Trải nghiệm Fanpage Thông tin Quân sự: Mới lạ, Hấp dẫn, Đa chiều
Đài tiếng nói nước Nga ngày 27/10 dẫn nguồn từ Hội đồng mua sắm quốc phòng Ấn Độ cho biết, cơ quan này đã phê duyệt việc mua sáu tàu ngầm phi hạt nhân của dự án 75I tổng trị giá 8,3 tỷ USD, dự kiến sẽ được đóng ở một trong những nhà máy đóng tàu của Ấn Độ. Trong số các nhà cung cấp hệ thống máy móc và trang bị vũ khí trên tàu hiện đang xem xét các công ty đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Israel.
Những tàu ngầm này được dự định trang bị hệ thống động lực không cần không khí (AIP) và vũ khí tên lửa.
Dự kiến là trong vòng 6 đến 8 tuần, Ủy ban do Bộ Quốc phòng Ấn Độ thành lập sẽ lên danh sách các công ty nhà nước và tư nhân có khả năng thực hiện công việc này, sau đó sẽ công bố mở thầu. Việc chuyển giao công nghệ sẽ là một trong những điều kiện cung cấp.
Tàu ngầm Kilo của Hải quân Ấn Độ
Trước khi Ấn Độ quyết định mua lô 6 chiếc tàu ngầm phi hạt nhân này, hồi cuối năm 2013, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố một bản kế hoạch quy mô lớn chưa từng có về chương trình phát triển hạm đội tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ.
Theo kế hoạch được Tư lệnh hạm đội phía đông của Ấn Độ Độ, ông Anil Chopra tiết lộ, Ấn Độ đang lên kế hoạch đóng 46 tàu ngầm trong nước, các tàu này sẽ được đóng trong các giai đoạn khác nhau.
Ngoài kế hoạch tự đóng 46 tàu ngầm, Ấn Độ còn đặt mua 6 tàu ngầm lớp Scorpene của công ty DCNS của Pháp. Đây là loại tàu ngầm rất hiện đại sử dụng công nghệ động lực AIP tiên tiến nhất thế giới hiện nay, chiếc đầu tiên sẽ bàn giao vào năm 2015, chiếc cuối cùng sẽ hoàn tất năm 2018.
Trong kế hoạch đóng 46 tàu ngầm, Ấn Độ sẽ đóng 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công quốc nội lớp “Arihant”.
Hệ thống vũ khí chính của tàu là 12 tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân K-15, hệ thống tên lửa chống hạm BrahMos phiên bản phóng từ tàu ngầm và hệ thống phóng ngư lôi 533mm. Trong tương lai, nó sẽ được trang bị thêm loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân K-5 với tầm bắn 1500km.
Trung Quốc hoài nghi
Tuy nhiên sau khi Ấn Độ công bố bản kế hoạch hiện đại hóa Hải quân của mình, tờ Hoàn Cầu đã có bài viết hoài nghi bản kế hoạch hiện đại hóa của Hải quân Ấn Độ và nghi ngờ năng lực tác chiến của tàu ngầm nước này.
Theo bài viết, Hải quân Ấn Độ còn có 13 tàu ngầm động cơ diesel đã đến tuổi nghỉ hưu, trong đó có 11 chiếc đã hoạt động trên 20 năm. Hơn nữa, toàn bộ những tàu ngầm này đều đang ở trong giai đoạn sửa chữa để có thể kéo dài thời hạn hoạt động.
Bài báo cho rằng, hiện nay, tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 là tàu ngầm duy nhất có thể đem lại thể diện cho Hải quân Ấn Độ, nhưng đây lại là tàu ngầm thuê của Nga (trong 10 năm). Ngoài ra, mặc dù có 6 tàu ngầm lớp Scorpene đang được nhà máy đóng tàu Mazgaon, Mumbai phụ trách sản xuất, nhưng chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến cũng phải đến sau năm 2016-2017 mới có thể bàn giao sử dụng.
Theo bài báo, so với hiện trạng của Hải quân Ấn Độ, đối thủ Pakistan sở hữu nhiều tàu ngầm tiên tiến hơn. Hiện nay, Pakistan có 5 tàu ngầm thông thường mới, đồng thời cũng đang cân nhắc mua sắm 6 tàu ngầm mới từ đối tác thân cận Trung Quốc. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc đã trang bị 47 tàu ngầm động cơ diesel và 8 tàu ngầm hạt nhân.
Hoàn Cầu cho rằng, lực lượng tàu ngầm của Hải quân Pakistan là lực lượng đầu tiên sử dụng hệ thống đẩy không lệ thuộc vào không khí (AIP) ở khu vực Ấn Độ Dương. Từ những phân tích trên, Hoàn Cầu kết luận lực lượng tàu ngầm của Ấn Độ đã bị Pakistan đẩy về phía sau chứ chưa nói đến lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc.