Theo tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly đưa tin hồi tháng Sáu, Không quân Trung Quốc đã nhận bàn giao 15 máy bay ném bom chiến lược Xian H-6K. Tuy nhiên, có vẻ tới tận bây giờ, thông tin này mới được một số phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc xác nhận. Điều này đồng nghĩa với việc Jane Defence là nguồn tin đầu tiên khẳng định H-6K đã được chính thức biên chế cho Không quân Trung Quốc.
Máy bay ném bom H-6K, có khả năng mang bom và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, là phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom H-6 - một mẫu máy bay nội địa mà Trung Quốc phát triển dựa trên máy bay ném bom Tupolev Tu-16 Badger được Moscow triển khai lần đầu tiên trong những năm 1950. Không quân Trung Quốc nhận chiếc Tu-16 đầu tiên từ Liên Bang Xô Viết năm 1958 và sau đó đã tiến hành nhiều sửa đổi dựa trên mẫu máy bay này.
Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc: "H-6K là máy bay ném bom chiến lược có kích cỡ trung bình, được thiết kế cho các nhiệm vụ ném bom tầm xa và tuần tra trên không trong phạm vi rộng lớn. Không giống như 'người tiền nhiệm' H-6, H-6K có thể mang theo tên lửa hành trình đặt dưới cánh. Ngoài ra, H-6K còn cơ động hơn H-6 và đòi hỏi một phi đội bay nhỏ hơn để vận hành hệ thống".
Một trong những cải tiến lớn nhất của H-6K là động cơ. Loại máy bay ném bom chiến lược mới này được cho là sử dụng động cơ tuốc-bin phản lực cánh quạt đẩy D-30KP do công ty NPO Saturn của Nga sản xuất, giúp tăng bán kính chiến đấu của H-6K lên khoảng 3.500km. H-6K còn được trang bị tên lửa chống tàu siêu thanh YJ-12 Eagle Strike với tầm bắn khoảng 400km và 6 tên lửa hành trình phóng từ trên không Changjian-10K (CJ-10K) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn từ 1.500 - 2.000km.
CJ-10K là biến thể trên không của tên lửa tấn công mặt đất CJ-10 phát triển từ tên lửa DH-10 (DongHai-10). Tên lửa DH-10 được cho là phát triển dựa trên tên lửa Kh-55 của Nga. DH-10 xuất hiện lần đầu tiên trong một buổi diễu binh tổ chức năm 2009, Viện nghiên cứu mang tên Project 2049 đầu năm nay tuyên bố rằng: "sau hơn 2 thập kỷ phát triển và thử nghiệm, tên lửa DH-10 đã được đưa vào sản xuất và triển khai với tốc độ chóng mặt".
Truyền thông Trung Quốc mạnh miệng rằng H-6K có thể tấn công các mục tiêu trên đảo Guam, thậm chí là Hawaii
Bản thân H-6K có bán kính tác chiến 3.500 km nhưng nhờ trang bị CJ-10 nên tầm hoạt động của nó có thể được tăng lên tới 5.000 km. Vì thế, phương tiện truyền thông Trung Quốc mới mạnh miệng rằng với bán kính tác chiến như thế này, H-6K có thể "chạm tới Okinawa, Guam và thậm chí là Hawaii từ lục địa Trung Quốc".
Theo tạp chí Diplomat, đây đúng hơn là một cách nói khoa trương, cường điệu, dù thông tin này cũng được các nguồn báo khác đưa tin. Gần đây nhất, tờ Want China Times của Đài Loan trích dẫn bài viết từ tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (trụ sở tại Canada) dự đoán rằng một chiếc máy bay ném bom H-6K trang bị tên lửa CJ-10K có thể chạm tới Hawaii, với giả thiết là tầm hoạt động của máy bay H-6K trang bị tên lửa CJ-10K lên tới 5.000 - 9.000 km.
Tạp chí Diplomat kết luận, dù trong trường hợp nào thì H-6K cũng chỉ là một biện pháp thay thế, lấp chỗ trống tạm thời cho lực lượng máy bay ném bom của Không quân Trung Quốc, mặc dù những dự định tương lai của Trung Quốc vẫn còn khá mù mờ. Đã có nhiều suy đoán rằng Bắc Kinh từng cố tìm cách mua máy bay ném bom Tu-22M do Nga thiết kế, sản xuất và hiện tại đang tìm cách có được máy bay ném bom hiện đại Sukhoi Su-34 của Nga hoặc để sản xuất một bản sao của nó dưới tên J-17.
Cuối cùng, một số nguồn tin thừa nhận rằng Trung Quốc đang phát triển một máy bay ném bom tàng hình dựa trên máy bay ném bom B-2 Spirit của Mỹ. Tờ Flight Global nhận định máy bay ném bom tàng hình của Trung Quốc có thể được trang bị động cơ WS-10 do nước này sản xuất và mang theo tên lửa CJ-10K.
Bài vở và ý kiến đóng góp ý kiến cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!