Hải quân Mỹ công bố phiên bản tên lửa SM-6 mới chuyên diệt hạm

Anh Tuấn |

Hải quân Mỹ và hãng Raytheon đã tiến hành một cuộc thử nghiệm, qua đó chứng minh tên lửa SM-6 vốn được thiết kế với mục đích phòng không, giờ đây có thể tiêu diệt tàu chiến địch.

Trong cuộc thử nghiệm này, tàu USS John Paul Jones, một tàu chiến lớp Arleigh Burke đã đánh chìm một tàu khu trục đời cũ đã bị ngừng hoạt động bằng một tên lửa SM-6.

“Lần thử nghiệm này đã cho thấy những bước tiến của Raytheon về mặt phát triển công nghệ cũng như sự hợp tác lâu dài với Hải quân Mỹ”, tiến sĩ Taylor Lawrence, người đứng đầu bộ phận phát triển tên lửa của Raytheon cho biết.


Một tàu chiến được trang bị hệ thống tên lửa Aegis khai hỏa trên đại dương.

Một tàu chiến được trang bị hệ thống tên lửa Aegis khai hỏa trên đại dương.

“Việc ứng dụng các tên lửa dòng SM cùng với hệ thống phòng thủ Aegis vào những mục đích khác đã nâng cao khả năng chiến đấu của hạm đội của Hoa Kỳ”, ông Lawrence nói thêm.

Với việc SM-6 giờ đây có khả năng chống hạm, Hải quân Mỹ có một loại vũ khí siêu thanh tầm xa để có thể giao chiến với các tàu chiến của đối phương.

Điều này sẽ rất quan trọng trong trường hợp Mỹ vướng vào một cuộc xung đột với hải quân Trung Quốc hoặc Nga.

Theo hãng Raytheon, cuộc thử nghiệm tên lửa này chứng minh “sức mạnh dàn trải” của Hải quân Mỹ khi hỏa lực của các tàu chiến được nâng cao hơn trước.

Đồng thời, nó cũng cho thấy khả năng của SM-6 giờ đây được mở rộng hơn trước: không chỉ có tác dụng phòng không, nó còn có thể tấn công các tàu chiến cũng như các cứ điểm gần bờ biển.

Tên lửa SM-6, cùng với hệ thống radar tìm kiếm chủ động, được thiết kế để công kích những mục tiêu nằm ngoài tầm nhìn của tàu.

Một tàu chiến có hệ thống phòng thủ tên lửa loại này có thể phát hiện và đối phó với mọi mục tiêu trên không ở khoảng cách rất xa, bao gồm máy bay quân sự và tên lửa, nhờ có những dữ liệu thu thập từ một máy bay cảnh báo sớm.

Các loại radar trên các tàu chiến hiện tại có tầm phát hiện vào khoảng 250 hải lý đối với một mục tiêu bay với độ cao khoảng 9.100 m.

Với những mục tiêu bay với độ cao thấp hơn, tầm phát hiện của radar sẽ ngắn đi, do đó sự xuất hiện của máy bay cảnh báo sớm như E-2D là rất quan trọng.

Tầm bắn tối đa của SM-6 cho đến nay vẫn được giữ kín, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, tên lửa có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 250 hải lý.

Nhờ khả năng theo dõi và truy tìm mục tiêu trên biển của E-2D, tên lửa SM-6 với tốc độ Mach 3,5 sẽ cho phép các tàu chiến Mỹ có thể đối đầu với tàu chiến của đối phương từ khoảng cách rất xa.

Mặc dù đầu đạn của SM-6 có kích cỡ khá nhỏ, khả năng sát thương của nó vẫn rất đáng gờm. Với việc các tàu chiến ngày nay không phải là những chiến hạm khổng lồ như thời Thế chiến, rất dễ để loại tên lửa này có thể tiêu diệt tàu địch.

Điều đó có nghĩa là SM-6 thừa sức đối phó với chiến hạm lớp Kirov của Nga hoặc tàu Type 52D của Trung Quốc do tốc độ vượt trội của mình.

Sức mạnh vật lý từ một tên lửa siêu thanh sẽ gây ra những tổn hại cho đối phương, và điều này đã được rút ra sau cuộc thử nghiệm mới nhất trên.

Cho đến nay, Raytheon đã bàn giao hơn 250 tên lửa SM-6 cho Hải quân Mỹ từ năm 2013 đến nay. Hoạt động sản xuất sẽ còn tiếp tục trong lúc Hải quân Mỹ đang cần thay thế các loại vũ khí đã cũ.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại