Hàng nhái J-11D có đấu lại Su-35 trong lĩnh vực xuất khẩu?

Đức Anh |

J-11D sao chép hầu hết các đặc tính thiết kế từ gia đình Flanker, nhưng sự yếu kém về động cơ và hệ thống điện tử khiến nó khó lòng đấu lại Su-35 trên thị trường quốc tế.

Gia đình Su-27 Flanker - "Con gà đẻ trứng vàng"

Theo National Interest, tiêm kích đánh chặn hạng nặng Su-27 Flanker được thiết kế để chống lại chiến đấu cơ F-15 Eagle của Không quân Mỹ.

Flanker đã phát triển vượt ra ngoài những điều mà các công trình sư có thể tưởng tượng. Những biến thể của gia đình Flanker không chỉ được sản xuất tại Nga mà còn ở Trung Quốc với những bổ sung riêng.

Nga chế tạo khá nhiều thành viên của gia đình Flanker từ phiên bản tiêu chuẩn Su-27S đến biến thể tiên tiến nhất là Su-35S.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tạo ra một bản sao khác của Flanker là J-11B/D và nước này tiếp tục sửa đổi, chắp vá để tạo ra một thiết kế tiên tiến và sáng tạo so với bản gốc của Liên Xô.

Hầu hết máy bay Flanker của Trung Quốc đều là sao chép không giấy phép và sửa đổi lại phần cứng ban đầu của Nga.

Do vậy, J-11D và gia đình Flanker có thể đối đầu với nhau trong thương mại quốc phòng những năm tới. Người ta dễ dàng hình dung một kịch bản mà Su-35S sẽ cạnh tranh với J-11D trên thị trường chiến đấu cơ tương lai.

Tiêm kích đa năng J-11D của Trung Quốc
Tiêm kích đa năng J-11D của Trung Quốc

Động cơ - Nút cổ chai của J-11D

Nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar cho rằng, trong Su-35S có một số công nghệ lõi mà hàng nhái J-11D không thể với tới. Su-35S là biến thể tiên tiến nhất trong gia đình Flanker, có hệ thống điện tử nâng cao, khung máy bay mới, động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3D.

Su-35S là một chiến binh đủ khả năng tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với lực lượng không quân phương Tây. Các thành viên khác của gia đình Flanker như Su-30SM, Su-34 cũng là những chiến đấu cơ rất có năng lực.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đi xa hơn so với việc sao chép ban đầu để áp dụng những công nghệ riêng của họ vào thiết kế gốc. Một chuyên gia trong ngành công nghiệp Mỹ từng nói, Trung Quốc đang xây dựng một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tiên tiến.


Trung Quốc vẫn bất lực trong việc sản xuất động cơ phản lực có hiệu suất tin cậy. Ảnh:FYSJ

Trung Quốc vẫn bất lực trong việc sản xuất động cơ phản lực có hiệu suất tin cậy. Ảnh:FYSJ

Vấn đề chủ yếu đối với Trung Quốc là họ gặp khó khăn trong việc phát triển động cơ phản lực. Các kỹ sư chế tạo được động cơ ở quy mô phòng thí nghiệm, nhưng họ không thể sản xuất các động cơ phản lực đáng tin cậy. Đây chính là “gót chân Achilles” của Bắc Kinh.

Trung Quốc có thể bắt kịp tốc độ phát triển hệ thống điện tử và cảm biến, tuy nhiên năng lực của chúng không thực sự rõ ràng.

Bắc Kinh đã chế tạo được các loại radar quét mạng pha điện tử thụ động (PESA) và chủ động (AESA), nhưng không rõ các tổ hợp radar này đã sẵn sàng hoạt động hay chưa?

Tương tự, Bắc Kinh cũng đang phát triển hệ thống tác chiến điện tử, cảm biến tìm kiếm mục tiêu hồng ngoại và hệ thống quang điện riêng. Nhưng thông tin thực tế về các hệ thống này rất ít, trong khi tài liệu quảng cáo lại quá ấn tượng.

Trung Quốc là quốc gia còn non trẻ trong ngành chế tạo máy bay chiến đấu và các thiết bị phụ trợ. Do vậy nhiều khả năng hầu hết các biến thể gốc của Flanker do Nga sản xuất vẫn vượt trội so với hàng nhái của Đại Lục.

Tuy nhiên, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn tạo ra những bản sao ấn tượng của gia đình Flanker.

Ngoài bản gốc J-11 và J-11A lắp ráp theo giấy phép và bản nâng cấp J-11B, Trung Quốc đã cho ra đời biến thể tiên tiến J-11BS, J-11D và J-16 với nhiều công nghệ cốt lõi bản địa.

Bắc Kinh cũng sao chép thành công tiêm kích trên hạm J-15 từ nguyên mẫu T-10K của Su-33, 3 phiên bản Flanker có năng lực nhất do Trung Quốc sản xuất là J-15, J-16 và J-11D.

J-11D ở nhiều khía cạnh có thể tương đương Su-35 của Nga, nhưng xét về tổng thể nó kém hơn ở hệ thống điện tử và động cơ.

Lợi thế của J-11D là chi phí thấp hơn Su-35, nó sẽ là một sản phẩm hấp dẫn nếu Trung Quốc chế tạo được động cơ đủ tin cậy. Họ hoàn toàn có thể cạnh tranh, thậm chí vượt qua Nga trong lĩnh vực hàng không quân sự trong tương lai.

Trung Quốc có nhiều tiền và sẵn sàng chi tiêu để nâng cao khả năng của mình. Bên cạnh đó, Bắc Kinh luôn khuyến khích sao chép các công nghệ mà họ chưa sở hữu. Điều đó giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Hơn nữa, Trung Quốc dường như đã nắm được hầu hết các công nghệ hữu ích của Nga. Giờ đây, họ đang tập trung đánh phá lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ Mỹ.

Nhưng cuối cùng, Trung Quốc lại bị đe dọa bởi sự thiếu đổi mới ở trong nước, kiểm soát chất lượng kém là một trong những lý do chính khiến Bắc Kinh thất bại trong việc phát triển động cơ phản lực đạt chuẩn.

Cho đến khi hoàn thiện việc sản xuất động cơ phản lực, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Trung Quốc sẽ không đảm bảo an toàn cho khách hàng trong việc độc lập với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại