Đó là tên lửa diệt hạm tầm xa, vũ khí laser và pháo bắn bằng điện từ trường, theo Breaking Defense.
“Tôi không bao giờ muốn một kịch bản chiến thuật nơi tất cả những gì tôi có chỉ là khả năng phòng thủ. Bạn sẽ phải phòng thủ bạn cho đến chết”, đó là lời của đô đốc Samuel Locklear, Chỉ huy bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.
Để gia tăng sức mạnh tại Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ đã có kế hoạch ba bước:
Trong ngắn hạn là phục hồi năng lực về diệt hạm tầm xa, với chương trình tên lửa Tomahawk diệt hạm có tầm bắn xa gần 1.000 km bị bỏ qua mấy năm trước. Hiện tại Mỹ chỉ có tên lửa diệt hạm Harpoon có từ năm 1977, tầm bắn chỉ 120 km so với nhiều loại tên lửa diệt hạm của Trung Quốc nay có tầm bắn xa hơn.
Trong trung hạn, Hải quân Mỹ sẽ thay thế các giàn phóng tên lửa phòng thủ bằng tên lửa tấn công, có thể vừa chống tên lửa và máy bay địch đồng thời, với vũ khí laser.
Về dài hạn là trang bị các loại đại bác bắn bằng điện từ trường, có thể bắn quả đạn bay với vận tốc gấp 7 lần tốc độ âm thanh (8.500 km/giờ).
Thiếu tướng hải quân Mỹ, Thomas Rowden, Tư lệnh Chiến dịch hải quân, ủng hộ vũ khí laser và pháo điện từ trường. Theo ông, laser có thể bắn trúng tên lửa đối phương với tốc độ ánh sáng; còn pháo bắn bằng điện từ trường đẩy viên đạn đi với tốc độ không tên lửa nào sánh được.
“Nếu bạn đạt tốc độ gấp 7 lần tốc độ âm thanh (Mach 7), khó mà chống đỡ được điều này”, ông Rowden nói.
Dĩ nhiên là pháo điện từ trường sẽ đi kèm với tên lửa tầm xa chứ không thay thế tên lửa, lý do là tên lửa có tầm bắn xa hơn pháo từ trường, cho dù loại pháo này có thể bắn viên đạn bay xa đến 200 km trong lần thử nghiệm mới đây.
Tuy nhiên ba loại vũ khí này còn hạn chế. Loại tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) đang được thử nghiệm, và nhà thầu Lockheed Martin phải bỏ thêm 30 triệu USD.
Vũ khí laser đầu tiên sẽ được thử nghiệm trên vịnh Persia mùa hè 2014, hiện tại mới chỉ có khả năng bắn hạ UAV bay chậm, chưa đủ sức hạ tên lửa diệt hạm siêu thanh.
Còn pháo bắn bằng điện từ trường đã được thử nghiệm trên mặt đất, tuy nhiên nếu thử nghiệm trên biển thì hải quân Mỹ chỉ có 3 tàu chiến có thể trang bị loại pháo này. Lý do là các tàu chiến hiện tại không đủ điện để khẩu pháo hoạt động. Chỉ lớp tàu chiến đời mới DDG-1000 Zumwalt mới thích hợp cho loại pháo này.
Khi tạp chí Breaking Defense hỏi ý kiến vụ Trung Quốc loan báo thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm, ông Locklear nói ông không bận tâm về việc này, vì theo ông “nhiều nước đang thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm”.
Hải quân Mỹ đang bị Hải quân Trung Quốc qua mặt về tầm bắn của tên lửa diệt hạm. Tên lửa diệt hạm trên các lớp tàu Type 051 có tầm bắn 180 km, lớp tàu Sovremenny (Nga đóng cho TQ) có tầm bắn 240 km (tên lửa SS-N-22), lớp tàu Type 056 có tầm bắn 160 km.
Còn tàu chiến hải quân Mỹ dùng tên lửa Harpoon ra đời từ năm 1977, tầm bắn tối đa 120 km. Do vậy hiện tại Harpoon không còn được trang bị cho tàu chiến mới nhất của Mỹ.
“Chúng ta cần cải thiện sức mạnh tấn công của lực lượng tàu mặt nước thay vì chỉ phòng thủ”, phó đô đốc hải quân Mỹ Thomas Copeman, tư lệnh lực lượng tàu mặt nước nhấn mạnh.