Tình hình với lực lượng máy bay tiến công của Trung Quốc hơi kém hơn một chút không quân tiêm kích, mặc dù ở đây, tình thế đang nhanh chóng chuyển sang chiều hướng tốt hơn. Trung Quốc mới vừa dừng sản xuất cường kích Q-5 chế tạo trên cơ sở MiG-19. Ngoài ra, máy bay này đã nhiều lần được cải tiến, kể cả sử dụng thiết bị avionics phương Tây.
Hiện nay, trong trang bị của không lực Trung Quốc có gần 300 Q-5 những đời cuối. Số lượng này cũng gần tương đương số lượng A-10 của Mỹ và Su-25 của Nga. Các cường kích của Trung Quốc có chất lượng tồi hơn, nhưng về vật lý thì mới hơn.
Máy bay ném bom chiến thuật chủ lực của không quân và không quân hải quân Trung Quốc là JH-7. Máy bay này không sao chép của ai, mặc dù hơi giống Su-24 của Liên Xô và Tornado của châu Âu. Hiện nay, trong biên chế 9 trung đoàn không quân Trung Quốc có 160-180 máy bay loại này, JH-7 vẫn đang tiếp tục được sản xuất. Về chất lượng, JH-7 thua kém Su-24, chứ chưa nói đến Su-34 và F-15Е, nhưng cả ở đây, Trung Quốc cũng có ưu thế số lượng và độ mới
Trung Quốc có đến 100 máy bay ném bom chiến lược Н-6 (bản sao của Tu-16) những đời đầu chuyên mang vũ khí hạt nhân (bom hạt nhân) thì ngay cả hệ thống phòng không rất thường bậc trung chúng cũng không thể vượt qua nổi. Tuy vậy, trong thập niên 1990, Trung Quốc đã nhận được tên lửa hành trình chiến lược trang bị cho máy bay Kh-55 từ Ukraine và tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ từ Pakistan
Nhờ lai ghép 2 loại tên lửa này, một họ tên lửa hành trình, trong đó có tên lửa hành trình phóng từ trên không СJ-10, đã ra đời. Chúng được trang bị cho các biến thể mới nhất của Н-6 là Н-6Н (mang được 2 tên lửa), Н-6М (4 quả) và H-6K (6 quả). Không lực Trung Quốc có từ 60-70 máy bay này, tuy nhiên, việc sản xuất Н-6М và H-6K rõ ràng đã được tái tục (Trung Quốc đang mua động cơ D-30KP2 của Nga cho H-6K).
Thoạt nhìn, việc đó có vẻ vô lý vì Tu-16 được chế tạo từ thập niên 1950. Mặt khác, họ cũng chẳng hề cần chế tạo một loại máy bay tối tân để mang phóng tên lửa hành trình tầm xa. Nói cho cùng thì В-52 của Mỹ cũng chẳng mới hơn, nhưng vẫn sẽ phục vụ được 30 năm nữa.
Ngoài ra, không quân tiến công Trung Quốc còn được bổ sung bởi vô số tên lửa đường đạn và nay là cả các tên lửa hành trình tầm bắn khác nhau thuộc biên chế của lục quân hay Lực lượng pháo binh 2 (ở đây, số lượng phải lên đến hàng ngàn), cũng như các máy bay không người lái (UAV) tiến công mà Trung Quốc trong những năm gần đây đang giới thiệu rất rộng rãi và với rất nhiều chủng loại
Đó là Yi Long rất giống MQ-1 Predator của Mỹ (nhưng chưa hề được Mỹ bán cho ai, ngay cả các đồng minh gần gũi nhất), WJ-600, cả một họ UAV СН (СН-3/4/91/92). Tất nhiên là có thể phỏng đoán rằng, một phần trong các UAV này chỉ là các maket, nhưng tốt nhất là đừng nuôi ảo tưởng.
Trung Quốc còn rất biết tận dụng yếu tố bất ngờ trong chiến tranh
Người Nga tiếc thay lại có rất nhiều ảo tưởng. Chẳng hạn, đến nay ở Nga vẫn phổ biến niềm tin vô lý là Trung Quốc đang sản xuất vũ khí trang bị, trong đó có máy bay, với số lượng rất nhỏ và chất lượng thấp. Trên thực tế, công nghiệp chế tạo máy bay quân sự Trung Quốc từ lâu đã đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất
Trung Quốc mỗi năm đang sản xuất số lượng máy bay chiến đấu nhiều hơn ở tất cả 28 nước NATO, kể cả Mỹ, cộng lại. Họ đang đồng thời sản xuất J-11B, J-16, J-10, JH-7, Н-6M/K, cũng như J-7 và JF-17 để xuất khẩu. Sắp tới, danh sách này gần như chắc chắn sẽ có thêm J-15 và có thể cả J-20 và/hoặc J-31.
Ngoài ra, họ còn đang sản xuất các máy bay huấn luyện K-8 và L-15, máy bay vận tải Y-8 (đang rất thành công trong việc chiếm chỗ của An-12 của Liên Xô vốn là nguyên bản của Y-8 trên thị trường thế giới), đã chế tạo máy bay vận tải hạng nặng nội địa đầu tiên Y-20, loại máy bay sẽ trở thành địch thủ của Il-76 của Nga.
Hơn nữa, một khi tình hình quốc tế căng thẳng, công nghiệp hàng không Trung Quốc có khả năng gia tăng sản xuất hơn nữa máy bay chiến đấu, vận tải và chuyên dụng. Sự tụt hậu về chất lượng của các máy bay Trung Quốc so với các mẫu hiện đại hơn của phương Tây và Nga là rất nhỏ, nó không cho phép phương Tây và Nga có được ưu thế quan trọng nào. Hơn nữa, như đã nói ở trên, Trung Quốc đang bù đắp sự thua kém chất lượng không đáng kể này bằng số lượng vượt trội đáng kể và độ mới vật lý của máy bay.
Bên cạnh đó phòng không của quân đội Trung Quốc cũng được đổi mới căn bản không kém trong hai thập niên qua. Mặc dù, trong trang bị của lực lượng này đến nay vẫn có các hệ thống tên lửa phòng không HQ-2 (bản sao của S-75), cả trong lĩnh vực này, Nga cũng đã giúp Bắc Kinh đổi mới về chất vũ khí trang bị phòng không bằng cách cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300P.
Tóm lại, không lực và phòng không Trung Quốc ít ra là đã tương đương về năng lực so với Nga và đang tự tin đuổi sát Mỹ. Hơn nữa, trong cuộc đua với cả hai nước này, đặc biệt là Nga, các xu hướng rõ ràng nói lên ưu thế của Trung Quốc nhờ năng lực sản xuất khổng lồ và sự phát triển khoa học công nghệ rất nhanh. Thế giới biết rõ Trung Quốc đang tiến nhanh đến vị trí dẫn đầu kinh tế thế giới. Nhưng vì sao đó lại không muốn thấy những xu hướng tương tự trong lĩnh vực quân sự. ( Theo Cuộc tấn công của công nghiệp hàng không Trung Quốc / Aleksandr Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự // VPK № 19 (487), ngày 22/5/2013.)
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!