Phần 1: Hé lộ bí mật vụ Liên Xô bắn hạ trinh sát cơ U-2 Mỹ
Thực ra, ngay từ tháng 7/1956, khi lần đầu tiên Mỹ cho U-2 trinh sát trong lãnh thổ Liên Xô, Moskva đã phát hiện ra vị khách “không mời mà đến” này. Do không có hỏa lực đạt tới tầng cao như vậy, nên việc tiêu diệt chiếc máy bay này vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi. Sau đó, để bắn hạ được chiếc U-2, Liên Xô đã bỏ ra không biết bao công sức.
Trước khi xảy ra vụ Powers không lâu, Mỹ đã 3 lần cho U-2 bay tới trạm phóng tên lửa Sphêđrốpscơ để thám thính: Lần thứ nhất vì thời tiết xấu nên không thể nào chụp ảnh, bay đến nửa đường đành quay về; lần thứ hai cũng vì "không nhìn thấy gì" mà toi công; lần thứ ba vào ngày 9/4, U-2 đã chụp được những tấm ảnh quan trọng về trung tâm tên lửa Tairatham, trên đường quay về bị quân đội Liên Xô phát hiện. Cho nên ngày 1/5/1960, khi Powers hành động, quân đội Liên Xô đã sẵn sàng đón đánh, bố trí chu đáo mạng lưới hỏa lực, chỉ còn chờ U-2 “dẫn xác” đến.
Vũ khí chính của lưới hỏa lực quân đội Liên Xô là tên lửa đất đối không SAM-2. Tên lửa này được bắt đầu nghiên cứu chế tạo vào cuối những năm 40 và trang bị cho quân đội vào giữa những năm 50. Năm 1957, lần đầu tiên nó xuất hiện trong lễ duyệt binh tại Moskva nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5. Cánh trước, cánh chính, khoang và cánh đuôi của tên lửa thiết kế theo hình chữ thập dùng động cơ tên lửa cố định. Khi tác chiến, mục tiêu bị phá hủy nhờ vào 3.600 mảnh vỡ với tốc độ ban đầu 3 km/giây do sức nổ tạo ra. "SAM-2" là vũ khí phòng không mũi nhọn tiên tiến nhất của Liên Xô thời bấy giờ. Trong vụ bắn hạ U-2, SAM-2 tham gia tác chiến lần đầu tiên và đã có chiến thắng vang dội. Khi Powers điều khiển chiếc máy bay tới không phận tỉnh Sverdlovsk, các đơn vị SAM-2 do các đại úy, tiểu đoàn trưởng Boris Mojayev và Ivan Ylinysh chỉ huy đã bắn rơi chiếc U-2 trên.
Nhưng tầm bắn xa nhất của SAM-2 lúc bấy giờ vẫn không đạt tới độ cao của máy bay U-2 Mỹ (sau nhiều lần nâng cấp, độ cao bay hiện nay của SAM-2 lên tới 25 km). Cho nên, dù SAM-2 đã được trang bị cho bộ đội phòng không khi U-2 bay vào Liên Xô lúc đó nhưng nó cũng không có khả năng tiêu diệt U-2. Bởi vậy, sau khi phát hiện máy bay U-2 liên tục trinh sát các căn cứ quân sự tên lửa của mình, dự đoán U-2 còn tiếp tục xâm nhập nữa, nên phía Liên Xô quyết tâm tìm cách ngăn chặn các cuộc thâm nhập của người Mỹ và gây ra sự quan ngại khiến Washington không dám tiếp tục các vụ do thám trên không bằng một kế hoạch đặc biệt mà mãi tới 4 năm sau, người ta mới biết được sự thật của vụ việc.
Trong thời gian ấy, người ta vẫn thắc mắc không hiểu nổi: Máy bay của Powers bị rơi là do trục trặc kỹ thuật hay là người Liên Xô đã có được loại tên lửa có thể bắn hạ U-2? Điều bí ẩn này mãi tới năm 1960 mới được làm rõ sau khi một điệp viên cao cấp Liên Xô là Patolesky tiết lộ bí mật. Lúc đó người Mỹ mới biết bộ phận hiển thị độ cao trên chiếc máy bay của Powers đã bị điệp viên của Liên Xô gắn thiết bị đặc biệt gây ra sự sai lệch về chỉ số trên chiếc đồng hồ đo độ cao. Còn bản thân Powers khi đó thì vẫn đinh ninh cho rằng anh ta bị bắn hạ khi đang bay ở độ cao trên 20 km. Bí mật này cũng được đại tá nghỉ hưu Alexander Orlov, người đã trải qua rất nhiều năm trong lực lượng phòng không Liên Xô và cũng là chỉ huy phụ trách việc U-2 sau khi bị bắn hạ, khẳng định. Trong một bài viết được xuất bản năm 1998, ông Orlov nhắc lại rằng chiếc U-2 đã nằm trong tầm bắn của tên lửa SAM-2 khi bay qua khu vực Ural của Liên Xô.
Sau khi Powers bị bắt, phía Mỹ ngay lập tức khẳng định chiếc U-2 bị nạn khi làm nhiệm vụ đo đạc thời tiết, nhưng viên phi công bị bắt sống và toàn bộ dữ liệu từ xác chiếc máy bay được giải mã đã vạch trần âm mưu do thám của cơ quan tình báo Mỹ. Viên phi công Powers bị kết tội gián điệp và bị xử 10 năm tù, giam ở nhà lao Rubianca của KGB. Một năm sau đó, viên phi công này được tha về nước sau một cuộc trao đổi tù binh.
Mới đây, U-2, biểu tượng của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, suýt bị “khai tử” bởi máy bay do thám không người lái Global Hawk 30, nhưng do Global Hawk 30 có chi phí quá đắt đỏ và chất lượng do thám thua kém so với U-2 nên đã giúp “lão tướng” U-2 của không quân Mỹ tránh bị “về hưu”. Để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của quân đội Mỹ, 3 chiếc máy bay do thám U-2 được đưa vào phục vụ từ thời Chiến tranh Lạnh đã được đại tu toàn bộ với giá tiền lên tới 1 tỷ USD. Bên trong vỏ sắt cũ kĩ, những chiếc U-2 được trang bị hệ thống cảm biến và liên kết dữ liệu hoàn toàn mới. Những chiếc U-2 hiện nay có khả năng bay cao hơn và thời gian bay làm nhiệm vụ dài hơn. Nhờ được kết nối trực tiếp với mặt đất và vệ tinh, U-2 có thể cung cấp thông tin do thám và tình báo nhanh chóng, đồng thời giúp xử lí các tình huống cơ động hơn. Vụ U-2 bị bắn hạ trên cũng là động lực để Mỹ chế tạo ra các hệ thống trinh sát khác như máy bay siêu thanh SR-71 hay vệ tinh do thám Corona sau này. Và xác chiếc U-2 bị Liên Xô bắn hạ kể trên hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Nga.