Hàn Quốc chế UAV tàng hình vẫn chào thua Triều Tiên

Tuấn Hưng |

Dù sở hữu những máy bay không người lái đỉnh cao nhưng Hàn Quốc tỏ ra lép vế trước số lượng áp đảo của UAV Triều Tiên.

Đẳng cấp công nghệ

Theo trang Defence.ru ngày 31/3, Quân đội Hàn Quốc đang phát triển tổ hợp máy bay không người lái mới (UAV) với tên gọi KUS-X.

Dòng UAV Hàn Quốc đang phát triển được áp dụng sâu công nghệ tàng hình và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như phát hiện sớm các đơn vị pháo binh và bệ phóng tên lửa di động của đối phương.

Được biết, tham gia phát triển KUS-X là các công ty chế tạo hàng không Korean Air Lines và Korea Aerospace Industries.

Dự kiến, Korean Air Lines và Korea Aerospace Industries sẽ chế tạo hai phiên bản KUS-X cỡ lớn và thu nhỏ để thực nghiệm công nghệ vật liệu tàng hình và hoàn thiện hình dáng khí động học của UAV mới.

Mô hình UAV KUS-X.
Mô hình UAV KUS-X.

Sau đó, các hãng chế tạo trên sẽ giới thiệu 8 nguyên mẫu của KUS-X cho Quân đội Hàn Quốc đánh giá và lựa chọn. Theo các nguồn tin công khai, UAV KUS-X sẽ được trang bị lớp sơn phủ có khả năng hấp thụ sóng radar.

Cùng với đó, thiết kế cửa tiễn khí, cửa xả động cơ, hệ thống quan sát quang - ảnh nhiệt, radar đều được thiết kế giấu vào trong thân UAV để giảm khả năng bị phát hiện. Hiện tại, Hàn Quốc vẫn giữ kín thông tin về đặc điểm kỹ-chiến thuật của UAV KUS-X mới.

Ngoài dòng KUS-X, Hàn Quốc hiện đang phát triển loại UAV đa nhiệm khác có định danh là Devil Killer.

Theo những thông tin được nhà sản xuất công bố, Devil Killer có thể phóng từ boong tàu, trên xe dân sự, có thể dùng để trinh sát và quan sát, cũng như làm vũ khí tuần kích.

Hệ thống UAV Devil Killer có thể dùng một chiếc xe SUV dân sự. Chiếc SUV này đóng vai trò quan trọng trong việc ngụy trang tránh đối phương phát hiện, bí mật tiến gần tới khu vực mục tiêu phóng UAV và rút chạy.

UAV Devil Killer có thể được lập trình tự động hoặc điều khiển bằng tay bay đến mục tiêu. Trong trường hợp không tìm thấy mục tiêu chính, UAV có thể lựa chọn mục tiêu khác.

Và theo kế hoạch, mẫu UAV nguy hiểm này sẽ được triển khai trong Quân đội Hàn Quốc trước khi kết thúc năm 2016.

Ngoài ra, hồi cuối năm 2015, Hàn Quốc đã cho ra mắt mô hình trực thăng chiến đấu không người lái KUS-VH dựa trên mẫu trực thăng chiến đấu hạng nhẹ MD 500 do Mỹ chế tạo.

Mô hình UAV Hàn Quốc mang tên KUS-VH được trang bị 2 tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire, cùng một bệ phóng tên lửa đường kính 7 cm.

Khác với MD 500, UAV KUS-VH có một bình nhiên liệu đặt ở nơi trước đây dùng làm ghế sau, qua đó giúp nó tăng thời gian hoạt động lên hơn 2 giờ bay. Ngoài ra, vì là máy bay không có người lái nên chi phí trung bình cho mỗi lần cất cánh cũng giảm đáng kể.

Ngoài lực lượng UAV đang phát triển, hiện nay trong biên chế của quân đội Hàn Quốc đang sử dụng một số loại UAV do Mỹ, Israel và một số nước khác sản xuất. Tuy nhiên số lượng luôn được nước này bảo mật.

Áp đảo về số lượng

Dù không quá hiện đại nhưng số lượng UAV của Triều Tiên được cho rằng áp đảo trước Hàn Quốc khi Bình Nhưỡng đang sở hữu tổng cộng 300 máy bay không người lái các loại.

Đặc biệt, một vài chiếc trong số này có khả năng trinh sát sâu cũng như thực hiện các cuộc không kích “cảm tử”.

Triều Tiên ra mắt UAV.
Triều Tiên ra mắt UAV.

Bên cạnh vũ khí hạt nhân và tên lửa được trang bị dọc hai bên thân trên một số dòng UAV tấn công hạng nặng, máy bay không người lái Triều Tiên còn có thể mang lại cho Bình Nhưỡng nhiều thông tin tình báo và khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng của Hàn Quốc với xác suất thành công cao.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào Triều Tiên có thể phát triển được hệ thống máy bay không người lái tiên tiến như vậy, trong điều kiện đất nước còn nghèo khó và người dân phải đối mặt với nạn đói triền miên?

Theo chuyên gia quốc phòng Joseph Bermudez, nền tảng của hệ thống này bắt nguồn từ giai đoạn 1988-1990 khi Triều Tiên nhận được nhiều chiếc máy bay không người lái (UAV) đầu tiên từ Trung Quốc.

Đến cuối năm 1993, Triều Tiên được cho là sản xuất thành công hệ thống máy bay không người lái riêng với tên gọi Panghyon (nghĩa là “Lá chắn”), mô phỏng từ chiếc Xian ASN-104 của Trung Quốc.

Năm 1994, Triều Tiên tiếp tục xem xét máy bay trinh sát Tu-143 Reys, được hỗ trợ động cơ phản lực từ quân đội Syria. Nhiều người cho rằng sau đó Triều Tiên đã tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân và sinh học cho chiếc máy bay.

Cùng năm đó, Triều Tiên mua thêm 10 máy bay Pchela-1T (nghĩa là “Con ong”) từ Viện Nghiên cứu khoa học Kulon, Nga. Pchela-1T chính là mẫu máy bay biến thể từ chiếc Shmel-1, được Cục thiết kế Yakovlev cải tiến để có thể điều khiển qua truyền hình.

Năm 2001, Triều Tiên tiếp tục tỏ ý muốn mua thêm máy bay Pchela trong chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong Il đến Nga.

Vào khoảng thời gian đó, viện đã phát triển thành công phiên bản Pchela-1K có điều khiển hồng ngoại, có khả năng hoạt động được vào ban đêm.

Vào tháng 2/2012, một nguồn tin quân sự cho biết Triều Tiên tiếp tục phát triển một máy bay tàng hình mô phỏng chiếc MQM-107 Streaker do Mỹ chế tạo, được mua lại từ một quốc gia Trung Đông (có thể là Syria hay Ai Cập).

Chiếc máy bay này sau đó được đưa ra trình diễn trong buổi diễu hành quân sự vào tháng 3/2013.

Sau tất cả các động thái trên, Hàn Quốc đã phát động cảnh báo chính thức vào tháng 4/2014, sau khi ba chiếc UAV “mini” xuất hiện bên trong lãnh thổ.

Phía Hàn Quốc khẳng định những chiếc máy bay này được lập trình với chế độ định vị GPS, nhằm ghi lại hình ảnh các địa điểm chiến sự ở Hàn Quốc, trong đó có cả văn phòng Tổng thống ở Seoul.

Sau đó, giới chức Hàn Quốc còn phát hiện chiếc máy bay này từng xuất hiện trong nhiều bức ảnh chụp Chủ tịch Kim Jong Un đến thăm một căn cứ không quân vào tháng 3/2013.

Từ đó, họ nhận định rằng Triều Tiên đã nhiều lần đưa máy bay không người lái sang lãnh thổ Hàn Quốc mà không bị phát hiện.

Cuối năm 2015, Hàn Quốc đã triển khai một hệ thống radar nhằm phát hiện các máy bay do thám tầm thấp, và phát hiện thành công một chiếc máy bay không người lái từ phía Triền Tiên vào ngày 13/1 vừa qua.

Với lực lượng quân mặt đất nã súng thị uy và loa phóng thanh phát đi lời cảnh báo từ phía bên kia vùng phi quân sự (DMZ), phía Hàn Quốc đã khiến chiếc máy bay thoái lui về lại lãnh thổ Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định hệ thống này của Hàn Quốc vẫn chưa thật sự đảm bảo vì đòi hỏi lực lượng quân bộ đáng kể dọc mỗi khu vực DMZ.

Bên cạnh đó, vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên đã phát triển thành công chương trình bay mà không bị radar phát hiện hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại