Theo số liệu mới nhất, Hải quân Triều Tiên đang có trong biên chế 4 lớp tàu ngầm sau đây:
Tàu ngầm mini lớp Yugo
Tàu ngầm mini lớp Ghadir - Phiên bản tàu ngầm Yugo do Iran sản xuất
Yugo (hay còn gọi là Yono) là tên ký hiệu NATO dành cho một lớp tàu ngầm mini của Hải quân Triều Tiên, sở dĩ có tên gọi Yugo là do phương Tây tin rằng chiếc đầu tiên của lớp tàu ngầm này được đóng tại Nam Tư vào năm 1965 (Nam Tư trong tiếng Anh là Yugoslavia).
Yugo có kích thước rất khiêm tốn với chiều dài 22 m; rộng 3,1 m; lượng giãn nước 90 tấn khi nổi và 110 tấn khi lặn. Tàu được trang bị 1 động cơ diesel MTU 320 mã lực cùng 1 động cơ điện dự bị cho tốc độ tối đa 10 hải lý/h khi nổi và 4 hải lý/h khi lặn, tầm hoạt động 550 hải lý.
Tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn 4 người cùng khả năng chuyên chở 6 - 7 lính đặc nhiệm. Hệ thống cảm biến gồm sonar và radar mini, vũ khí gồm 2 ống phóng lôi cỡ 406 mm hoặc 533 mm. Hiện tại Triều Tiên có khoảng 10 tàu ngầm mini lớp Yugo vẫn còn hoạt động.
Tàu ngầm mini lớp Sang-O
Một chiếc tàu ngầm mini lớp Sang-O bị mắc cạn trong khi thực hiện nhiệm vụ thả biệt kích xâm nhập Hàn Quốc
Sang-O là lớp tàu ngầm có số lượng đông đảo nhất của Hải quân Triều Tiên với hơn 40 chiếc vẫn đang hoạt động, đây là phiên bản cải tiến của tàu ngầm diesel-điện mini lớp Yugo.
Sang-O có 2 biến thể với chiều dài 34 m và 39 m; lượng giãn nước đầy tải vào khoảng 370 - 400 tấn; hệ thống động lực gồm 1 động cơ diesel cỡ nhỏ và 1 động cơ điện dự bị, cho phép tàu chạy với tốc độ tối đa 9 hải lý/h (17 km/h) khi lặn; tầm hoạt động 1.500 hải lý (2.800 km).
Tương tự Yugo, tàu ngầm mini lớp Sang-O cũng được trang bị đầy đủ hệ thống sonar và radar định vị mục tiêu cùng 2 ngư lôi hạng nặng 53-65KE cỡ 533 mm.
Tàu ngầm Sang-O bị Hải quân Hàn Quốc bắt giữ và trưng bày
Vai trò chính của Sang-O trong Hải quân Triều Tiên là để thả biệt kích xâm nhập lãnh hải đối phương, một chiếc đã bị mắc cạn khi thực hiện nhiệm vụ và bị phía Hàn Quốc bắt giữ vào ngày 18/9/1996.
Tàu ngầm diesel-điện Type 033
Type 033 là lớp tàu ngầm diesel-điện do Trung Quốc sản xuất dựa trên nguyên mẫu tàu ngầm Dự án 633 lớp Romeo của Liên Xô. Ra đời từ những năm 1950 nên Romeo/Type 033 mang nặng tư duy thiết kế của tàu ngầm thời Chiến tranh thế giới II.
Hải quân Triều Tiên đang có trong biên chế khoảng 20 chiếc Type 033, chúng được lắp ráp trong nước theo những linh kiện mà Trung Quốc cung cấp.
Đây là lớp tàu ngầm lớn nhất của Triều Tiên với lượng giãn nước đầy tải 1.830 tấn khi lặn; dài 76,7 m; rộng 6,7 m; mớn nước 5,2 m khi nổi.
Tàu được trang bị 2 động cơ diesel 2,94 MW và 2 động cơ điện 2 trục, cho tốc độ tối đa 15,2 hải lý/h khi nổi và 13 hải lý/h khi lặn, tầm hoạt động 9.000 hải lý (14.484 km), thủy thủ đoàn 54 người trong đó có 10 sĩ quan.
Vũ khí trang bị của Type 033 gồm 8 ngư lôi hạng nặng cỡ 533 mm (6 ống phóng phía trước và 2 phía sau), cảm biến gồm radar và sonar cùng hệ thống tác chiến điện tử MRP 11-14.
Nhìn chung đây là lớp tàu ngầm vô cùng lạc hậu, có độ ồn rất cao, độ an toàn và hiệu suất chiến đấu đều kém.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Sinpo
Tàu ngầm diesel-điện lớp Sinpo
Đây là lớp tàu ngầm mới và hiện đại nhất của Hải quân Triều Tiên, được thiết kế cho nhiệm vụ mang phóng tên lửa đạn đạo KN-11.
Mặc dù chưa có thông số rõ ràng nhưng tàu ngầm lớp Sinpo được dự đoán có chiều dài 65 m; rộng 6,5 m; trang bị 2 ống phóng tên lửa đạn đạo đặt trong phần thượng tầng, kiểu thiết kế này tương tự tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Golf do Liên Xô phát triển.
Việc đặt các ống phóng tên lửa đạn đạo vào tháp chỉ huy giúp không phải chế tạo phần thân tàu lớn hơn để đủ diện tích chứa ống phóng, phương án này tuy có ưu điểm gọn nhẹ nhưng lại hạn chế số lượng tên lửa mang theo.
Tàu ngầm lớp Sinpo được cho là có khả năng phóng tên lửa đạn đạo KN-11 trong khi đang lặn thay vì phải nổi lên mặt nước như tàu ngầm lớp Golf. Do kích thước ống phóng của Sinpo khá nhỏ nên dự đoán tên lửa KN-11 có tầm bắn chỉ vào khoảng 200 km.
Đánh giá chung
Mặc dù Hải quân Triều Tiên sở hữu hạm đội tàu ngầm đông đảo hàng đầu thế giới nhưng chất lượng thực tế của lực lượng này lại thấp nhất hành tinh.
Các tàu ngầm diesel-điện cỡ lớn của Triều Tiên quá lạc hậu, có độ ồn rất cao và thiếu tin cậy, còn những tàu ngầm mini lại đơn giản đến mức bị so sánh như "những chiếc thùng phuy biết lặn".
Do vậy, mặc dù Hải quân Hàn Quốc chỉ có hơn 10 chiếc tàu ngầm nhưng tất cả đều là loại hiện đại, hiệu suất chiến đấu cao, hoàn toàn đủ khả năng đè bẹp hạm đội tàu ngầm đông nhưng không tinh của Triều Tiên.