Hãng sản xuất xe tăng Armata có thể bị phá sản

Quang Huy |

Ngân hàng Alfa-bank (Nga) thông báo với những cổ đông của tập đoàn Uralvagonzavod – nơi chế tạo xe tăng “Armata” – về kế hoạch đệ đơn yêu cầu cho tập đoàn này phá sản lên toà án.

Trước đó, Alfa-bank cũng đã gửi đơn khiếu nại yêu cầu Tập đoàn Uralvagonzavod thanh toán các khoản nợ tín dụng của một công ty con.

Thông tin này do hãng thông tấn Interfax cung cấp.

“Ngân hàng Alfa-bank thông báo về kế hoạch đệ đơn lên toà án kinh tế với yêu cầu công nhận Uralvagonzavod không còn khả năng thanh toán (phá sản)” - thông báo đăng tải trên mục “Thông tin phá sản” của tờ “Kommersant” ghi rõ.

Phó tổng giám đốc Uralvagonzavod, ông Alexei Zharich chia sẻ với hãng tin RBC rằng, ngân hàng Alfa-bank sẽ đệ đơn khiếu nại vì khoản nợ quá hạn của “Uraltrac” - công ty con của Uralvagonzavod, tuy nhiên khoản nợ quá hạn này đã được thanh toán toàn bộ.

Ông Zharich nói:

“Tuy nhiên, ngân hàng vẫn giữ quan điểm không mang tính xây dựng khi yêu cầu thanh toán toàn bộ khoản nợ 6 tỷ rúp.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Uralvagonzavod thừa nhận rằng công ty “Uraltrac” luôn gặp vấn đề về tài chính, nhưng tập đoàn đã xây dựng kế hoạch xử lý khủng hoảng với mục tiêu bao gồm cả việc thanh toán các khoản nợ tín dụng.

Dự kiến, Chính phủ cũng sẽ tham gia hỗ trợ doanh nghiệp”.

 	Một số hình ảnh về xưởng sản xuất xe tăng T-90 ở nhà máy UralVagonZavod

Bên trong xưởng chế tạo xe tăng của nhà máy Uralvagonzavod

Trước đó, từng có thông tin về việc ngân hàng Alfa-bank đã nộp đơn khiếu nại lên toà án kinh tế Moscow với yêu cầu truy thu của tập đoàn “Uralvagonzavod” hơn 6 tỷ rúp và 39,72 triệu USD tiền tín dụng chậm thanh toán của công ty con “Uraltrac”.

Hồi cuối tháng 4/2015, ngân hàng Alfa-bank đã nộp đơn khiếu nại lần thứ hai đối với Uralvagonzavod về khoản nợ liên quan tới chính các công ty con – công ty TNHH “Uraltrac” và công ty TNHH “Công viên công nghệ “Tractorozavodsky”.

Cổ đông nắm giữ 100% cổ phần của Tập đoàn Uralvagonzavod là Cơ quan quản lý tài sản liên bang.

Nhà máy Uralvagonzavod sản xuất gần 100 loại sản phẩm, trong đó có xe tăng thế hệ mới đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới – T-14 Armata.

Trước đó tờ Wall Street Journal (Mỹ) thông báo rằng Bộ Quốc phòng Nga cắt giảm số lượng đơn đặt hàng xe tăng Armata do nhà máy Uralvagonzavod sản xuất vì các khoản chi phí chế tạo chiếc xe tăng này tăng.

Trao đổi với RBC, Phó tổng giám đốc Uralvagonzavod, ông Vyacheslav Khalitov khẳng định rằng, “không hề có kế hoạch cắt giảm đơn đặt hàng, hợp đồng đã và đang được thực hiện, không có bất cứ vấn đề nào liên quan tới hợp đồng này”.

“Nếu vấn đề liên quan tới giá thành thì nó đã được thống nhất với Bộ Quốc phòng, đó là mức giá hợp lý, phù hợp với phương pháp tính giá mà tất các bộ ngành cùng thống nhất.

Hiện nay, các chi phí nguyên vật liệu, phụ tùng tăng nhưng chúng tôi vẫn kiểm soát trong khuôn khổ giá thành sản xuất theo kế hoạch”, ông Khalitov nói.

Hồi cuối tháng 4, từng có thông tin cho rằng Uralvagonzavod đã phải cho hơn 5 nghìn nhân viên của nhà máy chính tạm thời nghỉ việc vì “thị trường chế tạo toa xe đang gặp khó khăn và không có nhiều đơn đặt hàng”.

Các công nhân sẽ nghỉ tới cuối tháng 5 với điều kiện công ty đảm bảo 2/3 mức lương trung bình cho họ. Tổng cộng có gần 30 nghìn công nhân làm việc tại Uralvagonzavod.

>>> Mỹ có cần lo sợ tăng Armata "chỉ mang tính trình diễn" của Nga?

>>> Tăng Armata gặp sự cố "đáng xấu hổ": Không thể phạt! Phải thưởng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại