Hai trung đoàn tên lửa Việt Nam vừa thành lập có gì đặc biệt?

Lương Minh |

(Soha.vn) - Để S-300PMU1 phát huy tối đa hiệu quả, nhất thiết phải có các đơn vị phòng không tầm ngắn “hộ vệ” cho trận địa tên lửa, chống lại thủ đoạn tác chiến của đối phương.

Mới đây, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung đoàn tên lửa 93 (16-12-2013) và tái tổ chức Đoàn tên lửa 64 thành Trung đoàn tên lửa 64 (18-12-2013). Với hai quyết định này, lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam có hai trung đoàn tên lửa tầm xa, trang bị vũ khí hiện đại, làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời phía Bắc và phía Nam Tổ quốc.

Việt Nam có Trung đoàn Tên lửa phòng không hiện đại
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thọ trao cờ Quyết thắng cho Trung đoàn Tên lửa 93

Đơn vị tên lửa S-300PMU1 đầu tiên của Việt Nam - Đoàn Tên lửa 64 được thành lập vào tháng 9/2005, trực thuộc Sư đoàn Phòng không 361. Với trang bị hiện đại, Đoàn 64 đã lập tức trở thành quả đấm thép của Sư đoàn Phòng không Cận vệ Đỏ, bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Và ngay sau đó, đơn vị thứ hai ra đời: Đoàn Tên lửa 93, trực thuộc Sư đoàn Phòng không 371, trực chiến bảo vệ vùng trời miền Nam, mà trọng tâm là TP. Hồ Chí Minh. Đây là hai tiểu đoàn mạnh, có truyền thống vinh quang trong Kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972.

Sau một thời gian tương đối dài tiếp thu, làm chủ khí tài mới, đến nay, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định tổ chức lại, sử dụng hai tiểu đoàn tên lửa S-300PMU1 làm nòng cốt xây dựng hai trung đoàn tên lửa phòng không tầm xa 93 và 64.

 Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân trao Quân kỳ Quyết thắng cho Trung đoàn Tên lửa 64.
Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân trao Quân kỳ Quyết thắng cho Trung đoàn Tên lửa 64.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Vì sao Việt Nam lại xây dựng hai trung đoàn tên lửa phòng không tầm xa mới? Sức mạnh của các tổ hợp tên lửa S-300PMU1 sẽ được tăng cường như thế nào, khi nằm trong đội hình các trung đoàn tên lửa mới được thành lập?

S-300PMU1 vẫn có những hạn chế cố hữu

Trước hết, cần nhận định rằng: Tổ hợp tên lửa S-300PMU1 có sức mạnh rất lớn, có thể theo dõi hàng trăm mục tiêu, và tiêu diệt mục tiêu từ cự li hàng trăm km. Song, chúng vẫn có những hạn chế cố hữu của các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa:

Thứ nhất là giá thành rất đắt đỏ, khó có thể trang bị đại trà với số lượng lớn, nhất là với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta khó có thể phung phí những quả đạn tên lửa đắt đỏ có giá hơn 1 triệu USD cho quá nhiều mục tiêu.

Thứ hai, các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa thiếu khả năng tự bảo vệ ở cự li gần. Với đạn tên lửa 48N6E, tổ hợp S-300PMU1 chỉ có thể bắn hạ mục tiêu dạng máy bay chiến đấu trong khoảng từ 3-195km, mục tiêu tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo trong khoảng từ 5-40km. Do đó, có một “kẽ hở” hỏa lực có bán kính khoảng từ 3-5km xung quanh địa điểm triển khai các tổ hợp tên lửa S-300PMU1 mà kẻ thù có thể lợi dụng.

 
 	Mặc dù rất mạnh nhưng S-300PMU1 vẫn có những điểm yếu cố hữu của tên lửa tầm xa

Mặc dù rất mạnh nhưng S-300PMU1 vẫn có những điểm yếu cố hữu của tên lửa phòng không tầm xa

Do 2 hạn chế đó, các tổ hợp tên lửa S-300PMU1 đứng trước nguy hiểm rất lớn nếu như chúng buộc phải đơn độc tham chiến. Đối phương sẽ sử dụng hai chiến thuật chính:

Một là sử dụng các máy bay tàng hình, máy bay có diện tích phản xạ radar (RCS) nhỏ, bí mật bay ở độ cao thấp, bất ngờ tập kích, đánh úp trận địa tên lửa phòng không. Đối phương sẽ ưu tiên tiêu diệt các xe chỉ huy, các đài radar, sau đó mới đến các xe mang phóng, xe tiếp đạn … để vô hiệu hóa tổ hợp tên lửa S-300PMU1.

Hai là sử dụng các tên lửa hành trình như Tomahawk của Mĩ, tên lửa đạn đạo chiến thuật như Tochka của Nga, từ ngoài tầm hỏa lực của tên lửa phòng không tầm xa, đánh cấp tập vào vị trí trận địa tên lửa của ta.

Các tổ hợp tên lửa tầm xa như S-300PMU1 dù rất hiện đại, xác suất đánh trúng mục tiêu tên lửa đạn đạo lên đến 70%, nhưng cũng khó có thể chống trả được hàng chục đòn tiến công đồng loạt của tên lửa đối phương. Kể cả khi chúng không tiêu diệt được S-300PMU1 thì cũng buộc các tiểu đoàn tên lửa của ta “nướng” hết cơ số đạn vào các tên lửa hành trình, hoặc buộc phải cơ động khẩn cấp, rút lui khỏi trận địa. Khi đó, không quân địch sẽ tha hồ “làm mưa làm gió” trên vùng trời, mà không sợ bị S-300PMU1 tiêu diệt. Nếu các trắc thủ của ta kiên quyết phát sóng trinh sát mục tiêu, đối phương sẽ lập tức đáp trả bằng các tên lửa chống radar như AGM-88 của Mĩ hay Kh-31P của Nga.

Do đó, để S-300PMU1 phát huy tối đa hiệu quả của mình, nhất thiết phải có các đơn vị phòng không tầm ngắn, làm nhiệm vụ “hộ vệ” cho các trận địa tên lửa, chống lại hai thủ đoạn tác chiến nói trên.

Đó là lí do Việt Nam thành lập hai trung đoàn tên lửa mới. Trung đoàn tên lửa 93 được thành lập trên cơ sở sát nhập Đoàn 93 tên lửa S-300PMU1 với Tiểu đoàn 123 pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4 Shilka, trực thuộc Sư đoàn Phòng không 367.

Những "lá chắn" bảo vệ S-300PMU1

Đoàn 64 tên lửa S-300PMU1 được tái tổ chức lại, sát nhập với Tiểu đoàn 5 pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4 Shilka và Tiểu đoàn 172 tên lửa phòng không tự hành 9K35 Strela-10 (Việt Nam gọi là A89), trực thuộc Sư đoàn Phòng không 361. Đặc biệt, Tiểu đoàn 172, Sư đoàn 361 là một đơn vị phòng không tầm ngắn mạnh, giàu truyền thống nhất trong Quân chủng Phòng không – Không quân. Đây là đơn vị đầu tiên trong toàn quân được trang bị tên lửa vác vai Strela-2 (Việt Nam gọi là A72), trong ba năm 1972-1975 đã bắn rơi 157 máy bay địch, với hiệu suất tiêu diệt đáng kinh ngạc 0.375!

Như vậy, sát cánh cùng hai tổ hợp tên lửa S-300PMU1 hiện đại sẽ là các tiểu đoàn pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4 Shilka, và tên lửa phòng không tự hành 9K35 Strela-10.

Hệ thống phòng không tầm thấp 9K35 Strela-10 trong cuộc diễn tập bắn đạn thật TB1.
Hệ thống phòng không tầm thấp 9K35 Strela-10 trong cuộc diễn tập bắn đạn thật TB1.

Tổ hợp tên lửa tầm ngắn 9K35 Strela-10 (Việt Nam gọi là A89) được đặt trên khung gầm xe hỗ trợ kĩ thuật đa nhiệm MT-LB, trang bị radar trinh sát 9S86 và đạn tên lửa 9M37, cho phép diệt mục tiêu từ cự li 500-5.000m, độ cao từ 10-3.500m. Đây sẽ là lá chắn vòng ngoài, đánh chặn các máy bay bay thấp của địch, nếu như chúng bất ngờ tập kích trận địa tên lửa S-300PMU1. Xác suất tiêu diệt mục tiêu máy bay chiến đấu của tên lửa A89 là từ 30-60%, còn với mục tiêu tên lửa hành trình là từ 10-40%.

Nếu đối phương vượt qua được các đạn tên lửa 9M37 của tổ hợp A89, tổ hợp pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4 sẽ vào cuộc. ZSU-23-4 Shilka được trang bị 4 pháo tự động 23mm AZP-23 Amur, với tốc độ bắn 800 – 1.000 phát/phút, cơ số đạn 2.000 viên, tầm bắn 2.500m. Với radar RPK-2 Tobol, ZSU-23-4 có thể phát hiện mục tiêu từ cự li 20km. Đây sẽ là lá chắn thép cuối cùng ngăn chặn các tên lửa hành trình của đối phương tấn công trận địa tên lửa S-300PMU1. Nếu như được nâng cấp lên chuẩn ZSU-23-4M4 (giá thành nâng cấp ước tính 800.000USD mỗi tổ hợp), xác suất diệt mục tiêu sẽ tăng gấp nhiều lần, từ 7-12% lên 30-60%.

Pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4 Shilka
Pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4 Shilka

Các tổ hợp ZSU-23-4 Shilka và 9K35 Strela-10 tuy thuộc thế hệ cũ, đã có phần lạc hậu, song vẫn có thể phát huy hiệu quả nếu như được sử dụng một cách bài bản, nhuần nhuyễn, chính xác và sáng tạo. Các tổ hợp này cũng có sức cơ động rất cao, đảm bảo theo kịp khả năng tự động hóa mạnh của tên lửa S-300PMU1, mà không bị bỏ xa trên đường hành quân, chuyển trận địa.

Cùng với các tiểu đoàn phòng không tầm ngắn “cận vệ” nằm trong đội hình trung đoàn, tên lửa S-300PMU1 còn được hỗ trợ bởi lưới lửa phòng không các cấp. S-300PMU1 sẽ được bảo vệ an toàn trong thế trận phòng không quốc gia nhiều tầng nhiều lớp, với những trắc thủ, sĩ quan điều khiển nắm vững chuyên môn và giàu kinh nghiệm.

Và hơn hết, đây chỉ là bước khởi đầu trên chặng đường hiện đại hóa lực lượng phòng không, gìn giữ bầu trời Tổ quốc. Từ những trung đoàn tên lửa hỗn hợp có nòng cốt là tên lửa tầm xa S-300PMU1, Việt Nam sẽ xây dựng các lữ đoàn phòng không tầm xa theo đúng quy chuẩn, đảm bảo khả năng phòng không mạnh mẽ, chống lại mọi thế lực xâm lược, không để Tổ quốc bị bất ngờ từ trên không!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại