Cụ thể, F-35 không thể phân biệt các loại linh kiện trên thân máy bay, người dùng không thể đăng nhập vào hệ thống thông tin của phi cơ, và khi thoát khỏi máy bay trong trường hợp khẩn cấp, phi công có thể sẽ bị chấn thương cổ, thậm chí là tử vong.
Phi cơ F-35, phiên bản dành cho Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đang cất cánh.
Mới đây, văn phòng phụ trách thử nghiệm và đánh giá khí tài quân sự (OT&E) của Lầu Năm Góc đã công bố báo cáo liệt kê những khuyết điểm của F-35 hiện tại.
Báo cáo này cũng bày tỏ sự bất đồng đối với việc chính phủ Mỹ đang hối thúc các nước khác mua loại máy bay này với số lượng lớn khi những vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Không quân Mỹ dự kiến sẽ công bố rằng F-35 đã sẵn sàng cất cánh, hay đã đạt “khả năng hoạt động ban đầu” (IOC) vào tháng 8 hoặc tháng 12 này.
Trước đó, phiên bản F-35 dành cho lực lượng lính thủy đánh bộ đã được cho hoạt động. Sau đó, giai đoạn thử nghiệm và đánh giá ban đầu của F-35 mới được thực hiện vào năm 2017.
Theo báo cáo của văn phòng Lầu Năm Góc, đó là thời gian biểu không hợp lý trừ phi Không quân Mỹ cắt bớt một số giai đoạn quan trọng trong khâu kiểm định.
Dưới đây là những phát hiện về F-35 mà báo cáo đã nêu ra.
Phiên bản F-35 mà Lực lượng Thủy quân Lục chiến đang sử dụng có rất nhiều lỗi
Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ đã đẩy nhanh quá trình kiểm tra hoạt động của F-35 vào tháng 5/2015 để có thể tuyên bố đạt khả năng hoạt động ban đầu vào tháng 7 cùng năm.
Theo báo cáo, những lỗi mà máy bay đang gặp phải gồm có phần mềm buồng lái.
Ví dụ, “phần mềm hệ thống điện tử gây nhiễu, cùng các chương trình quản lý các loại vũ khí trên máy gặp lỗi khiến cho phi công gặp khó khăn khi quan sát giao diện, giảm bớt thời gian phản ứng trước hiểm họa”.
Khi báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố, Trung tướng Chris Bogdan thuộc văn phòng phụ trách F-35 đã đưa ra thông báo nhằm xoa dịu tình hình.
“Một lần nữa, báo cáo của OT&E đề cập đến những bước tiến trong chương trình F-35.
Thứ nhất là việc phiên bản F-35 của Lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ tuyên bố sẵn sàng vận hành vào tháng 7/2015, bởi nó nâng cao khả năng chiến đấu của họ.
F-35 có đủ loại vũ khí để có thể hỗ trợ quân bộ, đánh chặn đối phương từ trên không và gây sức ép đối với hỏa lực phòng không của chúng”, thông báo viết.
Điều đó có nghĩa là chiếc máy bay F-35 có trị giá khoảng 90 đến 180 triệu USD thực tế có rất nhiều điểm tương đồng với phi cơ A-10, chỉ có giá 18,8 triệu USD và đã có mặt từ cách đó hàng chục năm.
Hệ thống ALIS vẫn không hiệu quả
Các kỹ sư đang xem xét hiệu chỉnh hệ thống máy tính của F-35.
Hệ thống máy tính chính mà F-35 đang sử dụng có tên là Hệ thống Kiểm soát Thông tin Tự động (ALIS), có chức năng tự phát hiện những hỏng hóc của tất cả các bộ phận có trên máy bay.
Hệ thống này rất khó bị người ngoài xâm nhập, nhưng ngay cả các kỹ sư phụ trách cũng gặp nhiều khó khăn khi nâng cấp. Sau đó, văn phòng dự án F-35 khẳng định vấn đề này đã được sửa chữa.
Tuy nhiên, sau nhiều lần cập nhật, những vấn đề cố hữu của ALIS vẫn còn đó và thậm chí còn có thêm những vấn đề mới.
“Sau mỗi phiên bản mới của ALIS, mặc dù tính năng của nó được tăng thêm, song những khuyết điểm từ các phiên bản trước vẫn chưa được giải quyết”, báo cáo viết.
F-35 còn có vô số lỗi kỹ thuật khác
Dưới đây là những lỗi thường gặp khi vận hành một phi cơ F-35:
- Máy bay không phân biệt được linh kiện mới và cũ. Hệ thống Máy tính Giám sát Bảo trì của F-35, viết tắt là CMMS, “thường cho phép các bộ phận cũ hoặc không đúng chức năng được lắp đặt trên máy bay”.
- Máy bay không cảnh báo cho phi công khi máy bay bay với tốc độ quá nhanh và những hậu quả gây ra. Báo cáo OT&E cho biết:
“Hệ thống Kiểm soát Giới hạn của F-35, được thiết kế để cảnh báo máy bay đã vượt quá ngưỡng an toàn, không hoạt động một cách chu đáo”.
- Máy bay cũng “vô cớ ngăn không cho phi công đăng nhập vào ALIS”.
- Máy bay không xác định được mức độ hư hại của các bộ phận của chính nó. “Mã lệnh đánh giá tổn hại trên máy bay được đưa vào hệ thống để giúp các kỹ sư bảo dưỡng phát hiện vấn đề đã không phát huy hiệu quả của mình”.
- Phi công phải báo cho phòng hỗ trợ kỹ thuật của Lockheed Martin bởi máy bay không xử lý được những dữ liệu cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Thật vậy, “việc quản lý những thông tin liên quan đến nhiệm vụ bay cần có sự phối hợp từ phía nhà thầu”.
Hệ thống ghế thoát hiểm của phi công cũng bị phát hiện có nhiều lỗi.
Nếu phi công nhảy dù khẩn cấp khỏi máy bay, người đó có thể thiệt mạng
Một vấn đề còn nghiêm trọng hơn thế, đó là hệ thống ghế bật thoát hiểm của F-35 rất nguy hiểm. Phi công có trọng lượng dưới 61 kg không được phép điều khiển bất kỳ phiên bản F-35 nào.
Trong khi đó, phi công nặng dưới 75 kg có 25% khả năng tử vong và 100% gặp chấn thương cổ khi thoát ra khỏi máy bay.
“Kết quả thử nghiệm cho thấy ghế lái của phi công lộn ngược lại sau khi thoát ra khỏi buồng lái. Điều này sẽ khiến cổ của người lái bị kéo giãn, đầu của người này bị ngửa ra đằng sau.
Khi dù bật mở và phi công bắt đầu tách ra khỏi ghế, phi công sẽ phải hứng chịu một lực mạnh lên thân người. Ảnh hưởng của ghế lái xoay trên không cùng với việc cổ bị kéo căng sẽ lớn hơn đối với những phi công có trọng lượng thấp”, báo cáo viết.
Dù vậy, văn phòng phụ trách dự án F-35 vẫn tin rằng họ vẫn có thể bước vào giai đoạn thử nghiệm hoạt động vào cuối mùa hè năm 2017.
“Mặc dù báo cáo của Lầu Năm Góc có phần chính xác, nó không đề cập đến những nỗ lực nhằm giải quyết những thách thức về kỹ thuật.
Trách nhiệm của chúng tôi là nhằm tìm những vấn đề kỹ thuật, sửa chữa chúng và thực hiện với thời gian và ngân sách mà chúng tôi được giao”, ông Bogdan cho biết.
Ngừng việc mua bán hàng loạt F-35
Báo cáo cũng nhắc đến việc chính phủ Mỹ ngừng việc thúc đẩy chính sách bán hàng loạt F-35, buộc các đối tác đồng ý mua số lượng lớn loại máy bay này phải cân nhắc.
Theo văn phòng Lầu Năm Góc, số lượng máy bay gặp lỗi hiện rất lớn trong khi chúng càng lúc càng khó và tốn nhiều ngân sách hơn để sửa chữa.
Mặc cho những lỗi kỹ thuật chưa được giải quyết, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục thỏa thuận bán hàng loạt loại máy bay này.
Theo các công ty quốc phòng, các thỏa thuận mua bán hàng loạt là một trong những cách nhằm giảm bớt chi phí sản xuất đối với loại máy bay đắt tiền như F-35.
Cụ thể, nó có thể sẽ giúp Mỹ tung ra 450 chiếc cho các nước đối tác từ năm 2018 đến 2020. Nhưng theo báo cáo, lợi nhuận thu được từ cách làm này có thể sẽ không như các doanh nghiệp tưởng tượng.
“Có nên không khi Mỹ đang thực hiện bán hàng loạt F-35 trong khi chính nó đang cần phải sửa chữa nhiều lần trước khi tung ra chiến đấu, và lỗi kỹ thuật sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong suốt quá trình thử nghiệm?”, báo cáo viết.
Chính phủ nhiều nước đang có kế hoạch thống nhất thỏa thuận mua máy bay F-35 với số lượng lớn trong năm nay. Với sự xuất hiện của báo cáo này, họ sẽ phải đặt ra những câu hỏi về loại phi cơ này trong những tháng sắp tới.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang tin công nghệ quốc phòng Defense One của Mỹ. Defense One chuyên cung cấp tin tức, các bài phân tích về các chủ đề và xu hướng sẽ định hình tương lai của quốc phòng và an ninh quốc gia Mỹ.