hé lộ vũ khí tối mật của Ấn Độ

Ấn Độ trong thời gian gần đây, ngoài việc tích cực mua sắm trang bị vũ khí từ các quốc gia khác cũng bắt tay vào nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí "độc" của riêng mình.

Dưới đây là 2 trong số các loại vũ khí bí mật của nước này.

1. Súng KALI

Các nhà khoa học nguyên tử của Ấn Độ đã chế tạo thành công một loại vũ khí được cho là “ngôi sao của các cuộc chiến tranh”, hay còn gọi là KALI, mà các chùm tia của nó có thể làm tê liệt hệ thống điều khiển tên lửa và máy bay chiến đấu của đối phương. Vũ khí này bắn ra chùm tia vi sóng có năng lượng lên tới hàng tỷ héc/giây nên có thể “tiêu diệt một cách êm ái” máy bay và tên lửa của đối phương bằng cách làm tê liệt hệ thống điện tử và chíp máy tính trong hệ thống điều khiển.

Súng KALI

Theo các nhà khoa học trên, ''sát thủ êm ái” với chùm tia vi sóng có lợi thế hơn các vũ khí laser vì có tính ứng dụng thực tế cao hơn và chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, vũ khí này gây nhiều quan ngại về mặt đạo đức. Ngoài việc tiêu diệt các hệ thống vũ khí của đối phương bằng trường điện từ, vũ khí này còn gây nhiều nguy hiểm đối với con người, đặc biệt về mặt tâm sinh lý.

Mặc dù thuật ngữ vũ khí xung điện từ mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng khái niệm về nó đã có từ rất lâu, bắt nguồn từ các nghiên cứu về vũ khí hạt nhân của Mỹ trong những năm 1950. Từ năm 1958, khi tiến hành thử nghiệm bom khinh khí (bom H), các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một vụ nổ thử trên biển Thái Bình Dương đã gây cháy nổ các đèn chiếu sáng tại một hòn đảo ở Hawaii cách nơi tiến hành vụ nổ hàng trăm km. Vụ nổ cũng đã làm gián đoạn họat động của các thiết bị phát sóng radio ở tận châu Úc. Các nhà khoa học bắt đầu coi đây là một khả năng có thể khai thác trong lĩnh vực quân sự. Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong việc nghiên cứu bom xung điện từ.

Mô hình súng KALI được gắn trên máy bay.

Ấn Độ có kế hoạch chế tạo KALI từ năm 1985, nhưng mãi đến năm 1989 nó mới bắt đầu được triển khai. Dù mới được thử nghiệm nhưng vũ khí xung điện từ năng lượng cao đã cho thấy mức độ hủy diệt ghê gớm. Sóng xung điện từ được truyền đi với vận tốc ánh sáng sẽ dễ dàng làm đoản mạch và “nướng chín” các chíp điện tử cũng chư các mạch điện bên trong máy tính hay các thiết bị thông tin liên lạc. Các hệ thống điện tử vốn là “tai mắt” của các hệ thống vũ khí hiện đại. Khi các hệ thống này bị vô hiệu hóa, sức chiến đấu của vũ khí sẽ bị vô hiệu hóa. Các loại vũ khí không dùng điện như súng máy hay pháo phòng không có thể vẫn hoạt động nhưng hiệu quả chiến đấu sẽ bị suy giảm do các hệ thống chỉ thị mục tiêu không hoạt động.

Các nhà khoa học Ấn Độ cho biết, súng KALI sẽ lần đầu tiên cho phép nước này củng cố hệ thống điện tử được sử dụng trong các vệ tinh và tên lửa chống lại các xung điện chết người do vũ khí hạt nhân tạo ra.

2 . E-Bom

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ đang phát triển một loại vũ khí mới được gọi là E- bom, vũ khí này sẽ phát ra sóng xung kích điện từ phá hủy các mạch điện tử và mạng lưới thông tin liên lạc của đối phương trong tác chiến, Avinash Chander, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên và là cố vấn cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Mô hình hoạt động của E-bom

"Vì vậy, thời gian tới nếu có sự xâm phạm tại khu vực Đường kiểm soát biên giới hay xâm nhập Kargil bất hợp pháp, bạn sẽ không thể nghe thấy tiếng súng hoặc đạn cối nổ bởi vì lúc đó loại vũ khí này sẽ được sử dụng. Vũ khí này sẽ tạo ra một sóng điện từ xung lượng cao. E-bom sẽ là loại vũ khí nòng cốt trong các hoạt động tác chiến cấp chiến thuật và tác chiến điện tử để phá hủy hệ thống chỉ huy, điều khiển và thông tin liên lạc của đối phương”, ông Chander nói.

Người đứng đầu DRDO cho biết thêm rằng, vũ khí này sẽ giúp quân đội tiêu diệt các mục tiêu di động, hệ thống phòng không, radar, tàu chiến, hệ thống thông tin liên lạc được ngụy trang kín đáo và thậm chí là một căn cứ quân sự của đối phương. Vũ khí này được hệ thống GPS dẫn đường và sẽ được sử dụng trước các loại vũ khí thông thường khác trong các cuộc tấn công bằng lực lượng không quân chiến lược, nhằm làm tê liệt các đơn vị vũ khí điện tử hủy diệt bằng cách phóng ra các xung điện có điện áp cao. Việc chế tạo E-bom sẽ được hoàn tất trong vài năm tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại