Theo trang tin Strategy Page, những động thái trên của Hải quân Mỹ dường như là nhằm đối phó với những quốc gia có thể trở thành kẻ thù trong tương lai gần (Trung Quốc, Triều Tiên hay Iran). Tất cả những nước này đều sở hữu một số lượng lớn tên lửa cận âm do Trung Quốc sản xuất.
Trung Quốc đã xuất khẩu một số lượng lớn các loại tên lửa chống tàu C-801 và C-802. Tên lửa cận âm C-801 có chiều dài 5,81 m, đường kính 360 mm, có tầm bắn tối đa khoảng 42 km và nặng 636 kg. Loại tên lửa này gần giống và được cho là thiết kế dựa trên tên lửa Exocet của Pháp. Trong khi đó, tên lửa C-802 được nâng cấp từ C-801, có chiều dài 6,8 m, đường kính 360 mm, nặng 628 kg với đầu đạn nặng 165 kg. Nó có tầm bắn tối đa khoảng 120 km và có thể di chuyển với tốc độ 250 m/giây.
Tên lửa Exocet của Pháp có kích thước và khả năng hoạt động tương tự tên lửa chống tàu cận âm của Trung Quốc, nhưng có giá cao gấp hai lần (một tên lửa Exocet có giá khoảng 1 triệu USD). Phiên bản nâng cấp Exocet MM Block 3 có tầm bắn 180 km bởi vì nó sử dụng động cơ phản lực. Tên lửa Exocet đã được sử dụng trong hơn 3 thập kỷ qua, từng trải nghiệm trong chiến đấu và có độ tin cậy cao. Trong khi đó, tên lửa C-802 của Trung Quốc có các tính năng kém hơn so với Exocet, nhưng Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực nâng cấp bản sao của Exocet.
Hải quân Mỹ đã đề nghị các nhà sản xuất tên lửa của nước này tạo ra một mục tiêu bay cận âm có thể tái sử dụng. Nó phải đáp ứng được yêu cầu bay với tốc độ khoảng 900 km/giờ, di chuyển cách mặt nước khoảng 1m, có tầm bắn tối đa 700 km và có chi phí sản xuất dưới 200.000 USD. Tên lửa này sẽ mang theo các thiết bị điện tử có thể được điều khiển từ xa.
Cách đây 3 năm, Hải quân quân Mỹ cũng đã đưa một tên lửa chống tàu mô phỏng vào sử dụng sau gần 1 thập kỷ nỗ lực phát triển. Tên lửa GQM-163A Coyote SSST có chiều dài 9,4 m, nặng 800 kg và sử dụng nhiên liệu rắn cũng như động cơ phản lực ramjet. Nó có tầm bắn 110 km và có thể đạt tốc độ tối đa hơn 2.600 km/giờ.
Tên lửa GQM-163A cung cấp cho các tàu chiến của Hải quân Mỹ một cuộc tấn công mô phỏng từ các tên lửa hành trình (giống như Klub) của Nga. Ít nhất 39 tên lửa GQM-163A đã được sản xuất với giá mỗi tên lửa khoảng 515.000 USD. Đây là tên lửa đầu tiên của Mỹ sử dụng động cơ phản lực ramjet và công nghệ này đang được sử dụng cho những loại tên lửa khác.
Mỹ phát triển tên lửa GQM-163A nhằm đối phó với thực tế ngày càng nhiều quốc gia trang bị các loại tên lửa chống tàu tốc độ cao, đặc biệt là loại tên lửa hành trình chống tàu Klub của Nga (mà NATO gọi là 3M54). Loại tên lửa này cũng được sử dụng trên các tàu ngầm của Trung Quốc.
Nặng khoảng 2 tấn và có thể được phóng từ ống phóng ngư lôi 533 mm trên tàu ngầm lớp Kilo, tên lửa 3M54 có thể mang theo một đầu đạn nặng tới 200 kg. Phiên bản chống tàu của tên lửa 3M54 có tầm bắn tối đa 300 km và có thể đạt tốc độ 3.000 km/giờ. Tên lửa này cũng có phiên bản phóng từ máy bay hay tàu tên mặt nước.
Điều khiến cho 3M54 được đánh giá đặc biệt nguy hiểm chính là cách tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 15km. Ở khoảng này, tên lửa bắt đầu di chuyển ở độ cao khoảng 30m với tốc độ cao. Bay thấp khiến tên lửa khó bị phát hiện, trong khi bay với tốc độ cao sẽ khiến tên lửa 3M54 khó bị bắn hạ bởi các loại vũ khí chống tên lửa hiện nay.
Tên lửa 3M54 được phát triển dựa trên các loại tên lửa chống tàu của Nga trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, như 3M80 có thể mang theo đầu đạn nặng 300 kg, nhưng có tầm bắn ngắn hơn chỉ khoảng 120 km. Tên lửa 3M80 vẫn được phát triển trong thời kỳ cuối Chiến tranh lạnh và được đưa vào sử dụng cách đây 1 thập kỷ. Phiên bản trước đó P700 thậm chí còn có tầm bắn lên tới 550 km và mang đầu đạn nặng 750 kg. Tên lửa này được đưa vào sử dụng từ những năm 1980.
Những tên lửa này được coi là “sát thủ diệt tàu sân bay”, nhưng không ai biết có bao nhiêu tên lửa trong số này có khả năng vô hiệu hóa tàu sân bay. Hơn nữa, các tên lửa của Nga có ít kinh nghiệm chiến đấu và hoạt động không ổn định. Kiểm soát chất lượng chưa bao giờ là thế mạnh của Liên Xô, nhưng sau đó đã được cải thiện khi Nga tiếp quản.
Các chuyên gia quân sự đánh giá rằng hiện tại Hải quân Mỹ dường như không có hệ thống phòng thủ đủ khả năng chống lại tên lửa giống như Klub của Nga. Hoặc, Mỹ có thể đã phát triển các hệ thống phòng thủ có khả năng này, nhưng không muốn kẻ thù của họ biết các hệ thống này hoạt động như thế nào.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!