Cuộc chiến Nga - Pháp mang tên Mistral kết thúc. Moscow dự kiến đến trong vòng 5 năm tới sẽ phát triển các tàu đổ bộ trực thăng dự án "Avalanche", như mô hình tàu đổ bộ trực thăng Lavina của trung tâm khoa học Krylov với lượng giãn nước lên tới 24,000 tấn.
Một câu hỏi tất nhiên, tại sao trước đây Hải quân Nga không có những tàu đổ bộ trực thăng tương tự như Mistral nhưng lại có rất nhiều những tàu đổ bộ hiện đại khác?
Dự án đóng tàu đổ bộ trực thăng "Lavina" thay thế Mistral
Mô hình tàu đổ bộ trực thăng Nga "Lavina" được trưng bày
Hải quân đánh bộ Nga khác với Lính thủy đánh bộ Mỹ là Binh chủng riêng biệt của Lực lượng phòng thủ bờ biển, có nhiệm vụ chủ yếu là tiến hành các hoạt động chiến đấu tấn công và đổ bộ trong các chiến dịch ven biển, hải đảo.
Bên cạnh đó là bảo vệ các căn cứ hải quân, các vùng nước ven bờ và các mục tiêu quan trọng trên bờ biển. Hải quân đánh bộ Nga cũng được giao những nhiệm vụ đặc biệt như chống bạo loạn và khủng bố vũ trang.
Lực lượng Hải quân đánh bộ Nga
Hải quân đánh bộ trong các chiến dịch đổ bộ có thể hoạt động độc lập với nhiệm vụ đánh chiếm các căn cứ quân sự, quân cảng, các đảo bị chiếm đóng, các khu vực bờ biển của đối phương.
Trong một số trường hợp hiệp đồng với lực lượng Lục quân đổ bộ, Hải quân đánh bộ trong đội hình tiền tiêu đánh chiếm các điểm chốt và các khu vực ven biển, tổ chức bàn đạp cho lực lượng chủ lực đổ bộ.
Đánh chiếm bàn đạp đổ bộ
Hải quân đánh bộ Nga hình thành vào năm 1705 trong cuộc chiến tranh phía Bắc 1700 - 1721 đã diễn ra các trận đánh trên hướng biển và trên các đảo.
Lực lượng hải quân đánh bộ Nga đã nhiều lần bị giải thể rồi lại xây dựng lại. Lần xây dựng có quy mô lớn là năm 1939 trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Các chiến sĩ hải quân đánh bộ đã tiến hành các chiến dịch đổ bộ và hoạt động phá hoại hậu phương quân đội phát xít, bảo vệ căn cứ của các hạm đội. Sau đó Hải quân đánh bộ lại giải thể và tổ chức lại vào năm 1960.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh và các cuộc xung đột khu vực, hải quân đánh bộ Nga luôn thể hiện khả năng tác chiến tuyệt vời và kỹ năng chiến thuật rất cao.
Hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có lực lượng hải quân đánh bộ, nhưng Hải quân đánh bộ Nga là một trong những lực lượng bộ binh hải quân mạnh nhất trong sự nghiệp phục vụ bảo vệ biển và hải đảo của tổ quốc.
Liên bang Nga có đường biên giới biển dài nhất thế giới. Bảo vệ hải giới luôn là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, khó khăn thời chiến cũng như thời bình. Lực lượng phòng thủ bờ biển của Hải quân Nga có lịch sử nhiều trăm năm và dày dạn kinh nghiệm tác chiến.
Trong biên chế của hạm đội, Hải quân đánh bộ là lực lượng tác chiến chủ chốt và cũng là lực lượng đối ngoại quân sự tính từ thời kỳ Liên bang Xô viết hiện tại và tương lai.
Lính thủy đánh bộ Nga được trang bị theo tiêu chuẩn của bộ binh thông thường, gắn bó nhất là tiểu liên AK-74, AK-74M, AK-74U, súng máy PKMS 7,62mm, súng bắn tỉa ASVK 12,7 mm, SVD Dragunov 7,62 mm và các loại hỏa khí chống tăng RPG-7, RPG-18 Mukha.
Theo tình hình nhiệm vụ được giao, chiến sĩ được tăng cường các loại hỏa khí hiện đại như, RPG-29, AGS- 30, súng phóng lựu nhiệt áp RPO-M và các loại vũ khí hạng nặng khác.
Tấn công bằng tàu đổ bộ chạy trên đệm khí Zubr
Hải quân đánh bộ là lực lượng cơ động mạnh, do đó trong biên chế được trang bị rất nhiều các phương tiện cơ động như các tàu đổ bộ hạng nặng, hạng trung và hạng nhẹ, các xuồng đổ bộ tốc độ cao chạy trên đệm khí, các xuồng cao tốc hạng nhẹ.
Cho đến nay, Hải quân đánh bộ vẫn có trong biên chế khoảng 350 xe tăng Т-64, 150 xe tăng Т-72 và Т-80.
Các xe đổ bộ và thiết giáp lưỡng cư có khoảng 500 xe BTR-70 và BTR-80, khoảng 130 xe BMP-3 và một số lượng không lớn BMP-1, xe thiết giáp đổ bộ chủ yếu là xe MT-LB khoảng 250 chiếc.
Xe cối tự hành Nona-SVK 120 mm
Pháo binh đi cùng là các tổ hợp pháo tự hành như 2S1 "Gvozdika" 122 mm, 2S3 "Akatsiya" 152 mm, các tổ hợp pháo binh hạng nhẹ tự hành 2S16 Nona-K, 2S9 Nona- S, 2S23, Nona-SVK 120 mm, pháo phản lực BM-21 Grad 122 mm và các loại pháo xe kéo khác.
Các tổ hợp tên lửa chống tăng theo biên chế gồm 9P148 "Konkurs", 9K11 "Malyutka", "Storm-S".
Biên chế của Hải quân đánh bộ Nga không có không quân trực thuộc, phòng không của hải quân đánh bộ tương tự như của bộ binh, bao gồm các phương tiện phòng không mang vác như Igla, Strela-2, các tổ hợp phòng không cơ động như Osa, Strela-10, Shilka.
Trong biên chế trang bị của Hải quân đánh bộ cũng có các trực thăng vận tải và yểm trợ hỏa lực chiến trường, nhưng hải quân đánh bộ không có lực lượng không quân trực thuộc.
Nhưng Hải quân đánh bộ được yểm trợ bởi lực lượng tên lửa phòng thủ bờ biển chống tàu đa dạng và có số lượng rất lớn như các tổ hợp "Redut", "Rubezh", "Bastion-P", "Bal-E", "Club-M" và tổ hợp pháo 130 mm tầm xa phòng thủ bờ biển "Bereg".
Sức mạnh chiến đấu của Hải quân đánh bộ Nga không phụ thuộc nhiều vào lực lượng không quân hải quân, mà phụ thuộc vào chương trình huấn luyện và thực tế chiến trường tham gia.
Theo chương trình huấn luyện lính thủy đánh bộ có từ thời Liên bang Xô viết, các chiến sĩ lính thủy được huấn luyện gần sát với thực tế chiến trường mà các thế hệ trước đã tham gia trên toàn cầu.
Rèn luyện thể chất kiên cường, kỹ năng hành quân mang vác, vượt sông, biển trên cự ly nhiều chục km là điều kiện bắt buộc để trở thành một lính đổ bộ hải quân.
Ngoài những kỹ năng tác chiến thông thường, xạ kích là một nội dung trọng tâm phải huấn luyện thường xuyên.
Các chiến sĩ của trung đoàn lính thủy đánh bộ ở vịnh Cossack Bay gần Sevastopol chỉ trong một tháng huấn luyện đã bắn một số lượng đạn bằng cả thời gian phục vụ của chiến sĩ bộ binh lục quân từ tất cả các loại hỏa khí.
Hải quân đánh bộ Nga cũng là lực lượng duy nhất trên thế giới có khả năng đổ bộ đường biển và đường không (nhảy dù).
Trình diễn võ thuật của Hải quân đánh bộ
Rút kinh nghiệm từ chiến tranh thế giới thứ II và chiến tranh Việt Nam, hải quân đánh bộ tập trung huấn luyện kỹ năng tiềm nhập, đột kích, sử dụng các phương tiện ngụy trang và chiến đấu tại chỗ, sử dụng các loại chất nổ chất cháy.
Cùng từ lực lượng Hải quân đánh bộ, hải quân Nga đã tổ chức các đội đặc nhiệm nổi tiếng trên thế giới như Alpha, Delphin.
Trong tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột, lực lượng Hải quân đánh bộ Nga luôn là đơn vị đầu tiên tham gia chiến đấu.
Cuộc chiến Chechnya, hải quân đánh bộ của Hạm đội biển Đen là lực lượng giáp trận với chiến binh Hồi giáo đầu tiên, cuộc chiến 5 ngày với Gruzia, hải quân đánh bộ Hạm đội biển Đen cũng là lực lượng đổ bộ lên quân cảng của Gruzia.
Hải quân đánh bộ Nga huấn luyện cận chiến
Các cuộc xung đột gần đây, trực chiến trên các chiến hạm Hải quân Nga có mặt tại vịnh Aden, Hải quân đánh bộ Nga cũng thể hiện được khả năng sẵn sàng chiến đấu cao nhất và hiệu quả của những hoạt động bảo vệ căn cứ và các chiến hạm.
Cách đây không lâu, 16/11/2013 Hải quân đánh bộ Nga kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng. Cũng là lần đầu tiên, trong thuật ngữ Hải quân đã bổ sung thêm từ “đổ bộ đường biển”.
Nhưng người Nga nói chung, tự hào về những chiến công mà Hải quân đánh bộ đã có từ thời kỳ nội chiến, vẫn quen gọi bộ binh hải quân là “Hải quân đánh bộ”.
Mặc dù là lực lượng có nhiều chiến công nhất của các lực lượng lính thủy đánh bộ trên biển lớn, nhưng theo các chuyên gia nước ngoài, Hải quân đánh bộ Nga chỉ đứng hàng thứ 3 trên thế giới.
Thống trị trên biển lớn với số lượng, vũ khí trang bị và nhiệm vụ thực hiện trên toàn cầu là Lính thủy đánh bộ Mỹ.
Đứng thứ 2 là Trung Quốc với quân số, số lượng vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh khổng lồ, dù Lính thủy đánh bộ Trung Quốc chưa có được những thành tích nổi bật.
Hải quân đánh bộ Nga đứng hàng thứ 3 với quân số khoảng 8 nghìn biên chế trong 4 lữ đoàn thuộc 4 hạm đội (lữ đoàn 155 - hạm đội Thái Bình dương, lữ đoàn 336 hạm đội biển Baltic, lữ đoàn 61 hạm đội Biển Bắc và lữ đoàn 810 thuộc Hạm đội Biển Đen).
Đứng hàng thứ 4 trên thế giới là Lính thủy đánh bộ Vương quốc Anh.
Định hướng nhiệm vụ chủ yếu của Hải quân đánh bộ Nga cho đến thời điểm trước cuộc nội chiến ở Syria vẫn nằm trong giới hạn bảo vệ biên giới biển và hải đảo của Nga, cùng với các hạm tàu của Hải quân thực hiện nhiệm vụ quốc tế và gìn giữ hòa bình.
Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của những xung đột trên thế giới, vị thế của nước Nga hậu Syria cũng đã thay đổi.
Những lò lửa xung đột trên biển Hoa Đông và Biển Đông, quá trình vươn ra biển lớn mạnh mẽ của Trung Quốc đã thay đổi tất cả.
Hải quân đánh bộ Nga đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ rất lớn, đó là khả năng hỗ trợ đồng minh, cân bằng lực lượng trên các khu vực nóng bảo vệ lợi ích của nước Nga, đối ngoại quân sự và là lực lượng kiềm chế xung đột, như hải quân Nga đã từng thực hiện trong năm 1979.
Những nhược điểm của hải quân đánh bộ Nga cũng còn rất nhiều, đó là sự thiếu hụt các căn cứ trên biển như các tàu đổ bộ - tàu sân bay lớn, không có lực lượng Không quân của riêng mình, điều đó gây khó khăn cho những hoạt động gìn giữ hòa bình và tác chiến ở nước ngoài.
Chưa có những loại vũ khí, trang bị đặc chủng phù hợp với điều kiện tác chiến trên biển và ven bờ, những loại vũ khí trang bị mà trong thời kỳ Xô viết đã làm lên sự vinh quang của Hải quân đánh bộ.
Theo chương trình đổi mới vũ khí trang bị và phương tiện chiến đấu của Bộ Quốc phòng Nga đến năm 2020, đặt trọng tâm cho nhiệm vụ bảo vệ hải giới cùng như những lợi ích của Nga ở nước ngoài.
Có thể nói, các tàu đổ bộ trực thăng dự án "Avalanche" lớp “Lavina” sẽ là lớp tàu đổ bộ tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân đánh bộ.
Tương lai xa hơn, chúng sẽ cùng phối hợp với các tàu sân bay đang trong quá trình thiết kế, hình thành Lực lượng Hải quân đánh bộ mạnh mẽ, có khả năng răn đe lớn và thực hiện hiệu quả các sứ mệnh quốc tế trên đại dương.
Điều đó hứa hẹn một sự thay đổi lớn trong Hải quân đánh bộ mà định hướng là lực lượng chủ chốt thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự, thực hiện sứ mệnh nhân đạo và gìn giữ hòa bình, cũng như giúp đỡ các nước bạn bè và kiềm chế xung đột.
Sự phát triển của Hải quân đánh bộ Nga gắn liền với Học thuyết hải dương của Liên bang đang từng bước vượt ra ngoài phạm vi nhiệm vụ bảo vệ biên giới, trở thành lực lượng quân sự đại diện của Nga trên trường thế giới.