Hành trình khổ luyện của phi công trực thăng chiến đấu VN

Nghề phi công vốn được tuyển đầu vào kỹ càng, nhưng học để trở thành phi công trực thăng chiến đấu là cả quá trình gian nan.

Gặp thượng tá Đỗ Thanh Hồng, trung đoàn phó, tham mưu trưởng Trung đoàn không quân trực thăng 917, tại bếp ăn tập thể trung đoàn, lập tức nghe anh “than”: Mình vừa trải qua kỳ thi sát hạch sáng nay. Thấy làm phi công có khổ không, hơn năm mươi tuổi rồi mà vẫn phải học, vẫn phải thi.

Anh Hồng là một trong những phi công trực thăng chiến đấu của trung đoàn đạt cấp bay cao nhất - cấp 1, có số giờ bay tích lũy trên 2.000. Được đào tạo bài bản ở Liên Xô (cũ) lái trực thăng chiến đấu Mi-24, anh khá dày dạn trận mạc khi từng tham gia giúp bạn Campuchia đánh đuổi quân Khmer đỏ Pol Pot, tiễu phỉ Fulro…

Kinh nghiệm là vậy nhưng khi chuyển qua lái máy bay khác vẫn phải học chuyển loại, vẫn phải thực hành bay và phải sát hạch.

Nghề phi công vốn được tuyển đầu vào kỹ càng, nhưng học để trở thành phi công trực thăng chiến đấu là cả quá trình gian nan.

Đại tá Trần Văn Quang, trung đoàn trưởng bắt tay chúc mừng thượng úy Nguyễn Xuân Lộc vừa hoàn thành đợt huấn luyện bay đường dài .
Đại tá Trần Văn Quang, trung đoàn trưởng bắt tay chúc mừng thượng úy Nguyễn Xuân Lộc vừa hoàn thành đợt huấn luyện bay đường dài .

Thượng úy Nguyễn Xuân Lộc, tốt nghiệp Trường sĩ quan không quân Nha Trang năm 2008, hiện đang được huấn luyện trở thành lái chính chuyển loại trực thăng, cho biết: Để tốt nghiệp được phải học rất căng. Khóa tôi chỉ tốt nghiệp chưa tới 55%. Ai tốt nghiệp thì trở thành phi công, còn lại xuống phục vụ mặt đất.

Đại tá Trần Văn Quang, trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 917, cho biết, trước đây trung đoàn chỉ tập trung đào tạo, huấn luyện phi công bay chuyển loại. Hầu hết phi công này đã tốt nghiệp trường sĩ quan không quân Nha Trang.

Họ đã có kinh nghiệm nhất định tại trường trong việc cầm lái các loại máy bay huấn luyện như L-39, Yak-52… Một số khác do nhu cầu chuyển đổi công tác từ lái máy bay phản lực chiến đấu sẽ chuyển qua lái trực thăng. Kể từ đầu năm 2013, trung đoàn được giao huấn luyện học viên bay.

Trong thời gian huấn luyện tại trung đoàn, các học viên bay phải trải qua ít nhất 100 giờ bay với hàng loạt khoa mục từ đơn giản tới phức tạp, chẳng hạn bay treo (bay tại chỗ), vòng kín, bay khu vực, chọn bãi ngoài…

Sau thời gian huấn luyện thực tế, học viên bay sẽ trở lại trường để thi tốt nghiệp. Nếu vượt qua kỳ thi sẽ chính thức trở thành sĩ quan không quân. Nhưng khác với các ngành nghề thông thường, tốt nghiệp đại học đã có thể hành nghề, còn với phi công trực thăng chiến đấu thì phải tiếp tục học, luyện tập các khoa mục phức tạp hơn để đảm đương được nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu.

Chở quân, thả dù, chống khủng bố và ném bom

Trở thành phi công là ước mơ của không biết bao nhiêu bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời. Tuy nhiên, phi công trực thăng cũng có nhiều cấp độ khác nhau mà phải kinh qua thời gian trui rèn, thử thách khó khăn mới đạt được.

Khi mới tốt nghiệp trường sĩ quan không quân là bạn đang ở cấp thấp nhất – cấp không cấp, còn phải trải qua hàng chục khoa mục huấn luyện “trần ai” mới được phê chuẩn là phi công.

Trong thời gian đó, không phải ai và lúc nào cũng giữ được phong độ. Để “thăng hạng” lên cấp 3, ngoài nắm vững lý thuyết, phi công phải đáp ứng nhiều điều kiện khó khăn, chẳng hạn phải thực hiện thành công các khoa mục khó như treo cẩu trên biển, hạ cánh trên tàu vận tải hải quân, treo cấp cứu trên đất liền, trên biển, thực hành bắn rốc két trên bộ, trên biển, bay đường dài, bay đêm…, trong năm không để xảy ra vụ việc nào gây uy hiếp an toàn bay, kèm theo kinh nghiệm tối thiểu 350 giờ bay.

Lên cấp 2 thì trước đó phải đạt cấp 3 và hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện ở mức độ cao hơn, khó hơn, phải tích lũy ít nhất 650 giờ bay. Trở thành phi công cấp 1- cấp cao nhất- điều kiện còn khó khăn hơn nữa, kèm theo tối thiểu 850 giờ bay.

Dù cấp nào thì hàng năm các phi công chiến đấu đều phải trải qua các kỳ thi về lý thuyết, thể lực…Nâng cấp đã khó, giữ cấp đôi khi còn khó hơn…Rất nhiều yếu tố có thể dẫn tới việc bị giáng cấp, chẳng hạn như sức khỏe.

Cho dù lý thuyết đạt chuẩn, kỹ thuật và trình độ tay nghề của phi công điêu luyện, nhưng nếu lười vận động, để sức khỏe đi xuống là coi chừng rớt hạng.

Thượng tá Nguyễn Quốc Long, chính ủy trung đoàn cho biết, tùy vào khả năng, trình độ và bản lĩnh của phi công mà ban chỉ huy trung đoàn giao nhiệm vụ cụ thể.

Chẳng hạn việc thực hành hạ cánh trên tàu vận tải hải quân LST đậu trên sông Sài Gòn là một trong những hạng mục khó vì tàu đậu giữa sông, sàn tàu hẹp, xung quanh nhiều chướng ngại vật… Nhưng các phi công đều phải luyện tập hạ cánh nhiều lần cho quen, để sau này thực hiện nhiệm vụ hạ cánh trên các nhà giàn DK1 giữa biển khơi trong điều kiện sóng gió lớn. Hoặc bay treo tại chỗ, treo cấp cứu trên đất liền, trên biển cũng là nhiệm vụ đòi hỏi phi công có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh.

Có rất nhiều nhiệm vụ chiến đấu trong thực tế liên quan gần gũi tới khoa mục huấn luyện này, chẳng hạn như giúp lực lượng đặc nhiệm đổ quân xuống tòa nhà bị chiếm giữ bởi lực lượng khủng bố, cứu người bị nạn trong những vụ hỏa hoạn nhà cao tầng…

Đại tá Trần Văn Quang, trực tiếp điều khiển trực thăng chở lực lượng đặc nhiệm kể: Đợt diễn tập chống khủng bố tại sân bay Liên Khương, Đà Lạt với giả định bọn khủng bố chiếm tòa nhà sân bay, khống chế toàn bộ con tin, Trung đoàn được lệnh điều trực thăng đưa lực lượng đặc nhiệm tới, bất ngờ đột nhập từ trên không để giải cứu con tin và tiêu diệt bọn khủng bố. Tòa nhà bị đốt cháy ở nhiều nơi, khói lửa mịt mù, nhưng tổ bay trực thăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đại úy Trương Thanh Bình, sinh năm 1980, quê Quảng Bình, phi đội phó Phi đội 1, là sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn. Anh “gom” được rất nhiều giấy khen, bằng khen về thành tích bắn đạn thật trong các cuộc diễn tập phối hợp hiệp đồng tác chiến.

Theo đại úy Bình, bắn đạn thật là khoa mục khó, phức tạp, đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên tổ bay, bản thân người lái phải quyết đoán, động tác bắn phải nhanh, chính xác.

Có rất nhiều động tác phải thực hiện. Chẳng hạn để tránh hỏa lực, radar của đối phương, tổ bay phải bay thấp để tiếp cận mục tiêu. Đến cự ly nhất định phải vọt lên cao rồi bổ nhào, khóa mục tiêu, phóng rốc két rồi mau chóng bay thoát ly…

Nói thì đơn giản vậy nhưng phi công và tổ bay phải tính toán chi li từ vận tốc bay, độ cao, cự ly lúc nào thì bay thấp, lúc nào thì vọt cao và lúc nào thì nhấn nút tiêu diệt kẻ thù…Tuy nhiên, lần nào Bình cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Không chỉ đại úy Bình, hiệu suất bắn trúng mục tiêu của các phi công trung đoàn 917 thường đáng nể, kể cả trong diễn tập bắn mục tiêu trên biển vốn là khoa mục khó hơn hẳn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại