Lỡ cơ hội tham gia chiến dịch phòng không lịch sử
Tiểu đoàn 169 thuộc Trung đoàn tên lửa 276 chính là đơn vị đầu tiên được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Pechora (SAM-3).
Các cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực hết mình để triển khai khí tài sẵn sàng chiến đấu, nhưng "chiến dịch Điện Biên Phủ trên không" đã kết thúc trước khi tiểu đoàn kịp phóng quả đạn đầu tiên.
Nhiều người tỏ ra hết sức tiếc nuối, giá như không vì một số nguyên nhân khách quan, SAM-3 kịp tham chiến thì uy danh của “siêu pháo đài bay B-52” còn bị hạ nhục tới đâu.
Bởi lẽ, theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Bí thư Đảng ủy Quân chủng PK - KQ:
Hơn nữa, không như SAM-2 vốn bị “bắt sống” làm “tù binh” ở Trung Đông để Mỹ có cơ hội nghiên cứu, tìm cách khắc chế, SAM-3 là loại tên lửa mới nên khả năng bị gây nhiễu khá hạn chế.
Nếu SAM-3 kịp tham chiến thì số B-52 bị bắn rơi chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều
SAM-3 Pechora tiếp nối huyền thoại…
Mặc dù tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Pechora được thiết kế, đưa vào sản xuất từ những năm 1960, nhưng đến nay chúng vẫn là nòng cốt trong hệ thống phòng không của trên 20 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Qua thử lửa ở các cuộc chiến tranh, xung đột, Pechora đã chứng minh được hiệu quả khi liên tiếp bắn hạ nhiều loại máy bay hiện đại, trong đó phải kể đến các chiến công đặc biệt xuất sắc như:
Ngày 17/1/1991, một tiểu đoàn Pechora của Iraq được cho là đã bắn cháy, gây hư hại nặng 1 chiếc B-52G của Không quân Mỹ.
Mặc dù không rơi tại chỗ nhưng đây là lần đầu tiên sau thất bại thảm hại trước SAM-2 trong “chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” ở Việt Nam, uy danh của các “siêu pháo đài bay” B-52 lại bị lung lay nghiêm trọng.
Ngày 27/3/1999, tiểu đoàn tên lửa phòng không Pechora số 3 thuộc Lữ đoàn tên lửa phòng không 250, Nam Tư đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay ném bom tàng hình F-117A.
Điều đáng nói là trong môi trường bị chế áp điện tử mạnh, nguy cơ bị tiêu diệt bởi tên lửa chống radar rất cao, nhưng đơn vị đã thành công trong chiến thuật “ẩn mình, phòng tránh, đánh trả” và ấn nút phóng đạn kịp thời diệt mục tiêu.
Thất bại tủi nhục này là một trong những nguyên nhân chính khiến F-117A bị Không quân Mỹ cho về hưu trước tuổi, dù niên hạn sử dụng còn dài.
Hiện nay, các tổ hợp tên lửa phòng không Pechora vẫn là lực lượng nòng cốt của bộ đội PK - KQ Việt Nam.
Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, hầu hết các tổ hợp Pechora đã xuống cấp, một số tính năng không còn đáp ứng được yêu cầu chiến tranh hiện đại. Do vậy chúng cần được nâng cấp sâu để tiếp tục sử dụng thêm nhiều năm nữa.
Điều kiện ở Việt Nam là tác chiến phi đối xứng, phòng tránh đánh trả là chính trong khi địa hình lại đa dạng, nhiều sông ngòi, đồi núi nên yêu cầu đối với việc nâng cấp rất khắt khe.
Tính gọn nhẹ, triển khai thu hồi nhanh, dẫn bắn đa kênh, tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm và có khả năng kháng triệt nhiễu tốt được đặt lên hàng đầu.
… đến lựa chọn khó khăn
Do tổ hợp Pechora có nhiều tính năng ưu việt, tiềm năng hiện đại hóa còn rất lớn nên Nga và nhiều nước Đông Âu đã phát triển các bản nâng cấp để kéo dài niên hạn và đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng không hiện đại. Đáng chú ý có các gói nâng cấp sau:
Phiên bản Cenrex Newa C/SC: Do công ty Cenrex (Ba Lan) phát triển, có thời gian triển khai, thu hồi nhanh hơn đáng kể so với nguyên bản từ 90 phút xuống còn xấp xỉ 20 phút.
Trong 2 phiên bản được thiết kế, chỉ có bản đặt trên khung gầm xe tăng T-55 được Quân đội Ba Lan lựa chọn, còn bản đặt trên xe Maz-543 bị loại.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, dù đặt trên xe khung gầm xe nào cũng rất nặng nề, không phù hợp với điều kiện hạ tầng.
Bên cạnh đó, mặc dù Cenrex cam kết xác suất diệt mục tiêu rất cao, tới 0,95 nhưng tốc độ tối đa của mục tiêu bị xạ kích khi hướng vào vẫn không hơn so với nguyên bản, chỉ đạt 700 m/s và phương thức điều khiển chưa có nhiều cải tiến.
Đặc biệt, do chưa được nhiệt đới hóa nên với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam thì chắc chắn sẽ thường xuyên phát sinh hỏng hóc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ số kỹ thuật, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.
Thời gian kéo dài niên hạn chỉ thêm được 10 năm, ngắn nhất so với các bản nâng cấp khác, trong khi không tận dụng được nhiều trang bị, khí tài cũ khiến chi phí nâng cấp rất lớn.
Đến nay, ngoài Ba Lan, phiên bản nâng cấp này chưa xuất khẩu được cho bất cứ nước nào.
Phiên bản nâng cấp của Cenrex với khung xe Maz-543...
Phiên bản Pechora-2D: Đây là bản nâng cấp khá toàn diện do Công ty Aerotechnica (Ukraine) phát triển.
Mặc dù được đánh giá rất cao về tính năng kỹ, chiến thuật nhưng trong thực tế Ukraine không sử dụng tên lửa Pechora nên rất dễ nảy sinh tâm lý e ngại của khách hàng.
Hơn nữa, tổ hợp này chỉ có 1 kênh điều khiển tên lửa (tối đa 2 đạn) nên trong trường hợp bị tập kích cường độ cao, hệ thống có khả năng sẽ quá tải, để lọt mục tiêu.
Tốc độ mục tiêu bị xạ kích khi hướng vào chỉ đạt 800 m/s, chưa vượt trội so với một số bản nâng cấp khác. Thời gian triển khai, thu hồi có cải thiện nhưng không nhiều.
Quan trọng hơn, các công ty vũ khí Ukraine thường có “tính thị trường” chưa cao, đôi khi khách hàng không phải là “thượng đế”.
Hiện nay, phiên bản này mới được chào bán thành công tại 2 quốc gia Châu Phi với số lượng hạn chế.
Phiên bản nâng cấp Pechora-2D của Aerotechnica
Phiên bản Pechora-2M: Đây là bản nâng cấp toàn diện do Liên doanh Oboronitelnye Sistemy (Nga/ Belarussia) phát triển.
Tổ hợp tên lửa phòng không tự hành cơ động này được đánh giá rất cao do toàn bộ tổ hợp được đặt trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp 6x6 MZKT-8022.
Tuy nhiên, do mỗi xe bệ phóng chỉ mang được 2 đạn tên lửa nên để có số đạn sẵn sàng bắn thì số xe bệ phải tăng gấp đôi, khiến tổng số xe trong biên chế tăng lên nhiều, không đáp ứng được yêu cầu gọn nhẹ của Việt Nam.
Thời gian triển khai thu hồi mặc dù được rút ngắn xuống còn khoảng 30 phút nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu.
Mặc dù tăng gấp đôi số kênh, điều khiển 4 đạn tên lửa xạ kích đồng thời 2 mục tiêu, nhưng tốc độ tối đa của mục tiêu chỉ có 700 m/s, kém hơn Pechora-2D (800 m/s) hay Pechora-2TM (900 m/s).
Nếu chọn phương án nâng cấp này sẽ khiến chi phí tăng lên do không tận dụng được khung gầm xe nguyên bản của tổ hợp cũ, nhất là khi thêm xe thì sẽ phát sinh thêm chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa.
Bên cạnh đó, trọng lượng toàn bộ xe bệ phóng lên tới trên 31 tấn, khá cồng kềnh, không phù hợp với điều kiện hạ tầng và khả năng đáp ứng khí hậu khắc nghiệt, nóng ẩm ở Việt Nam vẫn là dấu hỏi lớn.
Không những thế, quá trình nâng cấp với bệ phóng đặt lên khung gầm xe tải MZKT-8022 rất phức tạp, đồng thời phải cải tiến cả xe chở đạn cho phù hợp với bệ phóng mới.
Trong điều kiện ngân sách có hạn, việc nâng cấp toàn diện theo phương án Pechora-2M vượt quá khả năng của Việt Nam. Dẫu vậy, Ai Cập, Venezuela, Syria đã lựa chọn gói nâng cấp này.
Phiên bản Pechora-2M của Liên doanh Nga/Belarussia
Phiên bản Pechora-2TM: Do Công ty Tetraedr (Belarussia) phát triển thành tổ hợp tên lửa phòng không bán tự hành với nhiều tính năng ưu việt như đa kênh, kháng nhiễu tốt, tận dụng được nhiều khí tài, trang bị của tổ hợp nguyên bản.
Hiện tại có ít nhất 2 quốc gia chọn phương án nâng cấp này với số lượng lên tới hàng chục bộ.
Ngoài ra, Cuba cũng có bản nâng cấp tên lửa Pechora đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55.
Tuy nhiên, hầu như không có thông tin về tính năng kỹ, chiến thuật của loại tên lửa này nên khó có thể phân tích chi tiết, nhưng rõ ràng nếu đặt trên khung gầm xe tăng thì chắc chắn sẽ không phù hợp với Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam có rất nhiều lựa chọn khi triển khai nâng cấp các tổ hợp tên lửa phòng không Pechora. Xét trên nhiều khía cạnh, có 2 phiên bản nâng cấp phù hợp với điều kiện và nghệ thuật tác chiến của Việt Nam là Pechora-2M và Pechora-2TM.
Cuối cùng bản nâng cấp Pechora-2TM do Công ty Tetraedr (Belarussia) phát triển đã vượt lên tất cả để giành chiến thắng. Vậy tại sao Việt Nam chọn phiên bản này?
Còn tiếp