Quân đội Hàn Quốc đang phải đối đầu với một vấn đề nghiêm trọng, không có vũ khí để ngay lập tức “trả đũa” các cuộc pháo kích từ phía Triều Tiên trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công từ bờ biển. Họ hy vọng rất nhiều vào tên lửa Spike của Israel, nhưng hóa ra tên lửa này lại không hoạt động hiệu quả trong môi trường Hàn Quốc.
Vấn đề này đã được báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa ra, vậy chuyện gì đã xảy ra với tên lửa Spike?
Hãy quay về thời kỳ tháng 10/2010, phía Triều Tiên đã bất ngờ tấn công đảo Yeonpyeong bằng đại bác làm 20 người bị thương, từ đó đến nay khu vực này trở thành điểm nóng trên vùng biển tây bắc Hàn Quốc.
Vấn đề “đau đầu” chính của Hàn Quốc là các trung đoàn đại bác ven biển của Triều Tiên được “bảo vệ” rất tốt, để có thể vô hiệu hóa chúng chỉ có cách “giải phẫu” bằng những loại vũ khí tấn công chính xác. Thông thường các khẩu đại bác của Triều Tiên được bố trí sâu trong những hẻm núi đá ven biển vì vậy muốn “khống chế” chỉ có những vũ khí nhỏ và chính xác mới có thể “len” sâu vào những vị trí như “hang động”.
Lực lượng chính có thể tấn công Triều Tiên từ các đảo Yeonpyeong và Baengnyeong của Hàn Quốc là pháo tự hành K-9, thế nhưng K-9 không thể “vô hiệu hóa” hỏa lực đối phương. Ngoài ra, để bắn phá vị trí đại bác của Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc còn có thể sử dụng các may bay chiến đấu F-15K và KF-16, khốn thay, căn cứ của không quân lại cách các hòn đảo quá xa, không cho phép “dập tắt” hỏa lực đối phương tức thì.
Trước hoàn cảnh này, Quân đội Hàn Quốc đã đưa ra một phương án có thể khống chế ngay lập tức các cuộc tấn công bằng đại bác lên các hòn đảo từ phá Triều Tiên, đó là mua và bố trí tên lửa có độ chính xác cao Spike (phiên bản NLOS) trên các hòn đảo Yeonpyeong và Baengnyeong. Chỉ có điều các nhà quân sự Hàn Quốc quá chủ quan, không kiểm tra tính năng kỹ chiến thuật của các tên lửa này trong tình hình thực tế tại Hàn Quốc, bởi vì họ quá tin tưởng vào thử nghiệm của quân đội Anh.
Cho đến lúc “nước sôi lửa bỏng” mới xuất hiện những tình huống “nửa khóc nửa cười”, vì rằng tên lửa Spike không đáp ứng các yêu cầu trước đó là có thể đối đầu với hỏa lực của Triều Tiên.
Theo công bố, nhược điểm đầu tiên là vấn đề về tính năng của hệ thống phóng. Trên mỗi tổ hợp có 4 bệ phóng, thế nhưng khi mà tên lửa đầu tiên chưa bắn trúng mục tiêu thì tên lửa thứ hai không thể phóng bởi vì tên lửa phải được điều khiển một cách riêng biệt. Đối với Hàn Quốc, giả định có những cuộc tấn công dồn dập, tốc độ cao thì điều này là không thể chấp nhận.
Seoul đã lên kế hoạch mua 60 tên lửa Spike và hai tổ hợp, mỗi tổ hợp có bốn bệ phóng với giá 43 triệu USD. Cho dù cùng lúc Hàn quốc phóng 8 tên lửa, nhưng sau đó phải đợi những quả tên lửa này bay “trúng đích” sau đó mới phóng loạt tên lửa tiếp theo. Theo các chuyên gia, đều này là không đủ để chống lại các hỏa lực mạnh của Triều Tiên.
Khiếm khuyết cơ bản thứ hai của các tên lửa của Israel là không thích ứng để thực hiện các cuộc tấn công trong điều kiện tự nhiên ở quần đảo phía tây bắc Hàn Quốc, đó là lỗi từ các cảm biến hồng ngoại và quang học của tên lửa.
Một sỹ quan giấu tên chia sẻ, nếu trong điều kiện có sương mù thì hiệu quả chiến đấu của các tên lửa giảm đi đáng kể. “Trong khu vực đảo Yeonpyeong và Baengnyeong thường xuyên xuất hiện sương mù. Trong điều kiện như vậy, tên lửa Spike sẽ vô cùng khó khăn để “dập tắt” các khẩu đại bác của Triều Tiên, được bố trí trong các hang động của núi đá”, viên sỹ quan này cho biết.
Theo thông báo, năm ngoái Seoul đã chuyển cho phía Israel một danh sách những thiếu sót và yêu cầu đối tác phải có biện pháp khắc phục. Một số công việc đã được tiến hành bởi các kỹ sư Israel, song kết quả vẫn chưa được như mong đợi.
Theo tờ Chosun Ilbo, trong quá trình thử nghiệm từ tháng 10 và tháng 11 năm trước cho đến cuộc thử nghiệm vào tháng Giêng vừa qua, trong 10 lần phóng, hầu hết các tên lửa sau khắc phục không bay trúng mục tiêu. Chỉ có trong tháng Ba vừa qua, cả ba lần phóng thử nghiệm đều thành công trong điều kiện có sương mù. Quân đội Hàn quốc ngay lập tức quyết định áp dụng modul này, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về vấn đề này.
“Việc phóng ở Israel diễn ra trong sa mạc. Đây là một tình huống hoàn toàn khác. Ở chỗ chúng tôi, tên lửa cần phải bay trên mặt nước, sau đó bay vào trong các hang động. Do đó, công tác thử nghiệm phải được lặp đi lặp lại nhiều lần, trong các tình cảnh tương tự như khu vực các hòn đảo Yeonpyeong và Baengnyeong …” đại diện Bộ quốc phòng Hàn Quốc (giấu tên) yêu cầu.
Được biết, Spike là dòng tên lửa đa chức năng. Được thiết kế để chống tăng, bắn phá các công trình quân sự và cả các mục tiêu trên biển, được sản xuất bởi Rafael của Israel. Spike-NLOS Tammuz là phiên bản tầm xa (khoảng cách công phá đến 25 km).
Trước tình ngày càng “nóng bỏng” trên bán đảo Triều Tiên, nếu như các tổ hợp tên lửa Spike-NLOS hoạt động không hiệu quả, sức mạnh canh giữ biển đảo của Quân đội Hàn Quốc sẽ bị giảm đi đáng kể.